Vietnam style

Vietnam style
TP - Phân vân nhìn bé Kate nhà tôi đạp xe vù qua, ông lão ở gần trường rụt rè hỏi “Cháu nhà cô bao tuổi rồi?”, “Cháu sắp 11 tuổi bác ạ”, “Ồ, tuổi ấy thỉnh thoảng đạp xe một mình đi học được rồi, chứ tôi cứ lo vì trông cháu nhỏ như trẻ lên 6”.

> Sáng tạo trong… giấc ngủ?

Tự Kate mới đây than “Con hận cuộc đời mình, học lớp 5 mà nhỏ như bọn lớp 1. Chỉ vì con có mẹ là người Việt Nam!”.

Bạn sẽ hỏi tôi có buồn không? Quá quen nhiều ngộ nhận về Vietnam style kiểu này rồi. Ngay như chồng tôi, khi bác sĩ nhi đo vòng đầu của con tôi lúc vài tháng tuổi, bảo nhỏ hơn chỉ số trung bình của trẻ bên này, anh cãi “Thì con tôi lai, một nửa Việt Nam, mà trẻ Việt Nam thì không thích uống sữa như trẻ bên này”.

Nhầm, anh về Việt Nam mà xem, trẻ con bây giờ uống sữa như uống nước, không thích uống bố mẹ cũng bịt mũi bắt uống, và rất phổng phao. Mùa hè nào tôi đưa con cái về chơi, cũng bị mắng vốn “Không chịu chăm con gì cả, gầy quá, trẻ con phải béo múp đầu trạch mới tốt”.

Không ai ép con ăn giỏi bằng các bà mẹ Việt Nam! Vừa cho ăn vừa dọa ông ngáo ộp, vừa ăn vừa xem tivi, vừa ăn vừa chơi long nhong ngoài đường, đúng là Vietnam style. Có lần tôi cũng dọa con “ăn đi không bố đánh bây giờ”, lập tức bị chồng mắng “Phản cảm thế, đừng biến anh thành quỷ sứ trong mắt con”.

Ừ, tôi sai, còn anh? Mấy tuần trước, thằng bé 3 tuổi nhà tôi quẩn quanh chơi ở garage xem bố và chú đồng nghiệp làm việc, tôi tranh thủ đưa cho con miếng bánh ngọt, bé ngồi xổm ăn. Chồng tôi nháy mắt với đồng nghiệp “Kiểu ngồi Vietnam style đấy”. Lập tức thằng bé đứng dậy, đổi tư thế, ra bệ cửa ngồi thò hai chân xuống đung đưa. Tôi hỏi “còn đây là Belgium style?”, thực ra cũng có chút tự ái trong lòng.

Chỉ ở Việt Nam mới thế, đúng là kiểu Việt Nam mới thế! Đã bao lần chúng ta nghĩ và nói điều này. Nhiều lúc chúng ta đúng, nhưng, cái rộng lớn và khó hiểu của cuộc sống này chính là ở chỗ, lắm khi ta lại sai, vì ngộ nhận.

Mới đây, có cô bạn là người Việt ở Đức về chơi, sau đó nhận định “Các thầy cô giáo tiểu học ở Việt Nam quả lười nhác, cho trẻ ngủ trưa cả tiếng nên tối về chúng thức khuya, bố mẹ hò hét thế nào cũng không chịu ngủ sớm, sáng lại điệp khúc hò hét mãi không chịu dậy. Đúng là kiểu Việt Nam, ngủ ngày, phản khoa học. Trẻ con bên châu Âu, từ 3 tuổi đi mẫu giáo là bắt đầu cắt suất ngủ trưa, học thông tầm nên tối về chỉ 7 rưỡi hoặc 8 giờ đã leo lên giường ngủ, và ngủ sâu, như thế bố mẹ mới có thời gian riêng tư”.

Một giáo viên trường mầm non đọc được những dòng phê phán này, tủi thân “Họ, phụ huynh ấy, có biết là trong suốt một tiếng rưỡi ngủ trưa này, chúng tôi phải thay phiên nhau đi lau mồ hôi cho các cháu. Xứ sở nhiệt đới như nước mình, giấc ngủ giữa ngày là cần thiết cho trẻ, chứ không phải các thầy cô cũng muốn ngủ trưa”.

Bạn làm tôi nhớ mẹ tôi, những tối tháng sáu, cứ trở mình thao thức trên tấm chiếu trúc bóng loáng vì mồ hôi, than thở “đến quạt điện cũng thổi ra toàn hơi nóng rồi”. Nóng, nóng lắm, xứ mình cái nóng vừa khô bỏng vừa bịn rịn mồ hôi, thương mẹ già, thương trẻ nhỏ làm sao. Nếu có điều kiện, một chút ngả lưng, một thoáng chợp mắt (mà chưa chắc ngủ được) giữa trưa hè nắng gắt mới đủ sức chiến đấu tiếp cho buổi chiều không gian hừng hực tẩm ướp khí oi ả.

Một người bạn khác của tôi đã có gần hai mươi năm trời học tập và giảng dạy ở châu Âu, nhỏ nhẹ “Nhìn chung ở xứ lạnh, cho trẻ nhỏ học thông tầm là đúng, nhưng ngay châu Âu thôi, cụ thể là Tây Ban Nha, nóng hơn, người ta có bố trí giờ nghỉ trưa trong trường học đấy. Nước láng giềng Thái Lan nắng nóng quanh năm, trường cũng cho trẻ nhỏ nghỉ trưa. Sống tiếp đi rồi sẽ biết, đi nhiều hơn nữa đi rồi sẽ biết, tùy người, tùy lúc, tùy nơi và tùy trường hợp mà nói Vietnam style đấy nhé”.

Dạo này, một hãng sản xuất xe hơi có tiếng ở Brussels thường đề nghị chồng tôi đi làm ban đêm. Do đặc thù công việc kỹ thuật, làm đêm sẽ không cản trở khách khứa của hãng ra vào ban ngày, và hơn thế, còn giúp Brussels bớt xe lưu thông giờ cao điểm. Làm đêm thì phải ngủ ngày. Suy cho cùng, ngày và đêm là Tự nhiên style mà thôi, con người cũng có thể thay đổi cho phù hợp chứ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.