Việt Nam thu hút tôi ở bối cảnh tuyệt vời

Đạo diễn Ken Ochiai (sinh năm 1983, bìa trái) ấn tượng với năng lượng của dàn diễn viên “Vệ sĩ Sài Gòn”.
Đạo diễn Ken Ochiai (sinh năm 1983, bìa trái) ấn tượng với năng lượng của dàn diễn viên “Vệ sĩ Sài Gòn”.
TP - Đạo diễn Nhật Bản Ken Ochiai du lịch Việt Nam bảy năm trước, ước ao làm phim ở Việt Nam. Sau khi làm Vệ sĩ Sài Gòn, anh hy vọng thêm cơ hội quay lại làm phim. Ken Ochiai chia sẻ với Tiền Phong xung quanh bộ phim và con đường điện ảnh.

Anh nghĩ gì khi được mời đạo diễn “Vệ sĩ Sài Gòn”?

Ba năm trước ở Tokyo tôi gặp Kim Lý, chúng tôi cùng phát triển một số dự án điện ảnh. Khi ấy cả hai có ý tưởng làm phim về cặp đôi vệ sỹ chống lại tội phạm, sau này phát triển thành Vệ sĩ Sài Gòn. Chúng tôi quyết định làm phim ở Việt Nam vì đây là đất nước tôi yêu thích nhất trong khu vực.

Phim hài-hành động có phải sở trường của anh không? Theo anh, làm phim thuần hành động có dễ hơn?

Ba phim chiếu rạp ở Nhật của tôi chủ yếu tâm lý hành động. Vệ sĩ Sài Gòn là thử thách, đây là phim hài hành động đầu tiên. Tuy thế tôi từng làm phim ngắn hài hành động rồi, nên khá tự tin. Ưu điểm khi làm phim có yếu tố hài hước là không khí ở phim trường không căng thẳng. Thái Hòa luôn mang đến năng lượng vui vẻ, khiến mọi người dễ chịu. Thực ra điều tôi băn khoăn là không biết sự hài hước của mình có được khán giả tiếp thu không, có khiến họ cười không. May mắn có biên kịch người Mỹ gốc Việt giúp tôi khắc phục điều này, các diễn viên cũng biến hóa linh hoạt để chất hài của tôi phù hợp hơn.

Anh có sợ khi khán giả xem xong nói rằng phim không Việt Nam trừ diễn viên?

Lúc đầu cũng lo lắng lắm, nhưng chúng tôi dành nhiều thời gian chuẩn bị và dần dần thấy tự tin hơn. Tôi tin câu chuyện khả thi ở Việt Nam, được sự góp ý của ê kíp khiến nó trở nên thân thuộc hơn. Chẳng hạn chi tiết đem con bò vào đám tang bố Henry các bạn bảo người Việt không làm thế, tôi lại nghĩ đó là chi tiết gây cười. Khi chiếu phim đến đoạn này khán giả đều cười và thích thú.

Giữa diễn viên trẻ và diễn viên có kinh nghiệm, anh thấy làm việc với ai dễ dàng hơn? Anh đánh giá thế nào về họ?

Làm việc với Thái Hòa cực dễ chịu. Ngày nào anh ấy đến phim trường tôi cũng đứng sau monitor đầy hứng thú, giống như khán giả đang xem anh ấy diễn, mỗi cảnh đều có sự thú vị riêng. Tôi, Thái Hòa và biên kịch làm việc rất kỹ với kịch bản, chỉnh từng câu thoại theo cách anh ấy muốn nói sao cho thật hay và hài hước. Tôi chưa từng làm việc với diễn viên nổi tiếng nào như thế. Với Kim Lý lại khác vì chúng tôi là bạn bè, anh ấy khiến thời gian ở Việt Nam của tôi dễ dàng hơn. Lý là người làm việc chăm chỉ nhất đoàn, ngoài diễn xuất anh ấy đảm nhận vai trò sản xuất. Anh ấy cũng vất vả vì ngoài tập cảnh hành động còn phải tập nói tiếng Việt để tiện lồng tiếng sau đó.

Với hai diễn viên trẻ là B Trần và Chi Pu cũng rất đặc biệt. B Trần chịu khó đầu tư vì một mình cậu diễn ba vai, cậu ấy bỏ thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng làm vai tốt hơn rất nhiều. Chi Pu không chỉ là diễn viên giỏi, trên trường quay cô ấy khi nào cũng cười thật tươi, thái độ chuyên nghiệp. Làm việc với Chi Pu xong tôi chỉ mong được cho cô ấy thêm đất diễn mà không được (cười).

Được biết anh làm phim từ 12 tuổi, có vẻ anh định hướng nghề nghiệp điện ảnh từ sớm?

Khi học cấp 2 chúng tôi thường có dự án nghệ thuật, lớp tôi làm phim do tôi viết kịch bản và thực hiện. Bộ phim về ba tên cướp đến trường trung học bắt cóc học sinh tống tiền cảnh sát. Nói là phim ngắn nhưng dài tới 70 phút, hồi đó có biết dựng phim là gì đâu nên cứ quay từng clip và ghép với nhau (cười). Sau đó tôi thấy thực sự thích thú với quá trình làm phim, tiếp tục thử thách mình với các phim ngắn, clip âm nhạc, tốt nghiệp rồi tôi qua Mỹ học điện ảnh luôn.

Anh có nghĩ rằng con đường đến với đạo diễn điện ảnh phải kinh qua làm phim ngắn?

Có chứ, đương nhiên bởi không dễ dàng khi làm phim truyện ngay. Tất nhiên có nhiều cách trở thành đạo diễn phim dài, nhưng điều quan trọng bạn luôn phải tạo ra sản phẩm ở bất cứ thể loại gì. Với tôi thì đơn giản là bạn phải có được một kịch bản tốt.

Làm phim ở Việt Nam anh thấy khác ở Nhật nhiều không? Anh đánh giá thế nào về công nghệ và kỹ thuật làm phim ở Việt Nam?

Tôi nghĩ cơ bản quy trình, cách thức ở đâu cũng vậy, nhưng Việt Nam có nguồn năng lượng và nhiệt huyết không thấy ở Nhật, Mỹ. Có thể nền điện ảnh của các bạn còn trẻ, ai cũng hào hứng muốn làm phim tốt hơn, giỏi hơn nữa. Tôi cũng ngạc nhiên khi công ty cung cấp thiết bị đem đến cho chúng tôi tất cả thiết bị tối tân, còn đoàn làm phim chuyên nghiệp. Một điểm nữa là với kinh phí thấp như thế này ở các nước khác khó quay được cảnh hành động trên đường phố, đánh nhau trên du thuyền, Việt Nam thì làm tốt. Tôi rất muốn nếu có cơ hội được trở lại Việt Nam làm các dự án phim tiếp theo.

Như lúc đầu anh nói, Việt Nam là đất nước anh yêu thích nhất, ngoài yếu tố năng lượng trẻ liệu còn điều gì khác thu hút anh?

Đến Việt Nam du lịch bảy năm trước, tôi ấn tượng phong cảnh thiên nhiên, thành phố, nhà cửa tạo nên các bối cảnh tuyệt đẹp cho các bộ phim. Nhìn các tòa nhà chọc trời cũng không khác các thành phố lớn như New York, Tokyo nhưng chỉ cần bạn đi xa khoảng dăm bảy cây số có những cảnh hoàn toàn khác, đó là điều tôi thích. Nếu có cơ hội quay các bối cảnh lịch sử, tôi muốn đến Huế, Hà Nội. Việt Nam là một trong số quốc gia có lịch sử lâu dài trong khu vực.

Học điện ảnh ở Mỹ có khi nào anh nghĩ mình phát triển sự nghiệp ở Hollywood, hay anh nhìn thấy tiềm năng lớn khi làm phim ở khu vực châu Á hơn?

Tôi cũng muốn làm phim bằng tiếng Anh ở Mỹ. Gần đây sở thích đó thay đổi, tôi muốn làm phim về châu Á có lẽ vì nguồn gốc của tôi. Khi làm phim ở châu Á tôi có thể ứng dụng những kiến thức được học ở Mỹ. Tôi cũng không cần phải lo lắng vì sợ ảnh hưởng công thức Hollywood, bởi mỗi bộ phim làm nên sự khác biệt ở câu chuyện, nhân vật.

Cảm ơn anh.

Giải trí tốt như Vệ sĩ Sài Gòn

Vệ sĩ Sài Gòn khởi chiếu từ 16/12, xoay quanh đôi bạn thân khác nhau một trời một vực làm vệ sĩ Trịnh-Viên. Nhiệm vụ bảo vệ thân chủ Henry từ Mỹ về tưởng đơn giản, nhưng đầy hài hước và nguy hiểm. Đạo diễn Ken Ochiai thành công ở cả mảng hài và hành động, mảng miếng hài duyên dáng, hành động ra chất. Phim quy tụ Thái Hòa, Kim Lý, B Trần, Chi Pu, Khương Ngọc, Diễm My... Thái Hòa lấy lại phong độ sau bước lùi Fan cuồng, B Trần khá ấn tượng ở diễn xuất đa dạng khi một mình ba vai, Kim Lý hành động tốt nhưng vẫn bị cương vì cố gồng lên để thoại tiếng Việt. So với mặt bằng phim giải trí chiếu rạp Việt Nam gần đây, Vệ sĩ Sài Gòn có thể làm hài lòng khán giả.

MỚI - NÓNG