“Việt Nam” kháng chiến trong mắt các nhà làm phim Nhật

“Việt Nam” kháng chiến trong mắt các nhà làm phim Nhật
TPCN - Bộ phim tài liệu nhựa mang tên “Việt Nam”, do các nhà làm phim Nhật thực hiện cách đây 36 năm. Sau một thời gian dài “cất kho”, nó được chuyển sang đĩa DVD  và phát hành rộng rãi ở Nhật Bản.
“Việt Nam” kháng chiến trong mắt các nhà làm phim Nhật ảnh 1
Tiểu đội trưởng nữ TNXP Nguyễn Hồng Lý sau khi phá bom nổ chậm

Để bộ phim này đến với khán giả Việt Nam là cả một câu chuyện còn ít người được biết đến…

“Tháng 5/1962, Chủ tịch  đầu tiên của Hãng Thông tấn Nhật Nihon Denpa News (NDN) là ông Yanagisawa Yasuo tới Hà Nội, ký một thỏa thuận về phát thanh truyền hình với Ủy ban liên lạc văn hóa nước ngoài và một hãng phim của Việt Nam…” -  Bà Yoshida, đạo diễn của Hãng NDN cho biết -

“Chiến tranh ngày càng ác liệt, NDN đã quay được rất nhiều thước phim và chụp ảnh phóng sự. Từ những thước phim tư liệu quý giá này, NDN nảy ý tưởng làm một bộ phim tài liệu dài về chiến tranh với tiêu đề “Việt Nam”. Bộ phim sau khi hoàn thành đã được chiếu rộng rãi ở đất nước chúng tôi và gây được ấn tượng mạnh. Hàng triệu người dân Nhật đã xem phim, từ đó dấy lên phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam, đặc biệt là trong tầng lớp thanh niên thời kỳ đó”.

Ông Bùi Văn Thanh, từng là phiên dịch viên và hướng dẫn của đoàn làm phim “Việt Nam” cho biết: “Phim bắt đầu làm từ cuối năm 1968, tới năm 1970 thì hoàn thành.”

Sau này, khi là đặc phái viên của TTXVN tại Tokyo, ông Thanh mới được tận mắt xem bộ phim mà mình từng có hai năm gắn bó. Trong 10 năm ở Nhật (1981- 1991) ông Bùi Văn Thanh có ý tìm gặp tổng đạo diễn Yamamoto Satsuo và hai đạo diễn khác của bộ phim là Masuda Kentaro, Koizumi Takashi mà không được. Ông chỉ gặp hai nhà quay phim Okojima Kaiichi và Fujii Yoshitaka.

Phim “Việt Nam” dài khoảng 90 phút, mở đầu bằng nụ cười của tiểu đội trưởng TNXP người Hà Nội, cô gái hai mươi tuổi Nguyễn Hồng Lý, sau khi phá thành công một quả bom nổ chậm.

Nụ cười sáng lên niềm lạc quan TNXP đã được các nhà làm phim Nhật Bản ghi lại trên con đường huyết mạch chạy thẳng vào Nam. Và các nhân vật chính xuyên suốt bộ phim là tiểu đội thanh niên xung phong gồm 33 đội viên, trong đó có 23 nữ… 

Cuộc sống chân thực trong phim đã cuốn hút khán giả từ đầu đến cuối. Khí thế hừng hực trước quảng trường Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, người đông nghịt.

Những thanh niên xung phong đang chuẩn bị lên đường ra tiền tuyến, khôi phục những cây cầu vừa bị bom phá hỏng, vận chuyển lương thực, thuốc men, đạn dược vào chiến trường...

Trong số họ có người là cựu thanh niên xung phong, có người là sinh viên tình nguyện rời ghế giảng đường đại học, người đến từ nông thôn, từ các nhà máy…

Mỏ than Hồng Gai, Nhà máy dệt Nam Định, cầu Hàm Rồng… đang bị không quân Mỹ đem bom đánh phá ác liệt…Hình ảnh các cụ già : “Tuy lưng đã còng, nhưng quyết không thua thanh niên”, tham gia vào đội lão dân quân và  lập nên kỳ tích, bắn trúng máy bay địch ngay trận đầu tiên.

Trong “Việt Nam” người xem gặp lại Tiểu đội nữ dân quân Ngư Thủy, phần lớn mới chỉ học hết cấp 1, vậy mà đã làm chủ được các khẩu pháo hiện đại, bắn chìm 4 tàu chiến Mỹ.

Các chị cứ sáng ra là vác thùng đạn, chạy, để rèn luyện sức khoẻ đánh giặc, rồi gõ xoong nồi, vỏ đạn để quen với tiếng đạn pháo…

Cuộc sống thời chiến thật sống động khi người xem được tận mắt thấy cửa hàng mậu dịch bách hóa dưới lòng đất địa đạo Vĩnh Linh. ở đây không phải áp dụng chế độ phân phối, tự do mua hàng, với số lượng không hạn chế.

Người đi xe đạp chạy vòng vèo trong những đường hào được đào thông từ xóm này sang xóm khác. Cảnh mừng rỡ của các bà mẹ gặp  con sau khi vội vã đạp xe trong hồi hộp, lo âu suốt quãng đường dài đến nơi sơ tán làm người xem rớt nước mắt…

Trong một lần sang Nhật công tác, ông Phạm Quang Vinh - Giám đốc NXB Kim Đồng đã ghé thăm Hãng NDN tại Tokyo và được tặng một đĩa phim “Việt Nam”. Sau khi xem phim, ông Vinh đã đặt vấn đề mua bản quyền.

NDN đã đồng ý chuyển nhượng cho NXB Kim Đồng với giá 10.000 USD. Ông Vinh cho biết: “Tuy là những người làm xuất bản, nhưng chúng tôi mong muốn những thước phim tư liệu quý giá trong “Việt Nam” đến được với đông đảo công chúng trong nước, để khắc sâu lòng tri ân và tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì đất nước và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

 VTV đã công chiếu bộ phim này và Đài Truyền hình Hà Nội cũng sẽ phát lại vào dịp 30/4 năm nay. Nếu Đài Truyền hình địa phương nào có nhu cầu chiếu phim “Việt Nam” chúng tôi sẵn sàng cung cấp miễn phí”.

Vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, NXB Kim Đồng đã tặng Trung ương Đoàn đĩa DVD bộ phim này. “Chúng tôi rất mong, sau khi xem, những nhân vật trong phim sẽ liên lạc với NXB Kim Đồng hoặc Đài Truyền hình Việt Nam. Hy vọng trong tương lai, chúng ta sẽ tổ chức được cuộc gặp mặt của các nhân chứng còn sống, từng có mặt trong bộ phim Việt Nam”.

Và đã có những hồi âm đầu tiên. Ông Phạm Văn Bảo ở Quảng Bình đã liên lạc với NXB, cho biết: “Tôi là một trong bốn em nhỏ tại trại trẻ mồ côi Nhất Trạch (Quảng Bình, tháng 3/1969) sau khi bố mẹ chúng tôi bị bom Mỹ sát hại. Năm đó tôi lên 10. Ba người còn lại là các em Vệ, Hòa, Bình. Cô Nến, mẹ Mớn ở làng chài Nhất Trạch trong phim ngày ấy hiện nay vẫn còn sống…”. 

MỚI - NÓNG