Vị linh mục và bộ sưu tập đèn cổ

Vị linh mục và bộ sưu tập đèn cổ
TP - Trong giới sưu tập cổ vật TP Hồ Chí Minh, ai cũng biết bộ sưu tập đèn cổ hiếm có của linh mục Nguyễn Hữu Triết- Chánh xứ giáo sứ Tân Sa Châu!
Vị linh mục và bộ sưu tập đèn cổ ảnh 1

Một góc bộ sưu tập đèn cổ.

Được hỏi vì sao lại chọn sưu tập đèn, Cha Triết trả lời: “Từ xưa tới nay, cha ông ta thường gắn liền hai hình ảnh đèn- sách tượng trưng cho học tập. 

Còn bên đạo Thiên Chúa, ánh sáng là chủ đề lớn. Chính vì thế, đã có rất nhiều người sưu tầm sách. Nhưng riêng tôi, tôi lại muốn có một bộ sưu tầm đèn để tìm hiểu về đời sống văn hóa thông qua những cây đèn”.

Cha Triết sưu tập đèn cổ đã hơn 10 năm nay. Thời gian như vậy chẳng nhiều lắm so với nhiều nhà sưu tập khác, nhưng nhờ sự nỗ lực, Cha đã có trong tay bộ sưu tập khiến nhiều tay chơi phải thán phục: Trên 400 chiếc đèn cổ.

Trong đó có rất nhiều chiếc đèn có giá trị rất cao về văn hoá. Cổ nhất phải kể đến những chiếc đèn của thời Đông Sơn (cách đây từ 2.000 đến 2.500 năm), rồi đến những chiếc đèn của dân tộc Chăm cách đây khoảng 700 đến 800 năm.

Lại có những chiếc đèn từ nền văn minh Ả Rập huyền bí, những chiếc đèn Ấn Độ có tuổi vài trăm năm, những chiếc đèn thủy tinh chạm khắc sắc nét của Pháp, những chiếc đèn bằng sứ thời nhà Thanh bên Trung Quốc…

Vị linh mục và bộ sưu tập đèn cổ ảnh 2
Đèn Châu Chấu của người thợ Đồng bằng sông Cửu Long hơn 200 tuổi;
Vị linh mục và bộ sưu tập đèn cổ ảnh 3
Bộ Đèn Hạc đồng thời Đông Sơn hơn 2.000 tuổi;
Vị linh mục và bộ sưu tập đèn cổ ảnh 4
Đèn tráng men Aladin trên 200 tuổi

Những chiếc đèn của Cha Triết sưu tập đã phản ánh đời sống văn hoá, tinh thần không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn của nhiều dân tộc khác trên thế giới.

Giới thiệu với chúng tôi bộ sưu tập của mình, Cha Triết rất tự hào. Những chiếc đèn Đông Sơn có dáng cong cong như mui thuyền phản ánh thời văn minh lúa nước người Việt; Chiếc đèn đất nung mang hình dáng con hạc được chạm khắc cảnh đồng lúa thanh bình, cảnh người lao động với con trâu cái cày;

Những chiếc đèn thuỷ tinh hình lục giác với những dòng chữ Nôm tượng hình được khắc nổi khá cầu kỳ dùng trong việc thờ cúng; Các đèn bằng đồng thau khắc rồng khắc phượng biểu trưng cho sự giàu  sang; Chiếc đèn bằng sứ với men xanh hình lư hương trang trọng…

Bên cạnh nét văn hoá, những người thợ thủ công ngày nào còn tạo ra những tính năng độc đáo. Như chiếc đèn biển có thể quay đi theo mọi hướng mà không tắt; Chiếc đèn bấc có gắn 2 con cào cào, khi đèn sáng 2 con cào cào xoè cánh, chiếc đèn treo xe ngựa rọi tia sáng cả 4 phía… 

Dường như những người thợ thủ công đã thổi hồn vào để chiếc đèn không chỉ thắp sáng đơn thuần mà trở thành những tác phẩm nghệ thuật sáng giá.

Hiện nay, Cha Triết vẫn tiếp tục tìm kiếm để bộ sưu tập đèn cổ của mình ngày càng phong phú. Biết được thú sưu tầm của Cha, có người đem tặng Cha những chiếc đèn cũ, cũng có người chỉ cho Cha tìm những cây đèn ở ngay những điểm… bán sắt vụn.

Nhưng cũng có những cái đèn, Cha đã phải tích cóp cả năm trời mới đủ tiền để mua chúng. Nhiều người tặc lưỡi: “Đèn còn sử dụng được đâu! Cha mua làm gì” thì Cha cười “Bây giờ đèn điện cả rồi, còn ai dùng đến những cây đèn dầu đèn bấc này đâu. Nhưng Cha mua đâu phải để dùng”.

Mong ước của Cha là sẽ tặng bộ sưu tập đèn của mình cho nhà truyền thống Giáo hội để giới thiệu cho nhiều người biết.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.