Vì đâu phim truyền hình dậy sóng

Cảnh trong phim “Người phán xử”. Ảnh: PV.
Cảnh trong phim “Người phán xử”. Ảnh: PV.
TP - Truyền hình Việt từng có nhiều bộ phim ăn khách song chưa bao giờ  dậy sóng đến ngỡ ngàng như “Sống chung với mẹ chồng”, “Người phán xử”. Có người vui tính ví von, sức hút của hai bộ phim này ngang ngửa và hồi hộp không kém vụ án “đại gia, chân dài” “hot” nhất thời điểm hiện nay. Phim truyền hình “nội” đang được mùa chăng hay cũng chỉ là ăn may tức thời?

NSND Lan Hương (Hương bông), bà mẹ chồng nổi tiếng “nhất vịnh Bắc Bộ” hé lộ: Chị nhận được một số lời mời tham gia phim phòng rạp ở phía Nam nhưng chưa dám nhận lời. Biết tiếng mẹ chồng ghê gớm nên các đạo diễn “xí” cho Hương bông toàn vai vô cùng dữ dội, thậm chí sử dụng cả bạo lực. “Tôi chưa đủ tự tin để vào vai ác đến như vậy”, nghệ sỹ thú nhận.

Mới thấy “Sống chung với mẹ chồng” ảnh hưởng vĩ đại thế nào. Người ta gần như quên hết một Hương bông dịu dàng trước đây. Vai diễn ám ảnh đến như vai Thủy trong phim nhựa “Mùa ổi” của đạo diễn Đặng Nhật Minh, từng giúp chị giành giải “diễn viên xuất sắc nhất” trong kì LHP quốc tế tại Singapore cũng chẳng giúp Lan Hương được nhắc và nhớ nhiều như vai mẹ chồng. Ở tuổi xế chiều, cái tên Hương bông sáng lòa, chị  khoe: “Sáng nay tôi vừa lên VTV 24, chiều lại lên Cuộc sống thường ngày, để nói lời tri ân với khán giả. Lần đầu tiên nhà đài cho tôi làm việc đó”.

Vì đâu phim truyền hình dậy sóng ảnh 1 NSND Lan Hương: “Bây giờ khán giả chỉ quan tâm những điều gần gũi”.

Đề tài quen thuộc, “dụ dỗ” cả trẻ con

Cha đẻ “Sống chung với mẹ chồng”, đạo diễn, NSƯT Vũ Trường Khoa chia sẻ: “Trước khi bắt tay vào bộ phim nào chúng tôi cũng định hình bộ phim đề cập đề tài gì, khai thác chủ đề gì, chủ đề đó  phù hợp với đối tượng khán giả chính nào, bởi khán giả vốn đa dạng, nhiều tầng lớp, lứa tuổi. Mỗi bộ phim không thể ôm hết thị hiếu của tất cả các tầng lớp khán giả, chỉ xác định được một khu vực khán giả tương đối gần gũi với đề tài thể hiện”.

Ở “Sống chung với mẹ chồng”, đối tượng khán giả được những người làm phim khoanh vùng chính là các thành viên trong gia đình, cụ thể hơn nữa là những người phụ nữ trong gia đình. “Nhưng chính những người phụ nữ trong gia đình lại là cây cầu kết nối quan trọng để tạo nên gia đình, cũng như xã hội. Cho nên sự lan tỏa của nó tốt”, đạo diễn Vũ Trường Khoa giải thích một trong những lí do khiến “đứa con” vừa qua của mình được chào đón nồng nhiệt. Tuy nhiên, anh phải thú nhận: Không thể hình dung hiệu ứng phim “khủng” như hiện tại.

Vũ Trường Khoa vốn là đạo diễn mát tay với đề tài gia đình, trước đó tên anh gắn với “Hôn nhân trong ngõ hẹp”. Bộ phim truyền hình 30 tập này cũng từng thu hút khán giả, tuy chưa “nóng” như “Sống chung với mẹ chồng”. Có thể nói, đề tài gia đình vẫn là một trong những đề tài khơi mãi không cạn và dễ níu khán giả. NSND Hương bông kể, mới đây  chị vào một ngôi chùa dự lễ sám hối, khi sư thầy hỏi: “Có ai trong các con xem “Sống chung với mẹ chồng” không?”, hàng loạt cánh tay của các em học sinh giơ lên. Sau đó, nhà chùa phải chia học sinh thành từng tốp để chụp ảnh với “mẹ chồng”. Có lẽ vì phim truyền hình có lợi thế không “dán nhãn” phân định lứa tuổi nên “Sống chung với mẹ chồng” cũng thành phim “hot” của lứa tuổi cắp sách đến trường chăng? Thậm chí, NSND Lan Hương còn có những khán giả “nhí” gặp chị ngoài đường, reo lên, “Mẹ chồng, mẹ chồng” và khen “Con thích bà đóng vai này lắm”. Phim truyền hình Việt đã lôi kéo thêm được một lượng khán giả đông đảo mà họ ít tính đến.

Vì đâu phim truyền hình dậy sóng ảnh 2 Đạo diễn Trọng Trinh: “Diễn viên xuất sắc, câu chuyện xuất sắc, hình ảnh đẹp, thế là thu hút thôi”.

Việt hóa, thì sao?

Khác với Vũ Trường Khoa, đạo diễn Trọng Trinh không bất ngờ khi phim truyền hình Việt thắng lớn: “Có gì đâu, dàn diễn viên xuất sắc, câu chuyện hấp dẫn, hình ảnh đẹp, thế là thu hút được khán giả thôi”. Anh giải thích thêm: “Trước đây phim chưa được đầu tư nhiều, bây giờ có sự nâng cấp, đầu tư từ trang thiết bị, kịch bản, kỹ thuật, dàn diễn viên, nhân sự… Đầu tư nắn nót góp phần nâng cao chất lượng phim”. Trọng Trinh và Vũ Trường Khoa đều khẳng định: Yếu tố nội tại là then chốt trong sự thịnh vượng của phim truyền hình Việt hiện nay. Họ bác bỏ yếu tố ăn may, gặp thời.

Xoay quanh vấn đề “vay mượn” kịch bản nước ngoài ở hai bộ phim “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, đạo diễn Trọng Trinh có quan điểm nhẹ nhàng: “Mỹ cũng thế thôi, có những kịch bản có phải ở nước họ đâu, người ta cũng mua câu chuyện ở nước khác, sau đó biến hóa, ở mình gọi là Việt hóa, cho gần gũi với văn hóa người Việt, mới hấp dẫn được khán giả”. Tuy nhiên, không phải phim truyền hình Việt Nam ỷ lại hoàn toàn việc khai thác kịch bản nước ngoài. Chúng ta đã từng có nhiều bộ phim truyền hình “made in vietnam” từ đầu chí cuối và gây tiếng vang: “Như phim “Zippo, Mù tạt và Em”, kịch bản nội, vẫn ăn khách. Nếu tôi nhớ không nhầm, năm ngoái không có bộ phim Việt hóa nào, năm nay có hai bộ. Về vấn đề này tôi hoàn toàn chia sẻ với các nhà biên kịch Việt. Trên thực tế quá trình Việt hóa gần như phải viết lại, biên tập lại, bỏ tuyến này, tăng tuyến kia, gần như một sáng tác mới trên cơ sở ý tưởng, cốt truyện được vay mượn. Đó là chưa tính đến cách kể của đạo diễn, xử lí hình ảnh nữa”. Một tiết lộ nhỏ từ đạo diễn Trọng Trinh: Hiện nay anh đang trong quá trình quay một bộ phim truyền hình, kịch bản xuất xứ Trung Quốc được Việt hóa, cũng liên quan tới đề tài gia đình. Có thể đầu năm sau, khán giả đang mê man “Sống chung với mẹ chồng” sẽ được tiếp nguồn vui mới từ tác phẩm của NSƯT Trọng Trinh. Cũng không nên lo phim truyền hình Việt kéo dài đến mức “chán chê”: “Phải tôn trọng nội dung, chứ không nghiêng theo độ dài. Thường triển khai trên dưới 20 tập là xu hướng phim truyền hình Việt hiện nay” - ý kiến của đạo diễn Trọng Trinh.

Nhờ truyền thông

Ngoài những yếu tố kịch bản, diễn viên… “mẹ chồng” Lan Hương cho rằng: “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng” thành công còn nhờ… truyền thông: “Bây giờ truyền thông phát triển mạnh, sự tương tác giữa khán giả xem phim và diễn viên trong phim khá tốt, tạo ra hiệu ứng mạnh”. Lan Hương được đạo diễn Vũ Trường Khoa giao vai  mẹ chồng, chỉ với một lí do từ đời thường rất giản đơn: “Khi làm kịch bản Khoa đã hướng tới tôi vì Khoa bảo, nhà chị có ba ông con trai mà chị cai quản được thì chị… phải thế nào”. Đạo diễn rõ ràng có con mắt tinh đời, “mẹ chồng” Hương bông đi ngược lại những gì trước đó người ta ấn tượng ở hình ảnh mẹ chồng trong phim Việt. Nhớ lại bộ phim truyền hình “Mẹ chồng tôi” đình đám một thời, với diễn xuất của NSƯT Thu An trong vai mẹ chồng và người con dâu tên Thuận (NSƯT Chiều Xuân thủ vai) sẽ thấy sự khác biệt trong thông điệp chuyển tải ở cùng một đề tài quen: Quan hệ mẹ chồng- nàng dâu.

Theo NSND Lan Hương, phim truyền hình Việt hiện nay hấp dẫn hơn nhờ bình dị hơn: “Ngày trước, mỗi phim truyền hình thường hướng đến chủ đề cao siêu, tải thông điệp sâu sắc, nhưng bây giờ các vấn đề đưa ra chỉ hướng khán giả tới một giá trị nào đó về mặt tinh thần, một nét văn hóa rất nhỏ, chứ không cần xô bồ, nói vấn đề lớn lao. Bây giờ khán giả quan tâm những điều gần gũi, chẳng hạn như xem phim “Người phán xử” người ta tìm được những câu nói ấn tượng của nhân vật, thế là đủ hứng khởi rồi”.

Qua thời gian, những người làm phim có lẽ cũng ít sợ va chạm hơn nên các nhân vật được đẩy lên đến đỉnh điểm: “Phim truyền hình bây giờ, đã không làm thì thôi, đã làm là làm đến nơi đến chốn, mọi thứ đều được đẩy đến tận cùng”, nghệ sỹ Hương bông tâm sự.  Vì nhân vật trở nên thật hơn, nên khán giả xem phim sẽ bắt gặp bóng dáng chính mình hay những người thân quen với mình ở đâu đó. Thế nên, họ dễ bị “cảm nắng”. Từ “bác xe ôm đến bà bán thịt, bán rau ngoài chợ, rồi mấy cô văn phòng, mấy ông bạn của chồng ở trong Sài Gòn, đang xem phim cũng gọi điện ra, mấy bác về hưu cũng gọi điện cho tôi, rất xúc động”, “mẹ chồng” hào hứng khoe. Chị cho biết, diễn viên tham gia làm phim truyền hình hiện nay sướng hơn rất nhiều so với trước đây: “Trước đây vừa làm, vừa ăn ngoài cánh đồng, mệt mỏi, tiền nong eo hẹp. Còn bây giờ điều kiện tốt hơn trước rất nhiều, chúng tôi được chăm sóc sức khỏe rất tốt trong quá trình làm phim và được tôn trọng hơn”. Và một vấn đề tế nhị nữa cũng đã được đáp ứng: Cat-xê cho diễn viên thời nay cũng khỏe hơn ngày trước nhiều. Vì tâm trạng diễn viên khoan khoái nên họ cũng tận tâm “sống cuộc đời thứ hai” trên phim ảnh hơn.

Nhờ “nhân vật điển hình”?

Một nghệ sỹ (xin được giấu tên) bày tỏ: Thời bà học điện ảnh, các thầy, các cô luôn nói đến nhân vật điển hình trong mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật. “Hiện nay, nhân vật điển hình trong phim đang “chết” nên khán giả cũng buồn. “Sống chung với mẹ chồng” ăn khách vì xây dựng được nhân vật điển hình: Bà mẹ chồng”. Nghệ sỹ này băn khoăn: “Tôi có nghe đến trại sáng tác văn học nghệ thuật. Nhưng tôi nghĩ, cứ sáng tác ở trại thì còn lâu mới có nhân vật điển hình. Người làm công tác sáng tạo nghệ thuật phải lăn lộn nhiều hơn, chứng kiến nhiều hơn những thân phận, những hoàn cảnh trong cuộc đời mới ra tác phẩm hay được chứ?. Kể ra, cũng là đáng tiếc, khi “đứa con điển hình” trong “Sống chung với mẹ chồng” lại là “con lai”.  

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.