Viết bài gì?

Viết bài gì?
TP - “Sáng nay ông đi đâu không?”. “Ở nhà”. “Ở nhà làm gì?”.

Thấy tôi nín thinh, bà vợ nói: “Không biết làm gì thì ở nhà làm gì, đi với tôi đến thăm chú Phón”. Vì không trả lời cũng là một hình thức trả lời, nên tôi buộc phải trả lời: “Sáng nay tôi bận viết một bài”. “Bài gì?”. “Chưa viết thì biết nó là bài gì”. Nghe vậy, bà vợ ngạc nhiên: “Lạ nhỉ, chưa biết bài gì thì viết cái gì?”.

Trò chuyện với bà này mệt quá. Tôi vội ngồi vào bàn, bật máy vi tính, nhíu mày suy nghĩ. Kể từ hôm nay, đối với tôi, ở nhà một mình là một phấn đấu. Kỳ tích này tôi quyết phải đạt cho được. Không “đi đâu đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Ừ, quyết rồi, mỗi sáng phải thay đồ, bỏ áo trong quần, buộc nịt, mang giày, đội mũ và… ở nhà. Thế đấy, phải như thế đấy, con người tôi mới có thời gian viết lách, may ra khá lên được.

2. Đột nhiên, tôi nhớ con chó già đã cho người ta giết thịt. Buộc phải cho người ta giết thịt vì nó cắn người. Khó hiểu thật, nó hiền lắm chứ, nhưng về già lại cắn người. Trẻ nít láng giềng đến chơi, nó ung dung tiến lại, cắn một phát, lại ung dung bỏ đi như chẳng việc gì xảy ra. Cắn như thể chào hỏi, như thể mừng rỡ vậy thôi. Thật phiền toái. Phải lo xin lỗi, phải chích thuốc ngừa. Phải đủ chuyện, kể cả tiền bạc. Giờ thì yên rồi, thịt nó đã chu du trong bụng thiên hạ. Nó vĩnh viễn không còn trên đời. Phải chi nó không cắn người, hẳn giờ này nó nằm dưới chân tôi. Cho nó để người ta giết thịt là một quyết định đau lòng. Đau lòng ấy tưởng đã quên, nhưng giờ này lại dấy lên. Thôi, nhà không có tay nuôi chó, cũng đành vậy. Bỏ đi, không day dứt làm gì.

Nắng vàng tuyệt vời. Trước sân, màu hoa mai rực lên. Ngoài đường xe, người qua lại lác đác.

“Ông dại, ông dại…con bò dính dây”.

Tiếng đứa cháu ngoại líu lo, nghiêm trọng. Nó nói “đớt”, hơn nữa giọng rặt Nam Trung Bộ, nên “ông ngoại” biến thành “ông dại”. Thật dễ chịu làm sao khi nó gọi mình là ông dại. Tôi vui vẻ nói lớn:

“Ông dại ra ngay đây.”

Nơi bãi cỏ vườn, con nghé không phải đang dính dây nằm im, mà nó đang tự gỡ dây dính vào chân. Nó gục đầu xuống cỏ, tự động té lộn ngửa. Khi bốn chân giơ cao lên trời, chân nó rút vào để thoát khỏi dây dính. Và, nó lại đứng dậy gặm cỏ tiếp. Quả là con nghé khôn thật. Một niềm vui dâng lên trong lòng, buộc tôi cười to trước cảnh tượng ấy. Thằng cháu ngoại cũng cười nắc nẻ. Con nghé nghe tiếng cười vui vang dội, cứ nghểnh cổ lên nhìn. Đố mà nó biết ông cháu tôi đang cười chuyện gì? Nó “be” lên một tiếng, chán nản cúi đầu gặm cỏ tiếp.

Tôi liền đứng dậy: “Thôi, cháu đi chơi đi. Ông “dại” vào học bài đây”. “Ông dại học bài có điểm 10 nghen”. Tôi vụt miệng: “Dạ”. “Lớn rồi mà còn dạ”. Tôi cười to: “Thế mới kêu là “ông dại”.

3. Một buổi sáng thật yên tĩnh. Dễ chịu làm sao khi được ở nhà một mình. Không vội vã việc gì. Vội vã bao giờ cũng chậm. Phải làm việc trong yên lặng. Chăm chú.

Lại có khách. Cụ Tám Phòng.

“Xin mời cụ ngồi. Lâu nay cụ khoẻ chứ?”. “Nhờ trời cũng tàm tạm. Ở cái tuổi này, sức khoẻ cứ chơi trò cút bắt. Nó cút mình bắt, nếu bắt không được, mình thăng. “Câu “sức khoẻ là vàng”càng ngày càng đúng. Cụ nay bao nhiêu nhỉ?”. “Bát tuần”. “Ôi chao, tuyệt quá”. “Tuyệt cái nỗi gì? Sống càng lâu càng u ám thêm ra. Việc gì cũng trớ trêu tôi cả. Cần răng để nhai chút đỉnh thì rụng sạch. “Thằng nhỏ” không cần, vẫn lì lợm còn nguyên”.

“Dạ, đúng là chẳng tuyệt tí nào. Cụ uống tí rượu Tây nhé?”.

“Được. Nếu Tây thì thử chút”.

Tôi còn nửa chai “Ông già chống gậy”, lấy rót mời cụ một cốc nhỏ.

Lại có khách nữa. Thấy có khách lạ, cụ Tám vội uống cốc rượu, cáo từ ra về. Tôi tiễn cụ ra ngõ và đón khách mới.

4. Thật ra, “ở nhà” tôi có được, nhưng “một mình” vẫn chưa. Còn “viết bài gì” cũng chưa nốt!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG