Vén màn bí ẩn thân phận lính thợ Đông Dương

TPO - Do hoàn cảnh chiến tranh và những hệ lụy khá tế nhị về lịch sử mà hơn 70 năm qua, câu chuyện về những người lính thợ Đông Dương tại Pháp vẫn bị vùi sâu trong kí ức của cả 2 phía.

Chiều 26/11, tại L’Espace, Trung tâm văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội), hội thảo ra mắt phiên bản tiếng Việt của cuốn sách ‘Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939 – 1952): Một trang sử thuộc địa bị lãng quên’ của tác giả Pierre Daum.

Trong cuốn sách, những tài liệu lịch sử, những lời kể của nhân chứng về khoảng thời gian mà hàng vạn thanh niên Việt Nam bị đưa sang Pháp để phục vụ kĩ nghệ chiến tranh, đã được phơi bày trước công luận sau hơn 70 năm rơi vào quên lãng.

Vén màn bí ẩn thân phận lính thợ Đông Dương ảnh 1

Bìa cuốn sách ‘Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939 – 1952): Một trang sử thuộc địa bị lãng quên’. 

Tháng 9/1939, khi nước Pháp tuyên chiến với phát xít Đức, chính phủ Pháp đã đưa 2 vạn thanh niên Việt Nam đến chính quốc. 

Khoảng 5% người trong số đó là con em nhà khá giả, có học nên đã tình nguyện đăng kí làm thông ngôn. Số còn lại chủ yếu là nông dân, ít học nên được đưa vào làm công nhân trong các nhà máy vũ khí.

Những người lao động này được gọi là lính thợ Đông Dương.

Sau khi nước Pháp thua trận trước Đức quốc xã tháng 6/1940, chỉ có khoảng 4500 người trong số lính thợ này được trở về quê hương. Số còn lại được đưa về miền Nam nước Pháp để trưng dụng vào các lĩnh vực sản xuất khác.

Tuy sống tại đất khách quê người nhưng những người lính thợ vẫn luôn tổ chức các cuộc đấu tranh phản đối thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. 

Chính bởi phong trào đầu tranh mạnh mẽ đó mà chính phủ Pháp đã buộc phải lần lượt tổ chức hồi hương cho những người lao động này. Một số người trong số họ lựa chọn ở lại và sinh sống trên đất Pháp.

Qua 19 chương của cuốn sách ‘Lính thợ Đông Dương ở Pháp’, tác giả Pierre Daum đã tái hiện bức tranh khá đầy đủ về cuộc đời những người lao động ở một nơi hoàn toàn xa lạ.

Không chỉ nói về cuộc sống lao động khổ sai hay các cuộc đấu tranh, Pierre Daum còn nhắc đến những thành tựu mà người lính thợ đã để lại tại Pháp, những mối tình nảy nở giữa họ với các thiếu nữ Pháp, và đặc biệt là cuộc sống hiện tại của họ, cả những người tiếp tục ở lại Pháp và những người đã về Việt Nam.

Vén màn bí ẩn thân phận lính thợ Đông Dương ảnh 2

Năm 1942, 500 người lính thợ được gửi đến Camargue (Pháp) để phát triển nghề trồng lúa gạo. Nhờ kinh nghiệm trồng lùa tại quê hương, họ đã tạo nên một vùng lúa gạo đặc sản và là niềm tự hào của miền Nam nước Pháp ngày nay. (Ảnh do ông Phạm Văn Nhận cung cấp)

Nói về tác phẩm của Pierre Daum, PGS. TS sử học Phạm Xanh chia sẻ: Một trong những điều khiến ông cảm thấy thích cuốn sách này đó là việc tác giả Pierre Daum, vốn là một nhà báo, đã khai thác đề tài lịch sử gai góc bằng những phương pháp báo chí.

Không chỉ lao vào thư viện, bảo tàng để tìm kiếm tư liệu, Pierre Daum còn trực tiếp đi tìm những nhân chứng để lắng nghe và kể lại câu chuyện của họ thông qua sự chứng thực của các tài liệu lịch sử.

Vén màn bí ẩn thân phận lính thợ Đông Dương ảnh 3

GS Chu Hảo - Giám đốc NXB Tri thức (trái) và PGS. TS sử học Phạm Xanh tại buổi hội thảo ra mắt sách.

Kể từ khi được xuất bản năm 2009 tại Pháp, cuốn sách đã tạo nên nhiều tiếng vang và đánh thức lương tri người Pháp.

Nhờ đó mà ngày 5/10 vừa qua, tượng đài kỷ niệm cấp nhà nước nhằm tưởng nhớ công lao của 2 vạn người lính thợ Đông Dương bị cưỡng bức lưu đày trong Thế chiến II đã được long trọng khánh thành tại Camargue, như là lời công khai thừa nhận từ 2 quốc gia, rằng những cựu lao động này thực sự là nạn nhân của chế độ thực dân thuộc địa một thời.

Có thể nói, cuốn sách ‘Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939 – 1952): Một trang sử thuộc địa bị lãng quên’ đã hoàn thành nhiệm vụ giúp trả lại công bằng cho những người lính thợ Việt Nam. Và đó cũng chính là tâm nguyện của tác giả khi thực hiện đề tài này.

MỚI - NÓNG