Vĩnh biệt tác giả "Hồ Gươm buổi sớm mai"

Vĩnh biệt tác giả "Hồ Gươm buổi sớm mai"
TP - Phải đợi con cháu từ nước ngoài về nên lễ tang nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh kéo dài bốn ngày. Võ An Ninh vĩnh biệt dương gian ở tuổi 103 thật thanh thản.
Vĩnh biệt tác giả "Hồ Gươm buổi sớm mai" ảnh 1
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh

Còn nhớ, những ngày cuối tháng Chạp năm 2002, sau ba ngày chết lâm sàng ở Bệnh viện Chợ Rẫy, nghệ sĩ Võ An Ninh lại mở mắt. Lần này thì khác. Anh em trong nghề nói Võ An Ninh sống thanh cao, chỉ trọn một niềm yêu nghệ thuật, trời phú cho ông sự minh mẫn đến cuối đời.

Bí quyết sống lâu của lão nghệ sĩ tạm được lý giải bằng thói quen: Đi xe đạp và đi bộ. Võ An Ninh nổi tiếng là “người của phong cảnh” với các bức ảnh nổi tiếng Hồ Gươm buổi sớm, Hồ Gươm bốn mùa, Phơi lưới trên sông Cấm, Biển bạc..., vừa sâu lắng, thanh thoát vừa êm ả.

Không chỉ giới nhiếp ảnh, cánh nhà báo còn kính nể Võ An Ninh, bởi ông biến chiếc máy ảnh thành vũ khí lợi hại, ghi lại bộ ảnh đồng bào chết đói năm Ất Dậu 1945.

Ngày ngày chụp xác người chết ở Thái Bình, ám mùi tử khí không ăn nổi cơm nhưng Võ An Ninh trở về là tráng phim, làm ảnh ngay để đem đến Hội Hợp Thiện kêu gọi quyên tiền cứu đói.

Những bức ảnh này được gửi vào Sài Gòn trưng bày trên phố Catina (đường Đồng Khởi ngày nay), vừa có tác dụng tố cáo vừa thu hút bà con góp tiền, lương thực cứu đói.

Vĩnh biệt tác giả "Hồ Gươm buổi sớm mai" ảnh 2

Cầu Thê Húc mùa hạ. Ảnh: Võ An Ninh

Vĩnh biệt tác giả "Hồ Gươm buổi sớm mai" ảnh 3
Ảnh về nạn đói năm 1945. Ảnh: Võ An Ninh

Vĩnh biệt tác giả "Hồ Gươm buổi sớm mai" ảnh 4

Hồ Gươm buổi sớm mai. Ảnh: Võ An Ninh

Nhà báo Đồng Đức Thành - tay máy kỳ cựu ở báo Sài Gòn giải phóng trầm ngâm: “Năm 1995, tôi đến nhờ cụ viết lời tựa cho cuốn sách, cụ dặn: Làm nghề này phải rèn đôi chân và cặp mắt, còn khỏe càng phải đi nhiều...".

Nên nhớ, từ lúc 31 tuổi, Võ An Ninh đi lại chỉ bằng một bàn chân rưỡi. Tai nạn đã cướp đi 1/2 bàn chân phải của cụ.

16 tuổi, Võ An Ninh (sinh 14/7/1907) tại phố Hàng Gai, Hà Nội làm quen với nhiếp ảnh. 25 tuổi công bố những bức ảnh đầu tiên. 30 tuổi có triển lãm ảnh cá nhân đầu tiên ở Huế, và một năm sau, tác phẩm Đẩy thuyền ra khơi  được giải ngoại hạng tại triển lãm ảnh ở Paris.

Trong gia tài đồ sộ của Võ An Ninh, các bộ ảnh được nhắc nhiều chính là ảnh phóng sự ghi lại nạn đói thảm khốc 1945, bộ ảnh về thủ đô Hà Nội và Bác Hồ chụp trước và sau ngày Quốc khánh 2/9/1945...

Nghệ sĩ nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I. Giới trong nghề suy tôn ông là “tinh túy của nhiếp ảnh”.

Tác giả Lên đàng cũng lên đàng

Cũng trong ngày 4/6 tại TPHCM, nhà cách mạng lão thành, nhà văn hóa Huỳnh Văn Tiểng (sinh 1920 tại Củ Chi) trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 90 tuổi.

Tên của ông cùng hai bạn thân Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước trở thành nhóm Hoàng (Huỳnh) – Mai – Lưu nổi tiếng trong phong trào văn hóa văn nghệ yêu nước khi cùng sáng tác ca khúc Giải phóng miền Nam (nghệ danh chung Huỳnh Minh Siêng).

Huỳnh Văn Tiểng cũng viết lời cho Lưu Hữu Phước phổ nhạc các bài Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng...

Ông là đại biểu quốc hội từ khóa I đến khóa V, từng giữ chức Phó Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, Giám đốc Đài TH TPHCM.

Ông được trao Huân chương Độc lập Hạng hai; Huân chương Kháng chiến Chống Pháp Hạng nhất; Huân chương Kháng chiến Chống Mỹ Hạng nhất; Huy chương vì Sự nghiệp Đại đoàn kết Dân tộc; Huy chương vì Sự nghiệp Báo chí; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng…

Linh cữu Huỳnh Văn Tiểng đặt tại nhà tang lễ thành phố, 25 Lê Quý Đôn, Q3, TPHCM. Lễ truy điệu lúc 5h30 ngày 7/6.

MỚI - NÓNG