Viết văn và làm báo có thể tạo ra thay đổi

Viết văn và làm báo có thể tạo ra thay đổi
Phóng viên điều tra viết truyện trinh thám người Thuỵ Điển, Thomas Kanger đã nói như vậy về những công việc mà ông đã và đang làm: "Tôi nghĩ dần dần văn học đã tạo ra những tác động đáng kể đến xã hội".
Viết văn và làm báo có thể tạo ra thay đổi ảnh 1

Nhà văn, nhà báo Thomas Kanger 

Thomas Kanger - nhà văn, nhà báo người Thụy Điển - đã chín lần đến VN giảng dạy về báo chí. Không chỉ có vậy, ông từng tham gia phản đối cuộc chiến của Mỹ tại VN, là một nhà văn nổi tiếng với series tiểu thuyết trinh thám, hiện đang ấp ủ một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh VN. Một trong những tác phẩm của ông đang được dịch sang tiếng Việt.

Thomas Kanger cũng từng đoạt học bổng uy tín Wilhem Moberg với cuốn sách điều tra về sự lạm dụng chức quyền.

Ông đã làm việc trên 30 quốc gia, tác nghiệp qua ba cuộc chiến tranh, bắt đầu giảng dạy báo chí từ năm 1997 tại Palestine (cả ở Bờ Tây và dải Gaza), VN và Sri Lanka.

Chúng tôi trò chuyện với ông khi ông đang lang thang ở Hà Nội tìm không khí cho cuốn tiểu thuyết mới mà ông muốn giữ bí mật. 

Ông hãy kể về cuốn tiểu thuyết đang được dịch ra tiếng Việt?

The sunday man - tên tiếng Anh của cuốn tiểu thuyết này, là câu chuyện do tôi hoàn toàn hư cấu, không giống với một số cuốn khác được viết dựa trên những truyện có thật, đã được chuyển tải bằng chín thứ tiếng (Thụy Điển, Đức, Na Uy, Phần Lan, Ý, Đan Mạch, Hà Lan, Tây Ban Nha, VN).

Đây là cuốn thứ tư trong series sáu cuốn trinh thám về cùng một nhân vật chính - một nữ cảnh sát tên là Elina Wiik. Cô ấy đẹp, thông minh và quyết đoán. Tôi viết về cô ấy khi cô 32 tuổi, giờ thì cô ấy đã 35 tuổi và ngày càng trở nên cứng rắn.

Ông bắt đầu sự nghiệp như thế nào?

Tôi bắt đầu làm báo từ năm 1980, mười năm sau chuyển sang làm phóng viên truyền hình. Trong phần lớn thời gian, tôi là một nhà báo tự do. Tôi hợp tác với Truyền hình quốc gia Thụy Điển, thực hiện các phim tài liệu phóng sự điều tra.

Tôi đã viết tổng cộng chín cuốn sách, trong đó có sáu tiểu thuyết, một cuốn sách nghiên cứu, hai cuốn sách điều tra - một nói về vụ ám sát thủ tướng Thụy Điển cách đây 22 năm và xìcăngđan của cảnh sát, cuốn kia bóc trần sự lạm dụng quyền hành ở cấp nhà nước, cho thấy những người có chức quyền thường nói một đằng và làm một nẻo.

Ngoài ra còn nhiều câu chuyện khác nữa. Phim tài liệu gần đây nhất của tôi khá thành công. Đó là một xêri điều tra với thời lượng một giờ, nói lên tình trạng xâm hại hàng ngàn trẻ em về tinh thần và thể xác trong những trung tâm xã hội được gọi là "nhà trẻ em" ở Thụy Điển trong những năm 1960 - 1975.

Ngay lập tức, chuyện này đã trở thành đề tài hàng đầu của các tờ báo ở nhiều quốc gia.

Làm báo, tôi quan tâm đến vấn đề lạm dụng quyền lực; còn khi viết tiểu thuyết tôi muốn tìm hiểu xem tại sao người ta lại hành động theo cách này hay cách khác, sự phát triển trong xã hội đã ảnh hưởng đến con người ra sao, đặc biệt đối với phụ nữ".

Câu chuyện của ông làm tôi liên tưởng đến câu nói của một phóng viên gạo cội của Hãng tin BBC mà tôi từng gặp, rằng chúng ta thường ngây thơ khi nghĩ những người ngồi trên cao sẽ lắng nghe câu chuyện của chúng ta, ông nghĩ sao?

Chính phủ đã hai lần từ chối gặp tôi để trả lời về vấn đề mà tôi nêu ra trong bộ phim tài liệu vừa đề cập.

Để buộc họ nhận trách nhiệm, tôi đã sang Na Uy - nơi giải quyết rất tốt vấn đề tương tự - để phỏng vấn người có trách nhiệm, sau đó quay trở lại Thụy Điển thông báo với nhà chức trách rằng nếu họ tiếp tục từ chối gặp tôi, tôi sẽ nói cho công chúng biết tôi đã bị từ chối hai lần trong khi nước láng giềng Na Uy sẵn sàng giải quyết vấn đề ra sao.

Rất nhanh chóng, sau khi nhận được lời nhắn họ đã gọi cho tôi để trả lời phỏng vấn, sau đó chính phủ đã tiến hành một cuộc điều tra tầm cỡ quốc gia về vấn đề này và thực hiện rất tốt việc bù đắp cho các nạn nhân. Bộ phim tài liệu này đã đạt kỷ lục về số khán giả.

Tôi nghĩ rằng nghề phóng viên điều tra, một loại công việc đặc biệt phanh phui những sai phạm và thường liên quan đến tham nhũng, có thể góp phần quét sạch những điều xấu trong xã hội.

Trong sự nghiệp làm phóng viên điều tra, ông cho rằng có bao nhiêu phần trăm câu chuyện của ông được "lắng nghe" hoặc đạt được mục đích mà ông muốn?

Rất khó để trả lời. Mục đích ư? Có lúc tôi không có mục đích cụ thể, đôi khi tôi vào việc chỉ vì đó là một câu chuyện tốt! Cứ tạm cho là 10%. Tôi từng điều tra vụ án một người bị buộc tội đốt cháy một công trình lớn dùng làm nơi hội họp công cộng.

Anh ta bị đưa ra tòa, song tôi vẫn nghi ngờ bởi vì lúc ấy chỉ có nhân chứng duy nhất nói rằng anh ta phạm tội. Tôi đã phát hiện nhân chứng ấy chính là em trai của anh ta, từng có tiền án giết bố mình và thậm chí đã từng cùng với anh trai đốt cháy một ngôi nhà khác.

Tôi đã muốn cảnh sát điều tra thêm về vụ án này, nhưng cảnh sát không muốn bắt đầu lại. Còn người đàn ông bị buộc tội từ chối gặp tôi... Tôi bèn nghĩ đến viết một cuốn tiểu thuyết.

Ông hài lòng với con số 10% chứ?

Tôi hài lòng. Các câu chuyện có thể tạo ra thay đổi tích cực theo nhiều cách.

Đối với những gì chưa sáng tỏ trong điều tra, ông tìm lối thoát trong những cuốn tiểu thuyết ư?

Không phải thế. Tôi viết truyện đơn giản vì nghĩ một số câu chuyện sẽ được kể lại hiệu quả hơn dưới dạng tiểu thuyết - là phương tiện truyền tải chậm rãi hơn so với báo chí và thậm chí gây cảm động hơn. Tôi nghĩ dần dần văn học đã tạo ra những tác động đáng kể đến xã hội.

Theo Uyên Ly
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.