Vẹn tròn như chiếc nón bài thơ

Vẹn tròn như chiếc nón bài thơ
TP - Năm 1955, tàu hỏa liên vận từ Mục Nam Quan đi qua Trung Quốc, Mông Cổ, Liên Xô đưa đoàn đại biểu thanh niên sinh viên Việt Nam cùng với đoàn ca múa nhạc, đông tới hơn một trăm người tiến sang thủ đô Vácsava (Ba Lan).
Vẹn tròn như chiếc nón bài thơ ảnh 1
Duyên dáng nón bài thơ

Đây là đoàn tham dự Đại hội liên hoan Thanh niên Sinh viên thế giới lần thứ V. Trong đoàn đại biểu đó có nhà văn Sơn Tùng.

Đến Matxcơva, cả đoàn vừa bước xuống sân ga đã thấy hàng trăm thiếu nữ cầm hoa và hàng chục thiếu nữ nghiêng nghiêng vành nón trắng bài thơ trên đầu duyên dáng vẫy chào các bạn trẻ đến từ Việt Nam.

Ấn tượng đầu tiên đó đã tạo cảm xúc để những câu thơ dần hiển hiện trong đầu Sơn Tùng:

“Một lần anh đi xa Tổ quốc
Gặp người con gái Liên Xô
Duyên dáng cười nghiêng nón bài thơ
In bóng dài trên đường phố Mạc Tư Khoa
Anh thấy cả quê hương hiện đến…”

Kết thúc liên hoan trở về nước, những ấn tượng sâu sắc mãi in đậm từng chặng đường Sơn Tùng và Đoàn đã đi qua: Trên đất nước láng giềng Trung Quốc anh em, mỗi khi tàu dừng lại, hàng ngàn thanh niên ra đón.

Sân ga Vácsava tưng bừng như ngày hội lớn, những lá cờ đỏ sao vàng chao đưa giữa rừng cờ hoa với bao màu cờ, sắc áo, cùng những sắc hoa tràn ngập...

Các bạn khắp năm châu bốn biển với đủ màu da hô vang: Việt Nam... Việt Nam... Điện Biên Phủ... Điện Biên Phủ... Hồ Chí Minh... Hồ Chí Minh... Võ Nguyên Giáp... Võ Nguyên Giáp...

Nhưng niềm vui chưa trọn vẹn! Vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải - giới tuyến như lưỡi dao cắt lìa khúc ruột. Nỗi đau chia cắt!

“Nhớ buổi quê hương mịt mù khói lửa
Anh đi
Mẹ tiễn một quãng đường xa
Mẹ trao anh chiếc nón bài thơ
Phút giây lặng lẽ…
Nắng ngời mắt mẹ
Mẹ dặn anh như nhắc một lời thề:
“Giấy rách thì giữ lấy lề
Nón rách thì giữ lấy mê đội đầu”

“Gửi em chiếc nón bài thơ” khúc tình ca, tráng ca ra đời với niềm tin gần như đoán định đất nước sẽ thống nhất.

“Tin tưởng em ơi ngày ấy không xa
Em đội nón bài thơ đi đón ngày hội mới
Nước non liền một dải
Vẹn tròn như chiếc nón bài thơ”

Bài thơ in lần đầu trên Nội san Sinh viên năm 1955 số đặc biệt chào mừng Đoàn Đại biểu Thanh niên Sinh viên Việt Nam trở về, rồi đăng báo Thống Nhất. Khi Sơn Tùng đang chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ, nhà văn Lê Phương tuyển in “Gửi em chiếc nón bài thơ” trong tập Bàn tay yêu - nhà xuất bản Lao động – gồm nhiều tác giả…

Sơn Tùng chỉ biết Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam mở cuộc thi sáng tác ca khúc ca ngợi đất nước quê hương thống nhất. Lê Việt Hòa phổ nhạc, đảo một vài từ  và lấy luôn tên bài thơ của ông làm tên ca khúc “Gửi em chiếc nón bài thơ”.

Ca khúc được phổ nhạc thành công và đã tạo dấu ấn sâu đậm trong hàng triệu thính giả. Chỉ có điều, sau nhiều năm, tác giả bài thơ và nhạc sĩ phổ nhạc chẳng biết mặt nhau để cùng chung vui chén rượu nhạt.

Bỗng một hôm, tại Chiếu văn (tên gọi nơi đàm đạo của các văn nghệ sĩ tại tư gia nhà văn Sơn Tùng), nhạc sĩ Văn Cao và nhà văn Sơn Tùng đang ngồi nói chuyện thì có vị khách trẻ tuổi, thấp thấp, nhỏ nhỏ, cái đầu tròn tròn ngấp nghé ngoài cửa. Vừa thấy Sơn Tùng, vị khách liền tự giới thiệu:

- Mong anh thứ cho, em là Lê Việt Hòa đi tìm anh khắp, giờ mới ra được chỗ anh cư trú. Trước là gửi anh mấy đồng nhuận bút và cảm ơn anh có bài thơ để em có ca khúc đi vào lòng người. Em phổ bài “Gửi em chiếc nón bài thơ” của anh, thính giả hoan nghênh lắm.

Vị khách nhìn sang nhạc sĩ Văn Cao vẫn trầm tư như đỉnh núi, chén rượu trắng ủ trong tay, nói:

-  Hôm nay cháu lại được gặp chú Văn Cao – Quốc ca ở đây, xin thưa với chú và anh, nhạc sĩ Trần Hữu Pháp, tác giả bài hát “Em bé Bảo Ninh” phổ thơ Nguyễn Văn Dinh, viết thư gửi về Hội nhạc sĩ Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam, lời lẽ khá gay gắt rằng Nghệ An không có nón bài thơ.

Vẹn tròn như chiếc nón bài thơ ảnh 2
Nhà văn Sơn Tùng (trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nón Nghệ An là nón thô, nón chắc. Tất cả đất nước này chỉ có nón bài thơ xứ Huế chứ nơi khác không có, tại sao Lê Việt Hòa dám “vơ vào” để thành nón bài thơ xứ Nghệ? Có người còn dọa kiện...

Em mất ăn mất ngủ. Đài yêu cầu em phổ thơ thì phải đi hỏi tác giả chứ không thể bỏ một cách tùy tiện được. Em  phải nhờ thêm cả bạn bè cất công đi tìm Sơn Tùng tác giả bài thơ “Gửi em chiếc nón bài thơ”.

Văn Cao vẫn ủ chén rượu trong tay, lên tiếng đùa vui:

- Chắc bị người ta kiện thế này nhạc sĩ mới đi tìm nhà thơ phải không?

- Không, không, cháu chưa tìm được, chưa hỏi ra được thôi ạ.

- Ồ, ông cứ hỏi Hội Nhà văn là biết ngay Sơn Tùng chứ có khó gì đâu.

Trân trọng đặt ly rượu vừa rót vào tay nhạc sĩ trẻ tuổi bậc em, nhà văn Sơn Tùng vui vẻ:

- Ôi chao, tưởng là chuyện gì ghê gớm, chuyện ấy thì khỏi lo, nhạc sĩ cứ bình tĩnh ngồi đây. Hiếm mới có dịp tao nhân hạnh ngộ, xin mời anh một ly.

Nhà văn Sơn Tùng không uống được rượu mà “chung vui” bằng chè Thái. Nhạc sĩ Văn Cao nâng chén rượu lên môi khẽ nhấp rồi lại ủ trong lòng bàn tay, nhìn hai tác giả:

- “Gửi em chiếc nón bài thơ” giai điệu đẹp!

Sau khi nhận lời đánh giá của nhạc sĩ Văn Cao, Lê Việt Hòa lúi húi ghi vào sổ tay lời giải thích của Sơn Tùng: 

- Bây giờ nhạc sĩ cứ về trả lời trên đài, kinh đô Thăng Long ngoài Bắc nghìn năm rồi. Còn kinh đô Huế có từ bao giờ? Mãi thế kỷ XIX, năm 1802 vua Gia Long mới dời đô vào Huế.

Khi đã trở thành đế kinh, tất cả sản vật đặc biệt trong cả nước đều đem về kinh đô tiến vua nên mới có chuối tiến, có lụa tiến. Nón Nghệ là sản vật ở Nghệ An được tiến kinh. Tất nhiên sau khi vào Huế nón Nghệ có nâng cấp thêm lên.

Thêm nữa, cứ lục hết kho tàng ca dao – mà ca dao ra đời từ rất sớm - tuyệt không thấy câu nào nói về nón bài thơ xứ Huế cả. Nhưng nón Nghệ đã vào ca dao, trở thành vật thách cưới - ngày xưa sản vật nổi tiếng nằm ở thách cưới.

Thách cưới mà nón Nghệ sang thế này: “Em là con gái nhà giàu/ Mẹ cha thách cưới ra màu xinh xao/ Cưới em trăm tấm gấm đào/ Một trăm viên ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời/ Tráp vàng dẫn đủ trăm đôi/ Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng/ Sắm xe tứ mã đưa sang/ Để quan viên họ nhà nàng đưa dâu/ Ba trăm nón Nghệ đội đầu/Mỗi người một cái quạt Tàu thật xinh...”

Lê Việt Hòa thở phào ôm lấy Sơn Tùng: - “Cảm ơn anh đã cứu em thoát hiểm”. Nhạc sĩ trở về trả lời trên Đài Tiếng nói Việt Nam, từ đó mọi chuyện đều êm ả.

Kiều Mai Sơn
Ghi theo lời kể của nhà văn Sơn Tùng

MỚI - NÓNG