Vì tiền, 'Hai sắc hoa ti gôn' chưa thể lên phim

Nhà nghiên cứu Trần Đình Thu
Nhà nghiên cứu Trần Đình Thu
TP - Nhà nghiên cứu Trần Đình Thu đã hoàn thành kịch bản phim từ nội dung hai cuốn sách chứng minh T.T.Kh - tác giả 'Hai sắc hoa tigôn' - tên thật là Trần Thị Vân Chung. Vân Chung từng lấy một công tử nhà giàu, nhưng đến nay, những người muốn làm phim về bà lại thiếu tiền. Tiền Phong trò chuyện cùng nhà nghiên cứu Trần Đình Thu.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Thu
Nhà nghiên cứu Trần Đình Thu. Ảnh: T.T

Câu chuyện hấp dẫn

Nhà văn Thanh Châu có vai trò thế nào trong phim?

Nhà văn Thanh Châu là tác giả truyện ngắn Hoa ti gôn nổi tiếng được đăng trên Tuần báo Tiểu thuyết thứ 7 vào những năm 1930. Từ trước tới nay, nhà văn Thanh Châu từng được coi là có mối quan hệ mật thiết với T.T.Kh bởi chính truyện ngắn trên mà T.T.Kh đã xuất hiện trên văn đàn chỉ với 3 bài thơ là Hai sắc hoa ti gôn, Bài thơ đầu tiên và Bài thơ cuối cùng.

Trước khi mất một thời gian, nhà văn Thanh Châu đã thừa nhận với tôi, Vân Chung chính là người yêu của mình, là cảm hứng để ông viết truyện ngắn Hoa ti gôn. Vì thế mà bài thơ Hai sắc hoa ti gôn bắt nguồn từ truyện ngắn trên.

Có thể tóm tắt nội dung phim như thế này: Hai nhân vật Thanh Châu và Vân Chung gặp nhau trên một chuyến tàu từ Hà Nội về Thanh Hóa. Thanh Châu chính là bạn của anh trai Vân Chung nên 2 người quen nhau rồi nảy sinh tình cảm. Tình yêu của họ gắn với nhiều kỷ niệm về loài hoa tigôn. Nhưng rồi người thứ ba xuất hiện, đó là một công tử con nhà giàu du học ở Pháp về đã đem lòng yêu Vân Chung.

Gia đình Vân Chung muốn thông gia với nhà công tử kia, ép gả Vân Chung cho anh ta. Thanh Châu chán nản bỏ đi và viết câu chuyện Hoa ti gôn đẫm nước mắt. Còn Vân Chung đi theo người chồng mà nàng không yêu để rồi đọc lại truyện ngắn của người yêu, nàng đã làm ra Hai sắc hoa ti gôn và 2 bài thơ khác. Nhưng nàng không muốn phá vỡ hạnh phúc với gia đình mới nên đành ký tên là T.T.Kh để hy vọng người yêu hiểu được lòng mình.

Anh có hy vọng gì là phim sẽ hấp dẫn người xem?

Tôi hy vọng ở những vần thơ tuyện tác của T.T.Kh mà tôi đưa vào phim. Để hoàn thành kịch bản, tôi và nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân đã phải mất hơn 2 tháng để chỉnh sửa, xây dựng nhân vật cho đậm nét và ấn tượng. Sau khi hoàn thành kịch bản chúng tôi có đưa cho mấy nhà sản xuất xem và ai cũng thích.

Khó thành phim

Sau khi anh viết kịch bản, những người liên quan đến các nhân vật có lên tiếng gì không?

Bên gia đình bà Vân Chung thì không ý kiến gì nhưng gia đình ông Thanh Châu thì có một người phụ nữ tự xưng là con ông Thanh Châu đòi kiện vì tôi đã xâm phạm đời tư cha họ. Tôi có liên lạc với họ mấy lần để giải thích rằng tôi viết về T.T.Kh và nếu họ kiện thì khác gì thừa nhận Thanh Châu là người yêu của T.T.Kh. Sau đó họ cũng thôi.

Vì sao bộ phim vẫn chưa được đưa vào sản xuất?

Có một số khó khăn mà chúng tôi đã gặp phải. Thứ nhất bộ phim được xây dựng trong bối cảnh những năm 1935 - 1940 tại Thanh Hóa và một số vùng lân cận nên nhân vật phải là người nói giọng Thanh Hóa, cụ thể là giọng Thanh Hóa giai đoạn đó cho phù hợp.

Thứ hai, kịch bản phim của tôi tuy hấp dẫn nhưng chỉ hấp dẫn với những người trên 40 tuổi. Bởi thế nhà sản xuất cân nhắc rất kỹ và đánh giá nếu làm phim trong tình hình như hiện nay thì cầm chắc… lỗ. Là nhà đầu tư tâm huyết đến đâu, họ cũng không dám bỏ tiền ra.

Sao anh không tự đi tìm nguồn tài trợ?

Tôi không muốn phải đi xin tiền. Chỉ mong những người có tâm huyết góp sức cùng tôi để đưa kịch bản ấy lên màn ảnh. Nghi án văn học lớn nhất tại Việt Nam thì xứng đáng để lên màn ảnh lắm chứ. Hy vọng trong thời gian tới tôi sẽ có được người đồng hành cùng với tôi để đưa nghi án ấy thành phim. Đó là mong ước lớn nhất thời điểm này.

Cám ơn anh.

Cách đây hơn 6 năm, nhà nghiên cứu Trần Đình Thu đã cho ra mắt cuốn sách Giải mã nghi án văn học T.T.Kh. Đây không phải cuốn sách đầu tiên viết về T.T.Kh - Nghi án văn học lớn nhất Việt Nam bởi trước đó, năm 1994 nhà văn Thế Phong cũng đã cho ra mắt cuốn T.T.Kh nàng là ai?. Hai cuốn sách đều đi đến kết luận rằng: Nhà văn nữ Trần Thị Vân Chung chính là T.T.Kh.

 
Trọng Thịnh (Thực hiện)
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.