Vợ chồng 'Ta ba lô' đi năm châu, sáu cường quốc

Hai ông bà đứng trước nhà hát Con Sò (Opera Sydney), Úc chờ xem bắn pháo hoa Giao thừa Tết Dương lịch cuối năm 2014. Ảnh do nhân vật cung cấp
Hai ông bà đứng trước nhà hát Con Sò (Opera Sydney), Úc chờ xem bắn pháo hoa Giao thừa Tết Dương lịch cuối năm 2014. Ảnh do nhân vật cung cấp
TP - Khi còn đương chức, đại tá phi công Nguyễn Xuân Trường đã đi rất nhiều nơi, có thể nói đủ năm châu bốn bể. Theo lẽ thường, nghỉ hưu rồi người ta thường thích sống quây quần bên con, cháu, bạn già… còn ông lại đi nhiều hơn. Trước kia đi vé VIP, ở khách sạn sang, lịch trình bận rộn, họp hành liên miên. Nay ông bà đi hàng không giá rẻ, ở nhà trọ bình dân, rảnh rang tìm hiểu văn hóa, đời sống xứ người…

XUẤT NGOẠI ĐÊM GIAO THỪA

Chiều muộn 30 Tết Dương lịch 2014 gọi điện thì ông cho biết hai vợ chồng vừa xuống xe ở khu vực nhà hát Con Sò (Nhà hát Opera Sydney) thành phố Sydney, Úc. Như hàng ngàn người dân Úc và khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới, giao thừa Tết Dương lịch thường đổ về Sydney để xem màn bắn pháo hoa ngoạn mục trên cầu cảng, ông bà cũng gắng đến sớm để chọn cho mình một chỗ trống, trải chiếu cùng du khách chờ đón thời khắc chuyển giao năm mới cùng dân bản địa.

Đây là điểm dừng chân cuối của ông bà sau hành trình tròn một tháng làm “Ta balô” trên đất Úc trước khi bay trở về Việt Nam. 

Ở tuổi 70 (sinh năm 1944), như hầu hết khách du lịch balô, ông một balô, vợ ông, bà Nguyễn Thị Đào (sinh năm 1948) một balô, cũng bản đồ trên tay, lỉnh kỉnh quần áo, thuốc men, chai nước suối, bánh mì thịt nguội…và không thể thiếu cái nồi cơm điện du lịch, khi thì xe bus, lúc đi bộ một dải ven biển miền Đông nước Úc, ra tận đảo Tasmania, cực Nam nước Úc, nơi còn giữ nhiều nét nguyên sơ, hoang dã. Gặp lại ông ở Sài Gòn ngay sau chuyến đi du lịch dài ngày trở về, không thấy dấu hiệu mệt mỏi của chuyến du lịch dài ngày. Ông điềm đạm chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng tôi đặt ra quy định là mỗi ngày phải có ít nhất một bữa ăn nóng, thường vào buổi sáng, nên mang theo đồ để nấu nướng. Phải ăn như vậy mới có đủ sức khỏe đi dài ngày. Còn để nấu món ăn hợp khẩu vị thì gần như trên thế giới chỗ nào cũng có thể mua đồ để nấu món ăn Việt Nam được”.

Vợ chồng 'Ta ba lô' đi năm châu, sáu cường quốc ảnh 1Vợ chồng ông Trường, bà Đào đã đi du lịch “Ta balô” trên 20 nước. Ảnh do nhân vật cung cấp
Không tính những nước mà ông Trường đã đi hồi đương chức Tổng Giám đốc Tổng Công ty bay Việt Nam, khi về hưu hai ông bà đã đi 20 nước, quá nửa số đó đi theo diện “Ta balô”. Mục tiêu ông bà đặt ra là: “Đi du lịch balô đủ năm châu, sáu cường quốc, dĩ nhiên là theo tiêu chí của hai vợ chồng, gồm Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu”. Đến nay các chỉ tiêu đặt ra đều đã gần đạt được. Ông bà đã đi được bốn châu, trừ châu Phi thì đang cân nhắc đi Ai Cập hay Nam Phi. Đôi “phượt già” muốn đi Ai Cập để tìm hiểu một trong những cái nôi văn minh nhân loại nhưng lần lữa mãi vì “ai ngờ đất nước có nền văn minh cổ xưa như thế mà lại hỗn loạn, nội chiến, anh em một nhà chém giết lẫn nhau dã man đến thế”, nên dự tính thay bằng Nam Phi, một đất nước khá xa lạ với Việt Nam nhưng lại thu hút sự quan tâm rất lớn của thế giới, không chỉ vì là nền kinh tế phát triển nhất châu lục, mà còn là một điển hình của việc chuyển mình ngoạn mục từ chế độ phân biệt chủng tộc man rợ sang nền dân chủ. 

Thế còn các cường quốc? “Ngay sau khi làm lễ cúng Giao thừa ở Việt Nam năm nay chúng tôi sẽ bay đi Mỹ trong đêm. Cũng như chuyến đi Úc, chúng tôi sẽ ở lại Hoa Kỳ trong khoảng một tháng. Cách thức cũng giống các chuyến đi balô khác, hạn chế đi máy bay, tăng cường đi tàu hỏa, tàu điện nổi, điện ngầm, xe bus và đi bộ. Với chuyến đi Mỹ lần này coi như mục tiêu 6 cường quốc hoàn thành” -ông Trường chia sẻ.

KHÔNG PHẢI TIỀN MÀ CÓ DÁM ĐI?

Khi biết về những chuyến đi bất tận của ông bà, nhiều người, kể cả bạn bè thân, trong đó có những vị tướng đã nghỉ hưu cho rằng, ông Trường đi được như vậy chẳng qua là “có nhiều tiền”. Ông Trường không phủ nhận việc đi du lịch nước ngoài là tốn kém, tuy nhiên ông đã chọn cách đi du lịch ít tốn kém nhất mà lại hiểu biết nhiều nhất về nơi mình ghé thăm, đó là làm “Ta balô”. Hành trình của ông gói gọn ở mấy tiêu chí sau: rẻ và miễn phí. Ở nhà trọ hoặc nhờ người quen, đi bằng phương tiện công cộng hoặc đi bộ, mang theo nồi cơm, ấm điện du lịch để tự nấu ăn. Thường là sáng bà tự nấu ăn bữa ăn nóng sốt, đầy đủ dinh dưỡng, hợp khẩu vị tại nhà nghỉ, mang bánh mì paté, chà bông, dưa chuột, cà chua, nước uống lấy từ vòi nước công cộng, tới chỗ nào cũng có thể ăn được như người dân bản địa, khi nào mệt thì ghé công viên, tới đâu nghỉ đó. Nhờ vậy chi phí giảm một nửa chi phí đi tour mà lại hiểu biết gấp đôi. 

Vợ chồng 'Ta ba lô' đi năm châu, sáu cường quốc ảnh 2 Ông Nguyễn Xuân Trường, “phượt thủ” quốc tế ở tuổi 70 
Ông cho biết, bà con người Việt có ở khắp nơi trên thế giới, sống ở nước ngoài nên phần nhiều rất nhớ quê hương, khi mình tới thăm họ rất mừng vì gặp lại đồng hương, nghe kể chuyện quê nhà. Còn mình thì qua họ hiểu rõ hơn nơi mình sẽ ghé thăm, ăn nghỉ không phải lo. Dĩ nhiên phải tùy nghi, đừng đòi hỏi quá. “Bản thân chúng tôi sống rất đơn giản, có thể nằm ngủ ngay trên ghế sofa hoặc nằm trên tấm trải ở phòng khách cũng được”.   

“Cuộc sống có nhiều cái để lựa chọn. Điều quan trọng là có biết hoặc dám chọn hay không”. Ông Trường chọn cách đi du lịch để làm phong phú đời sống trí tuệ của mình, với ông đó mới là điều quan trọng nhất. Lẽ dĩ nhiên những điểm đến cần thiết của tất cả các tỉnh thành trong nước ông bà đều đã đi qua. Ban đầu ông bà chọn cách mua tour du lịch, nhưng đi vài chuyến mới thấy đi tour có khá nhiều hạn chế. Cái ông cần là tự mình khám phá đời sống, xã hội, văn hóa, tiếp xúc với người dân sở tại. 

Ông Trường đánh giá: “Trước đây tôi đi công tác nước ngoài khá nhiều, thường chỉ cảm nhận được một phần nhỏ đời sống của nước sở tại vì bận lo lắng công việc. Đi du lịch biết được khoảng non nửa, còn tự đi thì có thể khám phá được ba phần”. Sẵn có tiếng Anh, ông lên mạng tìm hiểu kinh nghiệm của người đi trước, trang mạng, sách hướng du lịch, các điểm tham quan, kinh nghiệm cần tránh, từ các tuyến xe bus trở đi… Nhờ vậy trước mỗi chuyến đi ông có thông tin khá đầy đủ, tường tận về nơi mình sẽ đến thăm. 

Vợ chồng 'Ta ba lô' đi năm châu, sáu cường quốc ảnh 3 Hai ông bà đứng trước Cầu cảng Sydney
Ông tiếc cho nhiều người khỏe mạnh, có điều kiện mà không dám đi xa, uổng phí cuộc đời trong những cuộc nhậu vô bổ, than thân trách phận cảnh về già bị bỏ rơi. Ông tận tình chỉ cho bạn già lẫn trẻ cách thức để đi. Gần thì đi mấy nước xung quanh như Lào, Campuchia, Thái Lan, nơi cứ hỏi năm mười người thể nào cũng gặp người biết nói tiếng Việt. Có kinh nghiệm rồi thì đi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản là những nước văn hóa khá tương đồng với ta. Rồi tự mình đi xa hơn khi có thêm kinh nghiệm, hiểu biết…Thậm chí ông còn giúp họ lập kế hoạch chi tiết 18 ngày đi ba nước Lào, Thái, Camluchia, vẽ bản đồ chi tiết như bản đồ tác chiến, các thứ tự công việc phải làm, chụp các khách sạn mình sẽ đến… Họ nghe rồi bàn lùi, chẳng đi đến đâu. Không ai vượt qua được nỗi sợ. 

Đi nhiều, biết nhiều, ông bà có những nhận xét tinh tế và nhiều lời khuyên hữu ích cho bạn bè, đặc biệt là con cháu. Ông Trường rất ấn tượng về sự kỷ cương của Singapore hoặc ý chí vươn lên của người Nhật Bản hay tính tổ chức của người Đức. Theo ông, nơi để người Việt sinh sống, làm việc tốt nhất lại là nước Úc. Úc là đất nước kỷ cương, thanh bình, quan hệ con người với nhau thân thiện, áp lực cạnh tranh cũng không mạnh như những nước khác, chưa kể thuận lợi về khoảng cách địa lý, khí hậu, tài nguyên. 

Phi công lập nhiều kỷ lục

Đại tá Nguyễn Xuân Trường là một phi công trực thăng quân sự được đào tạo tại Liên Xô, dày dạn trận mạc, từng tham gia cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam, quần đảo Trường Sa, chiến đấu tại chiến trường Campuchia, dẹp loạn Fulro, chức vụ cao nhất trong quân đội là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 917. Ông cũng là phi công quân sự đầu tiên chuyển sang bay phục vụ khai thác dầu khí ngoài khơi bằng máy bay quân sự không được thiết kế để bay biển xa trong điều kiện không có dẫn đường trên không. Trải qua nhiều cương vị khác nhau, khi về hưu ông là Tổng Giám đốc Tổng công ty bay dịch vụ Việt Nam, cấp bậc đại tá. Sau khi về hưu ông vẫn làm Ủy viên HĐQT Ngân hàng cổ phần quân đội. Ông là phi công Việt Nam có thể lái được 9 loại trực thăng khác nhau, cả quân sự lẫn dân sự của Nga, Mỹ, Pháp, chưa kể các máy bay huấn luyện học ở nước ngoài. Kỷ lục khó người đạt được. 

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, đi du lịch nhiều nước thường mang nhiều loại tiền trong người nên cần lưu ý sử dụng đồng tiền sao cho đỡ thiệt. Người lớn tuổi cần mua sẵn bảo hiểm trước khi đi. Khi sang các nước, khi đi vào những nơi nguy hiểm, nên mua tour của công ty du lịch địa phương, đừng tự mình đi.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG