Vô thức mặt người

Vô thức mặt người
TP - Lật lần đầu, gặp “thằng Đạo mạo”. Bật bật ít trang : “gặp một khuôn mặt bì bì... mắt chì, giọng mỡ” (“Ghi ở Vạn Lý Trường Thành”). Thấy cách thơ lạ, có chất văn xuôi (hay là biểu hiện của Hậu hiện đại?).
Vô thức mặt người ảnh 1

Lật ngược về những trang đầu: “mặt mình đơm hoa”! Phải thế chứ. Chàng thi sĩ họ Mai, sáng sủa, thông minh, có tài lại tinh tế. Lại ngược tiếp, “Mặt người viên cuội chơ vơ” (“Kinh cầu ban mai”), tôi đã dừng lại khá lâu, tôi phải lòng 2 chữ “chơ vơ”. Và viên sỏi đầu đời của chàng đã dẫn lối tôi ùa vào.

Tiếp theo: “Khuôn mặt em vừa hiện trong vòm cây sót lại, tán lá đong đưa như bát nước đầy” (“Đêm ở Thụy Khuê”). Chẳng rõ tại sao, lại nhớ Hàn Mặc Tử... Rồi từ Mặt chữ điền, vô thức như bật dậy, kéo theo bao Mặt người.

Tất nhiên, chàng thi sĩ bạn tôi có khuôn mặt thanh tú (không phải chữ điền), lành hiền, nhưng từ vô thức của chàng, tôi đã dò thấy “Đồng đất quê ta hao hao những mặt người” (“Tiếng gọi từ những cánh đồng”), “Những hốc mắt kiếp người lầm lũi” (“Hải Phòng trước năm 2000”), “Tổ quốc ...., mang khuôn mặt mình thời mọc tóc thay răng” (Trường ca “Người cùng thời”).

Ở đó còn có cả “những khuôn mặt bịt kín/những vỏ đạn gỉ hoen mở mắt”, “lũ gian thần/lấp lênh khuôn mặt/nơi phòng the từng thu xếp thế gian”... và ai đó, phải chăng chàng chính là “một người để nước mắt rơi/mặn mòi lăn khắp mặt người yêu thương” [lặp 3 lần] (Trường ca “Người cùng thời”).

Làm sao mà chàng không rơi lệ , khi “mặt người thân nhọc nhằn nấp sau bát mẻ” (Trường ca “Người cùng thời”), hay hình ảnh quê hương “...con đường cổ lỗ chôn nông khuôn mặt hạn hán”, lại nữa “khuôn mặt méo lệch đọng nước mắt rắn đanh” (“10 bài tập mùa xuân”).

Khác với thi sĩ Hoàng Hưng, chàng không phải “Người đi tìm mặt”, mà Mặt tự đến, đó là vô thức, tưởng đã được lèn chặt, nhưng nó lẻn vào trong thơ chàng thật mãnh liệt.

Vậy là MẶT NGƯỜI đã có đủ họ và tên. Đã được nhập tịch, có chứng minh thư, và nó đã, đang, sẽ đồng hành cùng chàng. Nếu diễn đạt không mù mờ, thì chính nó sẽ truy vấn và minh giải chàng. Tôi hiểu mặt nạ ở đây thi sĩ không nói đến hát bội, đến tuồng. Mà đang nói đến một thế giới của những Mặt người giả ảo. Mọi sự đã thay đổi.

“Đồng đất quê ta hao hao những mặt người” nay giá đã tăng vài chục ngàn lần. Thật hay ảo những giá trị? Chàng thi sĩ giờ mới thực sự vỡ òa - Mặt người không còn, đến cả “gương mặt vợ con” cũng lẫn “trong khoảng lặng những quảng cáo thương hiệu” (“Đến trong ý nghĩ”), rồi “vài gương mặt trôi đi làm nhầm lẫn cảm quan, ý nghĩ, nhầm lẫn thứ tự trang sách...”

(“Vòng cung thời gian”)... không dừng được: “Một số người trỗi dậy từ đám đông, khoác áo đen, mang mặt nạ đen” (“Biến tấu con quạ”), “vẻ mặt quan trọng của người hàng xóm giờ mủn bục” (“Di chứng”), rồi “quanh quẩn ngõ tối bao gương mặt quảng trường đúc từ xương quai hàm luôn tư thế hô hoán...” (“Niệm khúc số 18”)... Chắc lúc này, chàng có nghĩ đến “Các vị La Hán chùa Tây Phương”, gần địa danh nơi chàng chào đời.

Cảm phục thay, chàng đã xông lên, chàng gọi thằng MẶT NGƯỜI lại, tuyên bố: Bây giờ trở đi, sẽ gọi theo tên riêng, bất cứ tên gì, miễn hiểu tên khai sinh MẶT NGƯỜI là được.

HN-ĐN, 12/5/2011

Đà Linh
(về Tuyển tập thơ Mai Văn Phấn)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.