Vịnh Hạ Long không còn là di sản thiên nhiên thế giới?

Vịnh Hạ Long không còn là di sản thiên nhiên thế giới?
Dư luận đang xôn xao trước tin UNESCO sẽ đề nghị rút tên vịnh Hạ Long ra khỏi danh sách các di sản thế giới vì những bất đồng với chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong việc xây dựng Nhà máy Xi măng Cẩm Phả.
Vịnh Hạ Long không còn là di sản thiên nhiên thế giới? ảnh 1
Toàn cảnh vịnh Hạ Long.

Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã trả lời phỏng vấn về vấn đề này.

- Thưa Phó Chủ tịch, dư luận cho rằng UNESCO đã có đơn "kiện" UBND tỉnh Quảng Ninh về việc cho phép Nhà máy Xi măng Cẩm Phả có công suất lớn nhất Việt Nam (2,3 triệu tấn/năm) nằm ngay bên bờ vịnh Bái Tử Long gây tác động rất xấu đến môi trường vịnh Hạ Long?

Trước hết phải nói ngay rằng, Nhà máy Xi măng Cẩm Phả là dự án cấp quốc gia, do Chính phủ phê duyệt chứ không phải của Quảng Ninh. Trước khi phê duyệt, Chính phủ đã nghe tường trình các báo cáo thẩm định, đánh giá của các Bộ, ngành chuyên môn, trong đó có Bộ Tài nguyên Môi trường vì tính chất nhạy cảm của một dự án công nghiệp nặng được xây dựng gần kề với vịnh Hạ Long.

Ngoài ra, với tư cách là địa phương có dự án đầu tư, ngay từ quá trình chuẩn bị xây dựng và phê duyệt dự án, yếu tố bảo đảm môi trường nói chung luôn được UBND tỉnh Quảng Ninh kiến nghị đặt lên hàng đầu, bảo đảm không gây tác động xấu đến môi trường vịnh Hạ Long kể cả giai đoạn xây dựng cho đến khi nhà máy này đi vào hoạt động.

Trên thực tế, vị trí xây dựng Nhà máy nằm sâu trong địa bàn thị xã Cẩm Phả, cách vùng đệm khu bảo tồn vùng di sản khoảng 10km.

- Nhưng thưa ông vì sao UNESCO lại có văn bản gửi đến Ban Quản lý vịnh Hạ Long bày tỏ mối quan ngại này?

Không phải văn bản, cũng chẳng phải đơn từ kiện tụng gì cả. Đó chỉ là một bức thư gửi cho cá nhân tôi.

Cụ thể như sau: Kết thúc một đợt công tác khảo sát xây dựng 12 hạng mục thuộc dự án Bảo tàng sinh thái vịnh Hạ Long, tham dự lễ khai trương Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn, ngày 28/6/2006, ông Chu Shiu Kee, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã gửi cho tôi một bức thư bày tỏ sự cảm ơn tỉnh Quảng Ninh đã tạo mọi điều kiện tốt nhất phục vụ cho chuyến công tác.

Qua đó đã góp ý nhiều vấn đề liên quan đến việc quản lý, khai thác, bảo dưỡng dự án Bảo tàng sinh thái vịnh Hạ Long sao cho hiệu quả, gắn chặt lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, trong thư cũng đã nhắc lại những vấn đề mà cả ông và tỉnh Quảng Ninh đã thảo luận, thống nhất nhận định trước đó. Đó là môi trường vịnh Hạ Long đang đứng trước những nguy cơ bị tác động xấu bởi các yếu tố con người, xã hội. Nhà máy Xi măng Cẩm Phả chỉ là một trong những ví dụ mà ông Chu Shiu Kee viện dẫn để bày tỏ mối lo ngại nói trên.

Đây cũng là nội dung chính mà Hội nghị lần thứ 30 của Ủy ban Di sản thế giới tổ chức tại Vilius - Lithuania (Liên bang Nga - từ ngày 8 - 16/7/2006) thảo luận rất kỹ về công tác bảo tồn đối với tất cả các di sản được xếp hạng thế giới.

UBND tỉnh Quảng Ninh đã cử ông Hoàng Công Thái, Phó trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long, sang tham dự Hội nghị này, sẵn sàng giải trình mọi vấn đề theo yêu cầu của Ủy ban Di sản thế giới. 

Vịnh Hạ Long không còn là di sản thiên nhiên thế giới? ảnh 2

Cảnh đẹp Hạ Long.

- Quan điểm của UNESCO tại hội nghị này như thế nào, thưa ông?

Đến thời điểm này thì chưa có báo cáo chính thức về kết quả hội nghị. Song, theo những gì tôi biết qua trao đổi thông tin thì không có chuyện UNESCO "dọa" sẽ rút tên vịnh Hạ Long ra khỏi danh sách các di sản thiên nhiên thế giới.

- Nhưng thưa ông, có nhiều mối lo ngại khác xung quanh hoạt động của Nhà máy Xi măng Cẩm Phả. Ông giải thích sao về việc này?

Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của chính quyền và nhân dân Quảng Ninh là coi nhiệm vụ bảo tồn, phát triển di sản thiên nhiên, văn hóa thế giới vịnh Hạ Long vừa là vinh dự, tự hào vừa là trách nhiệm rất quan trọng. Nhưng cần phải hiểu rằng, bảo tồn di sản không có nghĩa là biến toàn bộ vịnh Hạ Long trở thành vùng cấm, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Hơn thế nữa, xét về tính liên quan, có thể nói gần như toàn bộ vành đai biển của Quảng Ninh đều thuộc về vịnh Hạ Long. Trong khi đó, Quảng Ninh không chỉ có di sản mà còn phải phát triển dựa trên những tiềm năng, lợi thế về biển như hàng hải, cảng, du lịch, thủy sản... Vấn đề là cần phải biết cách khai thác, không để lợi thế về mặt này lấn át, làm triệt thoái mặt kia.

Theo CAND

MỚI - NÓNG