Võ Thị Xuân Hà - Người con của các dòng sông

Võ Thị Xuân Hà - Người con của các dòng sông
Xuất thân từ trường sư phạm, làm cô giáo, viết văn, học trường Đảng cao cấp, làm báo, mở quán cà phê, công tác ở Ban sáng tác của Hội nhà văn, Võ Thị Xuân Hà cho rằng cuộc sống phải là một sự trải nghiệm, tận hiến, tận yêu, tận viết.

Chị nói rằng chị cố gắng không bỏ lỡ cơ hội nào để được sống, được suy nghĩ và được tìm thấy chính bản thân mình.

Lớn lên bên dòng Hồng Hà nhưng quê gốc của chị là dòng Hương Giang. Đi dạy học bên dòng Hương và trở lại sáng tác bên dòng sông Cả. Trong bữa cơm của chị có thịt heo luộc của xứ Bắc, chấm với ruốc Huế.

Người sáng tác thì như có dòng sông ở trong đời mình, nó da diết mà chảy, không bao giờ ngừng, có lúc đầy, lúc vơi vun đắp nên sự sống nơi bãi bồi xanh ngát và những làng quê thân thuộc.

Võ Thị Xuân Hà viết rất nhanh, một tiểu thuyết chị hoàn thành trong một đến hai tháng, với xúc cảm mãnh liệt. Chị nói: “Cứ tối đến là viết, người yêu bên cạnh cũng quên luôn”.

Hai cuốn tiểu thuyết của chị đều hoàn thành như vậy.

Sau giải phóng, chị về Huế – quê gốc của chị, dạy học ở một trường ven đô. Và nơi đây là bối cảnh của tiểu thuyết đầu của chị với cái tên “Trong nước giá lạnh”. Đó là cuốn sách viết về người phụ nữ trong thời chiến.

Tiểu thuyết thứ hai, lấy bối cảnh xóm liều Thành Công nơi chị đang sống. Cảm hứng nóng bỏng về cuộc sống của những người đàn bà đương đại. Tiểu thuyết có tên “Tường Thành”.

Các nhân vật chính của chị, những người phụ nữ, những phận nữ, có lẽ sẽ chìm vào lãng quên bởi chiến tranh, bởi những lo toan và bận rộn thời thị trường, nhưng đã ám ảnh chị, như tiếng gọi nữ tính mãnh liệt, da diết.

Người phụ nữ trong tác phẩm của chị có một đời sống nội tâm phong phú, tính cách trầm lặng, chịu thương chịu khó, chịu hy sinh và chìm trong quên lãng của đời thường. Nhưng, lấp lánh nơi họ là một khát khao sống, và yêu, như ngọn lửa âm thầm mà không bao giờ tắt, như dòng sông không bao giờ cạn kiệt.

Chị viết, trong tiểu thuyết của mình: “Dưới sông, tôi như nhìn thấy mạ. Thực sự đã có những lúc tôi nhìn thấy người rõ ràng trước mặt. Mạ mặc bộ áo dài màu nước sông, xanh mướt mát. Gương mặt mạ ánh lên màu bùn non, ấm và sinh động như những thửa lúa đang thì con gái.

Tôi mừng rỡ chạy đến gần. Mạ đưa tay vuốt tóc tôi, nắn nhẹ bầu ngực tôi như thầm đo nắn kết quả cuộc sinh thành của mình. Mạ có vẻ ưng ý về tôi. Nụ cười người thoảng qua tôi như luồng sinh khí tiếp thêm cho tôi sức sống vô cùng vô tận.

Khi tôi lau giọt nước mắt, ngẩng lên thì mạ đã không còn ở đó nữa. Rõ ràng bộ ngực tôi vừa ấm lên bởi bàn tay dịu dàng của mạ”.

Quê hương, thân phận, và tình yêu.

Mỗi cây bút nữ có một cách biểu đạt của riêng mình, cho dù bao giờ cũng ưu tiên cho những nhân vật nữ và những nữ thân phận.

Văn Võ Thị Xuân Hà vừa có sự mãnh liệt và bất ngờ của dòng Hồng Hà vừa có cái âm trầm bình thản của dòng Hương Giang.

Chị không thực nền nã như Trần Thùy Mai cũng không nóng bỏng như Nguyễn Thị Thu Huệ,  văn của chị luôn luôn tựa như hai dòng nước, có khi đối lưu, có khi hòa lẫn, có khi hỗn mang, có khi thanh bình.

Và nơi ấy, những trang viết của chị được hình thành, rất nhanh.

Chị cho biết đang tìm chất liệu cho những trang viết của cuốn tiểu thuyết thứ ba.

Kinh nghiệm của chị là “phải kiếm cái gì để mà sống trong lúc viết. Vì khi viết thì không còn làm gì được nữa. Cần có lương thực dự trữ. Chí ít cũng phải được hai tháng”.

Chị đang tất bật với quán cà phê nhỏ và với công việc biên tập báo và biên tập sách.

Nghĩa là chị đang tích trữ lương thực cho cuốn tiểu thuyết thứ ba.

7/2005

MỚI - NÓNG