Vi Thùy Linh: Chờ một lời cầu hôn 'đủ choáng váng'

Vi Thùy Linh: Chờ một lời cầu hôn 'đủ choáng váng'
Sau 12 năm cầm bút, cuối cùng, Vi Thùy Linh cũng được kết nạp vào Hội Nhà văn VN và trở thành hội viên trẻ nhất. Ở tuổi 27, Linh đang chờ một lời cầu hôn đủ thuyết phục để dứt khoát từ bỏ tự do.

- Chị có cảm giác thế nào khi trở thành người trẻ nhất được kết nạp vào Hội Nhà văn?

- Hội Nhà văn là hội nghề nghiệp của những người cầm bút, vì thế trở thành hội viên là điều rất có ý nghĩa. Nhưng 12 năm qua, tôi chưa bao giờ làm thơ, viết truyện với ham muốn được kết nạp vào Hội Nhà văn.

Với 3 tập thơ đã xuất bản và được coi là một tác giả gây nhiều dư âm trên văn đàn, nhiều người cho rằng, tôi đủ tiêu chuẩn để được vào Hội từ nhiều năm trước.

Nhưng tôi không vội vàng. Tôi muốn cố gắng làm thêm nhiều việc nữa, để có lý lịch đẹp hơn, hoàn thiện hơn khi làm đơn xin vào Hội. Năm nay, tôi được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn Phạm Ngọc Tiến giới thiệu và giành được số phiếu bầu cao.

Ở tuổi này, tôi bắt đầu học được sự điềm tĩnh trước mọi chuyện. Khi biết tin, tôi vui mừng, nhưng không đến mức phải nhẩy cẫng lên. Người đầu tiên tôi chia sẻ là bố. Ông cũng chỉ nói: "Chúc mừng con, nhưng hãy quên ngay đi, để còn làm việc khác".

Tôi vui khi trở thành người trẻ nhất được kết nạp vào Hội Nhà văn. Vậy là 12 năm qua, tôi vẫn giữ được cho mình những danh hiệu như: "Người đầu tiên", "Người trẻ nhất"...

Tôi thực sự cảm ơn Ban Nhà văn trẻ, Ban chấp hành Hội, đặc biệt là nhà văn Phan Thị Vàng Anh và những đồng nghiệp đã ủng hộ, chúc mừng tôi.

- Ngoài việc trở thành hội viên Hội Nhà văn, trong năm qua, chị đã làm được những gì?

- 2007 là một năm bận rộn và tôi hài lòng với những gì mình đã làm được. Tôi vừa tái bản hai tập thơ KhátLinh nhằm đáp ứng nhu cầu của người yêu thơ.

Thơ tôi được chọn vào những tuyển tập có chất lượng. Vừa qua, tôi có chuyến du hành 3 tháng sang Pháp và một số nước châu Âu để giao lưu và nói chuyện với sinh viên các trường đại học.

Vi Thùy Linh: Chờ một lời cầu hôn 'đủ choáng váng' ảnh 1
Vi Thùy Linh trong chuyến sang Pháp.
Ảnh do nghệ sĩ cung cấp.

- Sau khi trở thành hội viên, chị có dự định gì lớn cho công việc viết lách của mình?

- Tôi sẽ bền bỉ làm việc như trước nay vẫn thế. Nhưng đây là một động lực khiến tôi làm việc có trách nhiệm hơn, cần mẫn hơn và yêu nghề hơn. Sắp tới, tôi sẽ ra một tập thơ song ngữ Anh - Việt có cái tên rất độc, rất lạ.

Tôi xin phép không tiết lộ từ bây giờ. Sau tập này, tôi sẽ nghỉ làm thơ một thời gian. Hơn chục năm qua, tôi đã dồn quá nhiều sức lực cho thơ ca. Vì tính tôi không muốn làm gì nửa vời, tôi muốn việc nào ra việc ấy, làm "nhà" nào ra "nhà" ấy, chứ không xây chung cư.

Tôi tạm dừng thơ ca để chuyển sang viết kịch bản phim truyền hình. Năm 2008, dự kiến sẽ có một tập tản văn và phê bình. Tôi cũng sẽ viết báo trở lại, nhất là về điện ảnh và văn học.

- Nếu viết kịch bản, phim của Vi Thùy Linh sẽ có điều gì khác với phim truyền hình Việt Nam hiện nay?

- Thứ nhất, trong phim của tôi, nhà thơ sẽ không xuất hiện với bộ dạng nhếch nhách, đầu bù tóc rối, vừa hôi vừa bẩn. Trước nay, nhân vật nhà văn, nhà thơ được thể hiện trong phim ảnh Việt Nam một cách méo mó, phiến diện, mà khi lên sóng nhiều người xem lại tưởng đó là hình ảnh tiêu biểu.

Thực tế, cũng có những nhà thơ lôi thôi, ít tắm và chỉ chăm chắm đi "đánh giậm" tại các nhà hàng, quán bar... nhưng trong phim tôi, văn sĩ sẽ phải là những con người trí thức, lịch sự, ăn vận đẹp. Họ sẽ được xây dựng thành nhân vật chính chứ không phải nghìn năm làm vai phụ....

Thứ hai, tôi sẽ không dùng ngôn ngữ vỉa hè đặt vào miệng của những người trí thức. Tôi lấy làm lạ khi trong một số phim, những người có học nói chuyện với nhau mà lại dùng những từ như: "khoe hàng", "đi khách"...

Đó không phải là ngôn ngữ của giới trí thức. Ngôn ngữ, một phần nào đó, có thể phân hạng người. Tất nhiên, nếu xây dựng những người lao động, những kẻ côn đồ, những cô gái điếm... tôi sẽ biết lựa chọn ngôn ngữ phù hợp.

Thứ ba, trong phim của tôi, nhân vật sẽ không lạm dụng thuốc lá. Trong nhiều phim hiện nay, sự cẩu thả của các đạo diễn khiến diễn viên trở nên lười nhác.

Mỗi khi nhân vật muốn thể hiện sự cân nhắc, đau khổ, hoặc đấu tranh nội tâm, người ta lại đặt vào miệng diễn viên một điếu thuốc rồi phì phèo nhả khói. Nhưng như thế thì lười nhác quá.

Diễn viên cần phải diễn bằng nội tâm, qua đôi mắt, cơ mặt nhiều hơn, chứ không thể ỷ vào điếu thuốc lá. Trong phim của tôi, nếu có nhân vật hút thuốc lá thì cuối cùng, có thể anh ta sẽ phải chết vì ung thư phổi.

Thứ tư, phim của tôi sẽ phải có chuyện tình yêu đẹp, lãng mạn nhưng không kết cấu theo kiểu Hàn Quốc (tình duyên + bệnh tật).

Phim sẽ có những cảnh yêu ra yêu, hôn ra hôn, thật và trực diện trong một thứ ánh sáng đẹp, hình ảnh đẹp. Tôi rất dị ứng với thói quen tự kiểm duyệt của các nhà đạo diễn. Họ sợ bị duyệt phim nên đã nhanh tay gọt hết tất cả những gì xù xì, góc cạnh.

Tại sao khi nhân vật chuẩn bị làm tình, ông đạo diễn lại bắt họ với tay tắt đèn cái phụt rồi chuyển ngay sang cảnh khác? Tại sao khi nam nữ tình tự, nhà quay phim lại chĩa ống kính lên mặt trăng, thậm chí còn cố quay cảnh mấy cành cây rung lên bần bật?

Tôi chưa biết, phim của tôi cụ thể sẽ ra sao, nhưng đó nhất định là những điều mà tôi phải tránh.

- Là một trong những tác giả thường xuyên xuất hiện trên báo, câu hỏi nào chị không thích trả lời nhất?

- Đó là câu: "Bao giờ chị lấy chồng?".

- Năm nay 27 tuổi, thế bao giờ chị lấy chồng?

- Tôi muốn mất tự do trước 30 tuổi. Lâu nay, có nhiều người tỏ tình nhưng tôi tiếc tự do, tiếc thời thanh xuân đầy ham mê đi và viết.

Bây giờ, tôi đang chờ một lời cầu hôn "đủ choáng váng", để ngay lập tức từ bỏ tự do.

Hà Linh
Theo Vnexpress

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.