Vĩnh biệt nhạc sĩ Huy Du (1/12/1926 – 17/12/2007):

Vô biên trên 'Sóng nước Ngọc Tuyền'

Vô biên trên 'Sóng nước Ngọc Tuyền'
TP - Tin nhạc sĩ Huy Du từ trần ập đến vào một chiều trở lạnh lây phây mưa Hà Nội. Chợt thấy lòng chùng xuống dẫu đã biết sự thật này sẽ xảy ra.
Vô biên trên 'Sóng nước Ngọc Tuyền' ảnh 1
Nhạc sĩ Huy Du - Ảnh: N.Đ.Toán

Vậy là sau Chính Hữu, Vũ Cao, Phạm Tiến Duật, lại thêm một cựu binh ưu tú của làng văn nghệ vĩnh viễn xa chúng ta.

Cách đây ít lâu, khi được phỏng vấn cho chương trình “Con đường âm nhạc” của Huy Du, tôi có nói: “Nếu Văn Cao là trời cho, Đỗ Nhuận là đời cho, Nguyễn Xuân Khoát là người cho, Lưu Hữu Phước là thời cho, Hoàng Việt là nghiệp cho thì Huy Du là tình cho”.

Quả vậy, trong những gì mà Huy Du đã dâng hiến vào giai điệu cho đời mà được sự sống yêu quý thì chính vì ở đó luôn luôn chan chứa cái cảm xúc, cái tình lai láng của người sáng tạo.

Ít tuổi hơn các tên tuổi trên một chút (trừ Hoàng Việt), Huy Du bắt đầu nghiệp sáng tạo âm nhạc bằng ca khúc “Sóng nước Ngọc Tuyền”. Đó là một ca khúc trữ tình viết bên dòng sông Đáy của vùng Ba Thá - Hà Tây và lấy cảm hứng từ bản “Thiên Thai” của Văn Cao mà cụ thể là từ câu hát: Bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền” mà nên.

Từ đấy, cái tình cứ bảng lảng trong Huy Du mỗi khi cảm hứng những cung bậc của mình.

Ca khúc “Sẽ về Thủ đô” trước khi vào đoạn hành khúc trầm hùng cũng có một đoạn mở đầu thật tha thiết: “Ai về Thủ đô tôi gửi vài lời - Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó…”.

Đến khi tốt nghiệp tại Nhạc viện Bắc Kinh, cái tình trong sáng tạo của Huy Du đã dâng lên chất ngất ở những cung bậc dành cho giọng nữ cao trong sáng: “Hồng Hà ơi! Dương Tử ơi! Đời ta mang mối tình trong trắng… có phải rằng xưa nơi đây mọc lên cây hoa mộc miên đời còn nhớ…”.

Về nước khi cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam đòi thống nhất đã bắt đầu ác liệt, đọc được bài thơ của người lính Giải phóng quân Hồ Ngọc Sơn in báo “Văn nghệ”, Huy Du đã trải tâm hồn của mình vào cùng những câu thơ xanh mướt hy vọng: “Khi chiếc lá xa cành,  lá không còn màu xanh mà sao em xa anh - Đời vẫn xanh rời rợi…”. “Tình em” của Huy Du cùng “Tình ca” của Hoàng Việt là hai đỉnh cao về tình ca Việt Nam giữa một thời đạn lửa.

Đi dọc những giai điệu hùng ca của Huy Du, ta vẫn thấy một cái gì rất nồng nàn, rất ấm áp của những cung bậc trữ tình lôi cuốn ta thầm kín.

Đảo Bạch Long Vỹ bị bắn phá ngày đêm. Huy Du ra đảo và chịu chung những trận bom cùng quân dân đảo. Vậy mà khi viết ra lời ngợi ca, giai điệu sao cứ da diết, cứ thiết tha đến thế: “Bạch Long Vỹ đảo quê hương - Em đứng trên biển Đông - Thôn xanh Phù Thủy châu - Mênh mang sóng bạc đầu - Trúc anh đào xanh bóng…”.

Đưa ra một nhịp hành khúc để “Anh vẫn hành quân”, thế nhưng sao cái tình lại mênh mang phơi phới không gợn chút ưu tư nào: “Trời Điện Biên mây trắng - Gió lưng đèo chiến thắng…”.

Bươn chải với từng dốc đèo Trường Sơn cùng người lính, song những giọt mồ hôi, những trĩu nặng, những hiểm nguy vẫn không làm cho giai điệu Huy Du nhụt đi, khô lạnh đi mà nó lại càng chứa chan, càng bay bổng tình người: “Mênh mông đêm Trường Sơn cheo leo - Đường dốc đá mưa trơn, suối reo vang rừng núi - Ta đi theo Trường Sơn hướng về tiền phương - Vững bước chân ta đi không ngừng - Lửa lòng sáng núi rừng…”.

Qua Huy Du, bàn chân người lính không còn là những bàn chân chinh phục khoảng cách mà là những bàn chân ấm áp của những con người yêu nước sưởi ấm mọi vùng đất: “Qua núi qua sông qua đồng lúa chín - Ta nghe xao xuyến tiếng gọi thiết tha - Ngọn lửa trong tim những chiều hành quân - Sáng lên lời ca những người anh hùng” (bài “Cùng anh tiến quân trên đường dài”) hay: “Đường Chín ơi! Đường Chín! Nhớ Ba Lòng ta ghé bến sông xưa - Những đêm dài nghe tình thương mến…”.

Khi đất nước thống nhất, dù không còn trẻ trung là bao, Huy Du đã nối dài cái ngọn lửa từ “Nổi lửa lên em” ngày chiến tranh sang những cung bậc trữ tình của thời thanh bình: “Ôi biển cả bao la! Ôi những bến bờ xa - Con sóng đưa ta tới miền kỳ lạ - Mây đổi sắc qua mùa đông mùa hạ…”.

Mặc dù đảm trách rất nhiều công việc lãnh đạo ở Hội Nhạc sĩ một thời gian chừng một thập kỷ, hai khóa Quốc hội, song Huy Du vẫn tuôn chảy dòng nhạc trữ tình của mình vào cuộc đời như bù lại những năm tháng trước, như phơi mở hết lòng mình, cái tình của mình ra giữa cuộc đời.

Với Huy Du, tôi cũng như các nhạc sĩ đàn em của ông không chỉ nể phục ông vì tài năng, mà còn trân trọng cái tình của ông trong trải với mọi người.

Cách đây vài năm, tôi có vinh dự được ông gửi gắm viết một cuốn sách về ông qua Viện Âm nhạc Việt Nam. Đấy là những ngày làm việc cùng nhau đầy ắp kỷ niệm, trong đó có cả kỷ niệm phổ bài thơ “Chiều không em” của tôi mà ông đã lấy làm tên cho băng cát xét tác giả Huy Du hồi 1995.

Vài năm ở tuổi “thất thập cổ lai hy” cũng như Văn Cao, Nguyễn Đức Toàn, Hoàng  Vân, Nguyễn Đình Phúc, Trịnh Công Sơn… Huy Du còn vẽ cái tình của mình lên khung tranh cũng rất thoáng đạt và gợi cảm.

Nhưng “Nhịp đời đã điểm”, người nhạc sĩ mà tình cho ấy đã phải xa rời chúng ta vào mùa đông của tuổi 82. Vĩnh biệt ông và thấy ông đang trôi vô biên trên “Sóng nước Ngọc Tuyền” mênh mang của cõi xa xăm.

MỚI - NÓNG