Viết là sáng tạo lại thế giới

Viết là sáng tạo lại thế giới
TP - Nhẹ nhàng vượt qua quan niệm văn chương là sự phản ánh những vui buồn từ thực tại, Michael Ende với những kiệt tác của ông: Momo, Chuyện dài bất tận… đã chứng minh rằng viết chính là sáng tạo lại thế giới bằng sự thức tỉnh của con người về chính bản thân, vượt khỏi mọi thành kiến.
Viết là sáng tạo lại thế giới ảnh 1
Nhà văn Đức Michael Ende

Michael Ende, nhà văn Đức, người được coi là một trong những tác gia lớn hàng đầu của thế kỷ 20 trên toàn thế giới, không chỉ trong lĩnh vực văn học dành cho thiếu nhi…

Momo ra mắt tại nước Đức vào năm 1973, là tiểu thuyết đầu tiên đánh dấu tư tưởng nghệ thuật xuyên suốt của Michel Ende: Sự phá bỏ những thành kiến trong cái nhìn cuộc sống. Đây cũng là tác phẩm mở ra sự nghiệp thành công chói lọi của ông, được dịch ra 40 thứ tiếng và dựng thành phim.

Nhân vật chính của cuốn sách là Momo, một bé gái nghèo với đôi mắt đen tròn mở to, bộ váy áo khâu từ mụn vải, mái tóc đen dày chưa bao giờ được chải; không có cha mẹ, người thân, em nương náu trong phế tích của một nhà hát cổ vùng ngoại ô của thành phố châu Âu hiện đại.

Khi người lớn hỏi em bao nhiêu tuổi, em thản nhiên trả lời “một trăm linh hai”. Không hẳn vì em chưa đủ lớn để hiểu môn số học, mà chính là Momo đã thể hiện cảm nhận về thời gian không theo sự định lượng và quan niệm thông thường.

Chẳng hề nhiều lời, Momo im lặng lắng nghe câu chuyện, nỗi lòng của những người lớn và trẻ con quanh mình, chỉ lắng nghe chứ không bình luận khuyên giải bất cứ điều gì, khiến ta liên tưởng đến hình tượng Mèo Kitty, sự tồn tại thầm lặng. Cũng vì thế mà đến với Momo, ai nấy đều tìm lại cân bằng.

Chỉ cần có sự chứng kiến của Momo là trò chơi của các bạn em trở nên sống động, rộng mở đầy cuốn hút. Có Momo tới ngồi bên, anh chàng “hát rong” Gigi trở thành người kể chuyện sáng suốt và thông thái.

Viết là sáng tạo lại thế giới ảnh 2
Trang bìa cuốn Momo

Không đòi hỏi hay tham vọng, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ khuôn mẫu ứng xử xã hội nào, Momo là hình ảnh tượng trưng cho sự thấu suốt tĩnh tại trong sâu thẳm mỗi con người, tiềm ẩn sự thông tuệ và sức sống.

Hình tượng Momo và chuyến phiêu lưu kỳ diệu của em để tìm hiểu bản chất của thời gian, giành lại thời gian “đã mất” cho con người, chính là thông điệp của nhà văn, cái nhìn mới mẻ về con người và thế giới.

Không phải quan niệm sẵn có, “một đi không trở lại”, “thì giờ là vàng là bạc”, “hậu vận giàu sang”… thời gian với Michael Ende có thể “trôi ngược”, có thể ngừng lại, hay bị giấu vào kho dự trữ, nhưng điều quan trọng nhất để hình dung về bản chất của thời gian, là người ta chỉ có thể cảm nhận nó khi đã có sự tự ý thức về chính bản thân.

Và cô bé Momo thấu hiểu bản chất của thời gian  khi được du hành vào thẳm sâu… trái tim của mình, ở đó thời gian được hình dung như những đoá hoa kỳ diệu liên tiếp nối nhau:

“Khi con lắc đồng hồ chầm chậm áp ngày càng sát bờ đầm, một đóa hoa thời gian cực lớn bèn từ làn nước tối đen nhô lên, càng tiến sát bờ,  hoa nở càng lớn, cho tới lúc hoa nở hết cỡ, nằm trên mặt nước mới thôi...

Con lắc lại chầm chậm đưa đi. Khi nó từ từ rời xa bờ đầm, Momo kinh ngạc phát hiện thấy đóa hoa kiều diễm nọ bỗng nhiên bắt đầu héo tàn, từng cánh từng cánh nối tiếp nhau  rơi rụng và chìm xuống đáy nước...”.

Câu chuyện vừa là cổ tích vừa là triết lý này của Michael Ende, được viết bằng thứ văn phong thấm đẫm hình ảnh, trong sáng và gợi cảm, đã truyền đạt khá trọn vẹn thông điệp trừu tượng tới những lớp độc giả thiếu nhi.

Momo chính là bước đệm để có một Chuyện dài bất tận bất hủ, hoàn thiện phong cách sáng tác của Michael Ende. Tác phẩm sau này kể về cuộc phiêu lưu của hai người bạn Atreju và Bastian  trên vương quốc Tưởng tượng.

Những biến cố mà họ trải qua cũng chính là những chặng đường của nhận thức, từ cảm nhận sự lâm nguy đến kiếm tìm chân lý, từ cái chết đến sự hồi sinh, từ bí ẩn đến sáng rõ, từ hoãi bão đến tầm vóc tương xứng của hạnh phúc, từ nỗi tuyệt vọng đến lối thoát, và cả những ngộ nhận về đạo đức… - tựa như chuyến du hành của thầy trò Đường Tăng từ thuở thế giới còn  hoang sơ.

Michael Ende đã chỉ ra, không phải nhờ những gì vốn có, vốn tồn tại, mà chính năng lực cá nhân của con người đang không ngừng sáng tạo ra thế giới.

Michael Ende trong lời bạt Momo đã viết, ông ghi lại câu chuyện này theo lời kể của một vị khách lạ lùng được gặp trên chuyến tàu hoả, câu chuyện mà “như thể đã xảy ra rồi, mà vẫn có thể kể dưới dạng  như sẽ xảy ra trong tương lai”.

MỚI - NÓNG