<EM>============</EM>

Vĩnh biệt hai nhà thơ của hai thế hệ

Vĩnh biệt hai nhà thơ của hai thế hệ
TP - Vậy là trong hai ngày liên tiếp (3 và 4/12/2007), đều vào buổi sáng, hai nhà thơ lớn đã ra đi: nhà thơ Vũ Cao và nhà thơ Phạm Tiến Duật. Chúng tôi xin giới thiệu hai bài viết dưới đây, như một nén hương vĩnh biệt các ông.
Vĩnh biệt hai nhà thơ của hai thế hệ ảnh 1
Nhà thơ Vũ Cao và nhà thơ Phạm Tiến Duật

Và núi vẫn đôi

Vài năm trước khi chưa bị ốm, Vũ Cao vẫn thường đạp xe đi khắp thành phố. Một cách rèn luyện đôi chân, ông bảo thế. Thỉnh thoảng ông tạt vào cơ quan nào đó, hoặc nhà ai đó, gặp những người ông yêu quý.

Ông ít khi ngồi xuống ghế, đứng và nói đôi ba câu – như sợ làm người khác mất thời gian. Những câu nói hóm hỉnh, nghe xong người ta thấy được những trải nghiệm sâu sắc về đời sống, trong đó con người được ông trìu mến, sẵn sàng tha thứ cho ai đó, sẵn sàng chấp nhận cá tính của ai đó dù có trái ngược với ông.

Sự nhẹ nhõm trong sáng ở ông khiến ông, một người trên tuổi 70 vẫn như có một chàng trai đầy nhiệt huyết ở bên trong. Ông như không chịu khuất phục tuổi già. Ông yêu cuộc sống, thường nói với chúng tôi:

“Sao các cô viết buồn thế? Thi nhau viết những chuyện quá buồn. Sống là quý lắm chứ. Nếu cho tôi chọn, tôi chọn tuổi trẻ chứ không chọn tiền bạc hoặc giàu sang. Còn trẻ phải viết thế nào để đọc xong người ta còn muốn sống…”.

Ông nói với chúng tôi đã lâu, nhưng lúc nào những điều ông nói cũng ám ảnh tôi.

Bài thơ Núi Đôi khiến ông trở thành bạn của hầu như tất cả thanh niên thời chống Pháp và chống Mỹ. Khi còn nhỏ tôi thấy các anh chị thanh niên thường có cuốn sổ trong đó ghi chép nhật kí và thơ. Ai cũng có bài thơ Núi Đôi. Có lẽ ông cũng cảm nhận được hạnh phúc khi thơ của ông đã làm mọi người như đồng cảm với nhau hơn, gần gũi với nhau hơn.

Những năm chiến tranh, tạp chí Văn nghệ Quân đội là nơi các nhà văn trong cả nước xem là một địa chỉ quan trọng. Đi đâu cũng phải tạt qua một chút. Như về nhà.

Linh hồn của tạp chí là ông Vũ Cao. Tổng biên tập Vũ Cao. Ngày ấy ông thường mặc quân phục một cách thoải mái, áo đại cán sĩ quan không gắn quân hàm quân hiệu. Ông cao dong dỏng, nhanh nhẹn đi trong hành lang, đến các phòng làm việc, gặp bất kỳ người khách nào ông cũng bắt tay niềm nở như gặp người thân.

Không ai không muốn nán lại đôi ba phút trò chuyện, uống cốc nước. Và cứ thế, mỗi người nuôi trong mình cảm giác được tôn trọng, được chào đón. Ông Vũ Cao, với tình cảm chân thành, giản dị, có lẽ là người rất hiếm hoi trong làng văn được nhiều người kính trọng một cách hoàn toàn vô tư, không một chút vụ lợi.

Ông là người lính của thời chống Pháp và chống Mỹ. Nhà thơ và người lính hòa làm một trong con người ông. Làm tổng biên tập trong một thời kỳ phức tạp, khi chiến tranh ác liệt, mặt trận văn hóa văn nghệ là nơi bị nhòm ngó khắt khe, ông đã giải quyết bao nhiêu khúc mắc, bao nhiêu xung đột, giúp cho nhiều anh em bè bạn không bị vướng vào những “vụ việc” gay cấn.

“Đừng bao giờ dồn người ta vào chân tường. Cũng đừng bao giờ đẩy người khác về phía mà người ta không muốn. Phải xem mọi người là tốt, là cùng con đường với ta…”. Trong nhiều câu chuyện kể về thời kỳ ấy, ông thường nói như kết luận.

Sống một cuộc đời trong sạch, ông mãi là người lính trong mắt thế hệ chúng tôi. Những câu thơ của ông rất trẻ. Khi tâm hồn trong sáng, thơ có lẽ là trẻ mãi như vậy.

Anh ngước nhìn lên hai dốc
núi

Hàng thông, bờ cỏ, con
đường quen.

Nắng lụi bỗng dưng mờ
bóng khói

Núi vẫn đôi mà anh mất em!

Nhà văn Lê Minh Khuê

============

Những kỷ niệm với anh Phạm Tiến Duật:

Năm tháng ở chiến trường

Tôi vào bộ đội năm 1965, thuộc lớp đàn em của anh Phạm Tiến Duật. Là lính công binh nên chúng tôi liên tục bám trụ ở các trọng điểm trên địa bàn khu 4 trở vào.

Nhiều lần tôi gặp anh Duật ở ngã ba đường 20 khe Rinh, khe Tang, anh Duật đọc thơ cho chúng tôi nghe và anh đã sửa thơ của tôi, anh còn hướng dẫn chúng tôi cách dùng ngôn ngữ trong thi ca.

Một kỷ niệm trong đời thơ của tôi là đầu năm 72 gặp anh Duật, tôi đã gửi anh hai bài thơ từ chiến trường ra Bắc. Khi chia tay anh, tôi đã lấy thêm hai nắm cơm muối vừng bỏ vào ba lô cho anh Duật đi đường kẻo đói.

Cuối năm 1972, tôi được anh Bằng Việt gửi vào đơn vị cho một quyển Tác phẩm mới của Hội Nhà văn Việt Nam trong đó có hai bài thơ của tôi (Xe tăng qua cầuĐường ta xây) kèm theo một lá thư 1/2 trang của anh Chế Lan Viên với nội dung:

Lần cuối ngồi với anh Phạm Tiến Duật

Thi sĩ cô đơn như bài thơ số một
Anh lận đận với bài thơ số không
Tôi gồng gánh theo bài thơ số cộng
Hai phía đời, bồi lở hư không.

Đồng đội, cùng tôi, cùng anh
Nửa đời đi qua trận mạc
Vợ con dở khóc, dở cười
Lương, thưởng in thơ tặng bạn.

Tôi lên phòng tổng biên tập
Anh đãi một can rượu suông
“Đọc thơ mừng mày thoát chết”
Hôn nhau, nghẹn đắng mặt mày.

Trước hôm mừng sinh nhật anh
Nửa ngày cùng anh trò chuyện
“Có lẽ tuần sau vào Viện
Tao giờ lực bất tòng tâm”.

Hôm nay anh nằm mê tỉnh
Bất động dáng hình Trường Sơn
Âm vang một thời áo lính
Ai rao mỏi giọng phố phường

Cứ sợ rồi anh đi mãi…
Khói bom thành vòng trắng trôi
Mờ tỏ một vầng trăng bạc
Tìm ai nhấp nhổm lưng trời.

Bệnh viện 108
ngày 25 tháng 11 năm 2007

“Sau khi nhận được hai bài thơ của Châu do Duật gửi về, anh Xuân Diệu đã duyệt và in số 12/72, có nhiều triển vọng, Châu nên cố gắng, viết nhiều và gửi ra cho tạp chí”.

Tôi mừng lắm, cả tiểu đoàn công binh thay nhau đọc, tôi cũng có danh tiếng từ đó. Những kỷ niệm đầu đời thơ của tôi mà anh Duật là người vạch lối.

Năm 1973, tôi là trợ lý tác huấn E79QK4 đưa Tiểu đoàn 27 đi phối hợp với Đoàn 239, 249 của Bộ Tư lệnh Công binh bắc cầu Nổi qua sông Gianh. Sau hai ngày tác nghiệp, lúc thông cầu, đoàn cán bộ đi qua đầu tiên có Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, Tư lệnh Công binh, Tư lệnh Đoàn 559, Tư lệnh QK4.

Bỗng nhiên tôi gặp anh Phạm Tiến Duật, anh ôm tôi nâng bổng lên và quát to “Thanh Châu còn sống hả, tớ nghe anh em công binh nói là cậu chết trong trận phá bom ở phà Bến Thủy rồi cơ mà – May quá! Thơ in rồi nhận được chưa? Tớ đã hoàn thành nhiệm vụ cho cậu nhé”. Tôi cảm ơn và đưa cho anh bài thơ “Qua cầu Sông Gianh”.

Trong buổi lễ anh Duật có phát biểu: “Công binh Việt Nam đã lập nên kỳ tích lần thứ hai bắc cầu qua cửa biển Sông Gianh sau Trịnh Nguyễn phân tranh, ngày xưa cầu tre, nứa bây giờ là cầu nổi bằng sắt và gỗ lát ván, ôtô qua được”.

Bộ đội yêu cầu anh Duật đọc thơ, anh đã đưa bài thơ của tôi ra đọc và giới thiệu tôi là “Nhà thơ công binh”. Anh em hoan hô tôi nhiều lắm (đây là lần đầu anh đọc thơ tôi và sau này có một lần nữa).

Anh Duật đặt cho tôi bút danh mới

Sau giải phóng miền Nam, là thương binh nên tôi được chuyển ngành. Anh Trần Hữu Thung và anh Quang Huy nhận tôi về Hội Văn học Nghệ Tĩnh. Sau đó, tôi chuyển công tác sang ngành thương nghiệp.

Trong một chuyến công tác vào Nghệ An, tại một cuộc rượu có anh Bằng Việt, anh Duật, anh Tạo và anh Trần Hữu Thung, nghe tôi có vợ và con gái đầu, anh Duật nói vui:

“Châu đã sang trang mới rồi, bây giờ làm thơ, nhờ vợ làm kinh tế để nuôi thơ, bút danh nên có cả tên vợ mới vui”.

Và anh đặt bút danh mới cho tôi là: Nguyễn Thành Châu Nho (Nho là vợ tôi lúc bấy giờ là cảnh sát giao thông). Anh Bằng Việt và anh Tạo nhất trí nên lấy bút danh Châu Nho cho ngắn gọn thay cho Nguyễn Thanh Châu hồi chiến tranh.

Và từ đó về sau này khi sáng tác đăng trên các báo Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ, Diễn đàn Văn nghệ, Tiền phong, Pháp luật, Thương mại, Tài chính tôi đều lấy bút danh “Châu Nho”.

Dạo đó có dịp ra Hà Nội tôi được anh Duật đưa đến gặp anh Xuân Diệu và anh Chế Lan Viên, được các anh giúp đỡ, chỉ bảo cho trong sáng tác thơ sau này.

Phần thưởng của anh Phạm Tiến Duật

Năm 2000 đến 2004, được sự giúp đỡ của bạn bè các nhà văn nhà thơ cùng thời chống Mỹ, tôi đã hoàn thành hai tập thơ (Thời chiêm bao và Sợi tơ mưa) tập hợp các bài thơ trong và sau chiến tranh (trong khoảng 40 năm).

Tôi đưa đến 51 Trần Hưng Đạo (tầng 7, trụ sở của tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam mà anh Duật lúc đó làm Tổng biên tập) tặng anh 2 tập.

Anh Duật phấn khởi nói với tôi: “Mình vừa nghe anh Hữu Thỉnh nói Châu Nho tặng 2 tập thơ và anh Thỉnh giục cậu làm đơn vào Hội. Đơn đâu đưa đây để mình giới thiệu vào Hội”.

Tôi phân vân: “Anh đã viết lời bạt cho thư Châu rồi, nay lại giới thiệu vào Hội có tiện không?”.

Anh quát to: “Thằng này ngu ngơ thật, mày làm thơ cùng thời với bao nhiêu người nổi tiếng, họ vào Hội cả rồi. Mày đã làm thơ gần 40 năm, có hai tập thơ. Tin chắc Hội đồng thơ và Ban chấp hành sẽ ủng hộ”.

Và anh ghi lời giới thiệu vào đơn xin vào Hội của tôi. Sau đó Hội đồng thơ do anh Bằng Việt làm chủ tịch đã thông qua, nhưng đến Ban chấp hành thì còn thiếu 1 phiếu. Đây là một kỷ niệm và là phần thưởng lớn đối với tôi.

Và lần cuối

Lần nào vào Nghệ An làm việc anh đều ghé vào thăm tôi, tháng 5/2007, anh vào nghỉ mát gọi cho tôi, nghe giọng khản đi. Tôi hỏi anh bảo là bị viêm họng. Đến tháng 9/2007, tôi nhận được tin anh bị bệnh hiểm nghèo.

Trước ngày sinh nhật anh, tôi ghé thăm anh, trải chiếu giữa nhà hai anh em ngồi tâm sự, không thấy anh nhắc đến rượu và thuốc lá như lần trước, giọng thì khàn, nhỏ nhẹ. Tôi nhìn anh gầy hơn nhưng vẫn nhanh nhẹn, linh hoạt.

Tôi chưa dám hỏi, anh đã nói luôn: “Mình bị ung thư phổi rồi, đang uống thuốc Nam xem sao”.

Hai anh em nói nhiều chuyện: Chuyện chiến trường ra chỉ có ba lô con cóc, chuyện anh về hưu, chuyện bạn bè cùng thời, dài hơn cả vẫn là chuyện thơ ca và anh có ý nhờ anh Phục cùng các con làm tuyển tập thơ của anh, bạn bè tài trợ để in “Nếu anh uống thuốc không đỡ thì sao?”

– Anh bảo: “Phải vào viện phẫu thuật thôi” nét mặt anh suy tư. Nếu mình vào viện mổ các cậu phải vào động viên nhé, cuộc này gay go đấy… Cuộc chiến cam go này anh đã không vượt qua!

Hà Nội, tháng 12/2007

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.