Việt Nam Idol bao giờ gay cấn?

Việt Nam Idol bao giờ gay cấn?
TP - Việt Nam Idol vẫn bị mang tiếng lép vế trước Giọng hát Việt. Nhưng ngoài việc Giọng hát Việt có format nổi trội thì bản thân Việt Nam Idol phiên bản 2012 cũng có một số thay đổi nhằm… tự hạn chế mình.

> Bán kết Việt Nam Idol: Lành quá hóa… lép vế

Có một số yếu tố làm cho cuộc đua ở vòng gala Việt Nam Idol 2012 chưa thể nóng. Đầu tiên phải kể đến việc kéo giãn nhịp độ diễn biến. Thay vì một tuần 2 buổi phát sóng trực tiếp (1 thi, 1 thông báo kết quả) thì nay mỗi tuần chỉ có 1 buổi.

Có thể Ban tổ chức (BTC) sẽ tìm được mối lợi ở việc kéo dài thời gian bình chọn từ 4 ngày kéo ra cả tuần. Nhưng khán giả sẽ kém háo hức hơn: Ôi cái Idol này còn lâu mới đến hồi gay cấn… Idol vốn đã chơi kiểu nóng từ từ chứ không hầm hập ngay như The Voice. Nay lại kéo giãn vòng gala thay vì 10 thành 20 tuần, hỏi vì sao khó nóng?!

Thường khán giả sẽ là người “vô tình” loại những giọng hát tốt, nhưng lần này, ít nhất một giọng tốt là Đinh Đức Thảo đã bị giám khảo loại để đổi lấy Thanh Hưng. Không phải vì Hưng hát hay hơn Thảo mà vì Hưng có khả năng sáng tác.

Nhưng Thanh Hưng với giọng hát còn hạn chế và dáng điệu thiếu tự tin đã bị khán giả loại ngay sau đêm gala đầu tiên. Nếu BGK chọn Thảo, biết đâu Thảo sẽ được khán giả giữ lại lâu hơn (vì khả năng đàn hát chuyên nghiệp và độ nổi tiếng nhất định) và Thảo sẽ làm cho cuộc đua có sự giằng co hơn.

Hiện trong số nam thí sinh, xét về giọng hát, Anh Quân gần như không có đối thủ.

Thanh Tùng có chất giọng khá đẹp, phù hợp với dòng nhạc trữ tình, ngoài hình cao ráo thư sinh, lại có “tài lẻ” ủ su. Cái còn thiếu là kinh nghiệm biểu diễn.

Nếu Tùng phát triển nhanh cũng sẽ thành đối thủ nặng ký trong top 9. Khán giả bắt đầu nhận ra sự hấp dẫn của giọng ca này và đưa anh lên vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng tại trang web của chương trình.

Trong khi Anh Quân hát và diễn “chuẩn men” được giám khảo khen hết lời đang đứng thứ 8/9.

Phạm Hồng Phước không quá mạnh về giọng nhưng đã chọn phong cách hài hước, giải trí (theo nghĩa tích cực) cho khán giả. Đêm thi vừa rồi, anh trình làng một sáng tác đề tài xã hội hơi có tính châm biếm.

Giọng nam còn lại trong top 9 là Ya Suy. Phần thi của Ya Suy trong đêm chủ đề Nhịp đập sôi động bị giám khảo Quốc Trung phang thẳng cánh. Tuy nhiên bình chọn chưa bao giờ là vấn đề đối với chàng trai tưởng như có khá ít lợi thế trên sân khấu này.

Hai tuần qua, cả trên trang web và qua tổng đài, Ya Suy đều ở vị trí dẫn đầu cùng Hương Giang. Có thể thấy khán giả Việt Nam Idol đang bầu chọn cho những “câu chuyện”.

Hương Giang với câu chuyện chuyển giới nóng hổi và Ya Suy- chàng trai nghèo thấp bé từ Tây Nguyên xa xôi đang làm khán giả tốn tiền tin nhắn nhất.

Ya Suy có giọng hát và có sự chân thật. Anh chưa phải là người biến hóa trên sân khấu. Nhưng những ca sĩ xinh đẹp và đa năng đã có quá nhiều. Và khán giả đang cần Ya Suy.

Hương Giang là trường hợp quá đặc biệt, mang thanh đới của nam nhưng lại hát kiểu của nữ. Thực sự giọng Hương Giang còn một số vấn đề mà chắc phải một chuyên gia thanh nhạc giàu kinh nghiệm mới giải quyết được.

Nghe thì có vẻ trầm trọng vậy chứ khán giả đâu bao giờ bình chọn vì một người hát hay- trừ trường hợp Uyên Linh sau khi suýt bị loại tại Idol kỳ trước.

Bên nữ, Hoàng Quyên là một giọng ấn tượng đã được giới chuyên môn công nhận. Tại trang web của chương trình, Quyên đang ở vị trí 6. Nhưng một giọng thuộc loại đặc biệt- thiên về trầm chưa chắc đã phải lợi thế.

Giọng trung bao giờ cũng dễ xử lý trong nhiều dòng nhạc hơn. Và Quyên đang gặp phải đối thủ Bảo Trâm. Bảo Trâm tiến bộ khá nhanh, càng ngày càng tăng sức hút trên sân khấu Idol.

Cô SV Ngoại thương có gương mặt ưa nhìn này cũng là hình mẫu phù hợp với khẩu hiệu “từ số không đến người hùng” của Idol. Trên web, Trâm đứng số 3.

Nhưng vì khán giả không phải bỏ tiền ra để bình chọn trên web, nên kết quả này chỉ mang tính tham khảo.

Theo kết quả này thì người bị loại sau tuần đầu không phải Thanh Hưng. Vì một tuần sau đêm gala 1 trên web, Thanh Hưng vẫn yên vị thứ 2 (kẹp giữa Ya Suy và Hương Giang).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.