Vì sao 'Cô gái Việt Nam' vẫn chưa về được Huế?

Vì sao 'Cô gái Việt Nam' vẫn chưa về được Huế?
TP - Ít người biết, có một pho tượng “Cô gái Việt Nam” của cố điêu khắc gia tài danh Lê Thành Nhơn hiện vẫn nằm tại TP.HCM. Nguyện vọng của ông và bạn bè văn nghệ sĩ là đưa bức tượng này về Huế bao năm vẫn chưa thành.

Trước năm 1975, xưởng điêu khắc của Lê Thành Nhơn đặt tại 101 Nguyễn Du, Sài Gòn (tư thất của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ), nơi gia đình ông sinh sống, và ở trường CĐMT Huế, nơi ông giảng dạy và tham gia phong trào yêu nước ở các đô thị miền Nam.

Từ đây những tác phẩm lớn lần lượt ra đời. Pho tượng Phật bằng xi măng trắng cao 6m, dựng ở chùa Huệ Nghiêm (TPHCM); Chân dung thiếu nữ - xi măng trắng, cao 2,8m; Chân dung cụ Phan Thanh Giản - cao 4,5m; Chân dung Quán Thế Âm - bằng đồng, cao 1,6m, đặt ở Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán (Huế); Chân dung Phan Bội Châu - cao 4,5, rộng 3,5, dày 2,5m, chất liệu đồng, đang dựng tạm tại nhà thờ cụ Phan Bội Châu ở dốc Bến Ngự (Huế). v.v...

Sau năm 1975, Lê Thành Nhơn nổi tiếng ở Australia, nơi ông định cư, và ở Pháp, Đức, Mỹ... với hơn 10 cuộc triển lãm và nhiều tác phẩm độc đáo, để lại dấu ấn riêng.

Tác phẩm Phật Thiền tọa (1987) bằng đồng với phong cách tượng Phật rất Việt Nam, đường nét tạo khối đơn giản nhưng hiện đại, thanh thoát thể hiện sinh động từ nếp áo đến gương mặt từ hoà, bình dị.

Tác phẩm Phật Thiền tọa cùng lọ gốm men gương, một số bức sơn dầu của Lê Thành Nhơn được đưa vào trưng bày thường trực tại Bảo tàng quốc gia Australia.

Tượng đồng Đức Mẹ của ông được tôn trí ở nhà thờ cộng đồng công giáo Việt Nam ở Melbourne (Australia). Tượng đồng Niềm hân hoan - cỡ 2,5 x 2,5 x 2,5m - được dựng ở công viên Đại học Monash (Australia).

Cũng từ sau năm 1975 người ta mới biết thêm một Lê Thành Nhơn họa sĩ tài danh. Ông để lại khá nhiều tác phẩm hội họa giàu tính triết lý, nhân sinh như Xoắn ốc, Con sò, Chiếc áo quàn, Mùa đông, Hướng mặt trời lặn. Đặc biệt bộ tranh trừu tượng Đất, Nước, Lửa, Gió thể hiện sinh động quan niệm vũ trụ trong hiện tượng thiên nhiên.

Cho tôi xem mấy bức ảnh chụp lại tranh của Lê Thành Nhơn, họa sĩ Vĩnh Phối nhận xét: Tranh Lê Thành Nhơn có màu sắc tương phản rất mạnh mẽ làm cho người xem liên tưởng đến thời gian và không gian đặc trưng của đất nước Australia.

Đặc biệt ở Lê Thành Nhơn có cái nhìn rất khoáng đạt về tôn giáo. Tượng Đức Mẹ và Quán Thế Âm là hình ảnh giàu cảm xúc, truyền sức mạnh nội tâm, giúp người đời có cái nhìn hướng thiện, nhân ái; thông qua hình tượng tôn giáo, thiêng liêng, tác phẩm hướng lòng người đến những điều cao thượng và thanh thoát. Lê Thành Nhơn đầy cá tính và mạnh mẽ trong sáng tạo nghệ thuật, trong sáng tác ông thiên về những tác phẩm đồ sộ, hoành tráng.

Bước đường long đong của Cô gái Việt Nam

Trong lá thư gửi cho nhà điêu khắc Nguyễn Hiền về việc nhận lời dự trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần thứ ba tại Việt Nam- trong khuôn khổ Festival Huế 2002 - Lê Thành Nhơn xem Huế là đất thiêng của nghệ thuật.

Huế luôn luôn canh cánh trong tâm thức bởi vì mảnh đất này vừa là cái nôi của nghệ thuật vừa là đỉnh cao tài năng sáng tạo của Lê Thành Nhơn với bức tượng đồng chân dung Phan Bội Châu được ra đời trong phong trào đô thị miền Nam những năm 1972 - 1974.

Tượng Phan Bội Châu miêu tả được thần thái của một nhà chí sĩ yêu nước. Nét mặt đầy khí tiết của một sĩ phu trọn đời hiến dâng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước nhưng hoài bão không thành, cụ Phan bị quản thúc, con chim bằng một thời vẫy vùng Đông Hải trở thành Ông già Bến Ngự.

Hai bên là hai mảng phù điêu; mảng bên trái là bóng tối thể hiện xiềng xích nô lệ, áp bức tù đày của chế độ thực dân; mảng bên phải biểu đạt ước vọng hòa bình, hạnh phúc.

Tượng Phan Bội Châu và tượng Quán Thế Âm được xem là hai di vật, là hai món quà tặng của Lê Thành Nhơn đối với Huế. Những năm tháng cuối cùng Lê Thành Nhơn có nhã ý tặng đất thiêng nghệ thuật Huế bức Chân dung thiếu nữ - còn có tên gọi khác là Cô gái Việt Nam.

Tượng Cô gái Việt Nam được Lê Thành Nhơn sáng tác trong thời gian sống ở nhà 101 đường Nguyễn Du, TPHCM - gia đình của người cậu Lê Thành Nhơn. Sau năm 1975 gia chủ ra nước ngoài định cư, ngôi nhà thuộc diện Nhà nước quản lý.

Khi chủ sở hữu chuẩn bị phá dỡ ngôi nhà để xây dựng mới thì Lê Thành Nhơn cũng từ Australia trở về. Lê Thành Nhơn đã chuyển bức tượng về nhà người dì ở số 10 đường Lê Ngô Cát, quận 3, TPHCM. Khi đưa tượng vào sân nhà gia chủ phải phá dỡ một phần tường rào.

Ngày 8-2-2002, Lê Thành Nhơn gửi thư cho nhà giáo, dịch giả Bửu Ý ký thác một việc cực kỳ hệ trọng. Lê Thành Nhơn viết:

Pho tượng “Cô gái Việt Nam” mình tạc vào năm 1970, đầu mùa chương trình thực hiện các tượng danh nhân Việt Nam. Ngôi nhà Nguyễn Du sau này thuộc về người Nhật.

Pho tượng sẽ được chở về Nhật hoặc bị đập bỏ nhường chỗ cho xây cất của họ. Chính vì lý do này mà mình cầu được tượng ra khỏi nhà Nguyễn Du mà tác quyền vẫn được của mình.

Nay tóc Nhơn đã rụng sạch đầu. Thơ này viết cho Bửu Ý nói lời thầm hỏi nồng nàn và sâu xa nhứt. Và mình muốn nhờ Bửu Ý đưa giùm pho tượng cuối cùng này của Nhơn về Huế.

Nếu thấy OK, xin ông bỏ chút công đức liên lạc với quý vị có quyền chức yêu nghệ thuật cho tác phẩm điêu khắc “Cô gái Việt Nam” hứng một thoáng mù sương, một thoáng nắng chơi.

Bạn bè Lê Thành Nhơn ở Huế, những người tri kỷ và tâm huyết với văn hoá nghệ thuật Huế cũng đã trăn trở, tìm cách để quà tặng thứ ba dành cho Huế của Lê Thành Nhơn được về với Huế. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà ước nguyện của Lê Thành Nhơn, của bạn bè ông cho đến nay vẫn chưa thực hiện được?

Một ngày đầu năm 2010, bạn bè, thân hữu gặp mặt ở Nam Châu hội quán, nhắc lại chuyện dựng tượng Phan Bội Châu, chuyện đưa  Cô gái Việt Nam về Huế, Nhà giáo, dịch giả Bửu Ý thở dài nói với tác giả bài viết này: “Tôi vẫn canh cánh trong lòng, coi đó như một món nợ lớn với Lê Thành Nhơn”.

Tôi chợt nhớ, từ năm 1998 đến nay, cứ hai năm một lần Huế lại đăng cai tổ chức trại sáng tác Điêu khắc Quốc tế tại Việt Nam, mỗi trại thu hút trên dưới 30 trại viên, sau hai tháng thì bế mạc và để lại cho Huế một vườn tượng.

Thế nhưng, mỗi vườn tượng may ra mới có được một hoặc hai tác phẩm đứng được với thời gian. Chi phí để chuyển một bức tượng đã có thương hiệu từ TPHCM ra Huế rẻ hơn rất nhiều lần so với chi phí cho một trại sáng tác Điêu khắc, thế mà lại trục trặc?

Lý do để Cô gái Việt Nam chưa về được với đất thiêng nghệ thuật có lẽ không phải là do đường xa ngàn dặm?

Lê Thành Nhơn sinh ngày 17-11-1940 tại Thủ Dầu Một, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1963, từ 1964 đến 1975 là giảng viên chuyên ngành Điêu khắc Trường CĐMT Sài Gòn, CĐMT Huế, Viện Đại học Cộng đồng duyên hải Nha Trang.

Là nhà giáo, đồng thời thỉnh giảng ở nhiều trường nghệ thuật từ Sài Gòn ra Huế, nhưng Lê Thành Nhơn vẫn rất đam mê và dành nhiều thời gian cho công việc sáng tác.

Một đồng nghiệp cùng thời, người bạn thân thiết của Lê Thành Nhơn, NGƯT - Họa sĩ Vĩnh Phối, nhận xét: “Đó là một con người đã đạt được chất “đạo” của Lão Tử quả là sự siêu phàm của một nghệ sĩ”.

Lê Thành Nhơn mất ngày 4-11-2002 vì căn bệnh hiểm nghèo, để lại nhiều công trình dang dở và những dự định tốt đẹp chưa kịp thực thi.

MỚI - NÓNG