Vô tư như... CLB Xuân Diệu

Đêm thơ Nguyên Tiêu do CLB tổ chức thu hút đông đảo người xem
Đêm thơ Nguyên Tiêu do CLB tổ chức thu hút đông đảo người xem
TP - Nói như thế không có nghĩa những CLB khác là... không vô tư. Những CLB khác như CLB Golf, CLB doanh nhân địa ốc, CLB “đại gia chứng khoán”... thảy đều vô tư, dù họ lập nên và hoạt động với bất cứ mục đích nào. Nhưng đúng CLB Xuân Diệu là…vô tư thật!

Vì đây là một CLB thơ, lại được lập nên vì lòng yêu mến một nhà thơ đã mất, một người không còn khả năng làm lợi cụ thể cho ai về bất cứ cái gì.

Đêm thơ Nguyên Tiêu do CLB tổ chức thu hút đông đảo người xem
Đêm thơ Nguyên Tiêu do CLB tổ chức thu hút đông đảo người xem.

Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu thật xa lạ với những “hoạt động hành lang” (Tây gọi là lobby). Tôi nhớ, có một lần ông gặp và kéo tôi ra một góc, thì thầm: “Tôi sẽ giới thiệu Thảo vào Hội đồng thơ (Lúc bấy giờ Xuân Diệu đang là Chủ tịch hội đồng này). Nhưng Thảo đừng nói với ai nhé, vì tôi chưa dám chắc”. Sự thận trọng của ông đã không thừa.

Một thời gian ngắn sau, gặp lại tôi, ông nói: “Mình đã giới thiệu Thảo, nhưng người ta không chịu. Thôi phải chờ vậy”. Tôi chỉ cười, vì khi nghe Xuân Diệu nói, tôi vẫn chưa hình dung mình vào Hội đồng thơ để làm gì ? Nhưng nếu hồi đó mà tôi thì hám danh, còn Xuân Diệu thì quen với chuyện “vận động hành lang” thì không khéo tôi đã kiếm được cái danh “hội đồng…gì” rồi. Sau ngày Xuân Diệu mất, chẳng biết ông có phù hộ tôi hay không mà tôi được vào cái hội đồng ấy và ở lì những... ba khóa. Ở lâu đến phát chán.

Nói như thế để thấy, với CLB mang tên Xuân Diệu, dù có còn sống Xuân Diệu cũng không thể giúp gì để nó sống, nhưng khi mất rồi, có thể ông lại phù hộ được cho nó tồn tại và phát triển. Tới nay là tròn 20 năm. Nghĩa là, chỉ sau khi Xuân Diệu mất đúng 5 năm, CLB mang tên Xuân Diệu đã được thành lập ngay tại quê mẹ ông là “đất võ trời văn” Bình Định.

Tôi không được chứng kiến ngày CLB này ra đời, nhưng tôi chắc lúc đầu số hội viên cũng chưa đông lắm, còn những người chủ trì thì hẳn phải vất vả nhiều mỗi khi muốn tổ chức những hoạt động của CLB mình. Lý do, có lẽ cũng đơn giản: thiếu kinh phí. Nhưng cách đây dăm năm, có dịp vào Qui Nhơn chơi, tôi đã hơi bị bất ngờ khi được ban lãnh đạo CLB mời đến nói chuyện… thơ tại CLB.

Do chưa được tin tưởng lắm, tôi đã hỏi lại: “Nhưng liệu tôi nói chuyện thơ có ai thèm nghe không?”. Tôi đã được anh Quang Khanh bảo đảm là người đến nghe nói chuyện thơ sẽ đông gần bằng…quân Nguyên. Tôi phấn khởi nhận lời. Vì tôi đã biết mình sẽ nói chuyện gì rồi.

Đúng là đêm sinh hoạt CLB Xuân Diệu đông vui thật! Và dù không đông như quân Nguyên, nhưng lượng người nghe đủ cho bất cứ diễn giả nào dù khó tính đến đâu cũng có thể hài lòng. Đêm ấy, tôi đã kể những chuyện tôi thực sự biết về Xuân Diệu, từ thuở tôi mới là một cậu bé học lớp 5 lớp 6 được nghe Xuân Diệu nói chuyện thơ, tới lúc học đại học mấy anh em chúng tôi đã “đột kích” tới nhà Xuân Diệu ở 24 Cột Cờ để…tranh luận với ông về…thơ như thế nào, đúng là điếc không sợ súng!

Tôi cũng kể về sự tôn trọng của Xuân Diệu đối với bọn trẻ ranh chúng tôi ra sao, ông đã kiên nhẫn và bình tĩnh nghe chúng tôi nói về thơ, và đã nhẹ nhàng dạy chúng tôi những bài học gì. Hóa ra, những chuyện không đầu không cuối của tôi đã nhận được sự chú ý của các thành viên CLB, và buổi nói chuyện dù không “thành công tốt đẹp” thì cũng không đến nỗi nào.

Kết thúc cuộc chuyện trò, tôi được ban lãnh đạo CLB “bồi dưỡng” 200 ngàn đồng, cũng là một chuyện bất ngờ! Hay do tôi trong câu chuyện đã kể về những lãnh đạo huyện A. khi mời Xuân Diệu về nói chuyện thơ họ đã quên… bồi dưỡng cho ông?! Việc này ông đã than phiền với tôi, nên tôi biết. Xuân Diệu là người rất thật thà. Ông sắc sảo, đôi khi hơi giống…mẹ chồng soi xét nàng dâu, nhưng ông lại hồn nhiên.

Sinh thời, Xuân Diệu không ít lần về Qui Nhơn và Bình Định, cũng đã đi nói chuyện thơ ở không ít địa phương thuộc Bình Định, nhưng có lẽ chẳng bao giờ ông nghĩ rồi sẽ có một câu lạc bộ thơ mang tên mình ngay tại quê mình như thế này. Nếu biết trước, hẳn ông sẽ vui lắm!

Người ta hay kể giai thoại về chuyện Xuân Diệu đi qua các phố Hà Nội để tìm chỗ sau này có thể…đặt tượng mình. Chẳng biết câu chuyện thực hư thế nào, nhưng tôi nghĩ, với việc thành lập câu lạc bộ Xuân Diệu tại Qui Nhơn, thành phố này đã dựng một tượng đài nhà thơ lớn của mình.

Bây giờ thì còn có con đường đẹp nhất Qui Nhơn mang tên Xuân Diệu, có trường THPT ở Tuy Phước mang tên ông, nhưng theo tôi, có lẽ Xuân Diệu thích nhất là có một câu lạc bộ thơ mang tên mình mà thường xuyên có những hoạt động, mà số hội viên ngày càng đông thêm, mà số tuổi lại tới những… 20 như thế này!

Thật không dễ để một CLB thơ có thể sống lâu như vậy, dù nó mang tên ai. Vì, để một CLB sống, thì nó phải hoạt động. Mà để hoạt động, thì phải có những người chịu giành thời gian và công sức cho nó. Với lại, cũng phải kiếm được… nhà tài trợ, hoặc các hội viên phải đóng góp để nuôi CLB của mình.

Tôi nhớ có lần cách đây mấy năm, nhân một hội thảo về Xuân Diệu được tổ chức tại Qui Nhơn, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm vào dự và được mời tới giao lưu với hội viên CLB Xuân Diệu. Anh Điềm đã bật khóc khi nhắc lại những kỷ niệm với Xuân Diệu, nhưng anh cũng khóc vì…mừng, khi thấy ngay tại Qui Nhơn vẫn còn nhiều người yêu Xuân Diệu, yêu thơ ông đến thế!

Tôi có được dự đêm giao lưu ấy, và nó cho tôi cảm giác là chính nơi đây thơ Xuân Diệu sẽ được đọc lại, được yêu mến lại bởi nhiều thế hệ đến sau. Khi các em học sinh chuyên văn trường Lê Quí Đôn hồ hởi đến xin chữ ký chúng tôi, tôi đã nghĩ, lẽ ra, phải là Xuân Diệu ký cho các em mới đúng. Không chỉ vì chữ ký của Xuân Diệu đẹp, mà vì chính các em sẽ khiến thơ ông tiếp tục sống đẹp trong một thời đại khác.

Vài nét về CLB Xuân Diệu

CLB Văn học Xuân Diệu trực thuộc Trung Tâm Văn hóa tỉnh Bình Định, thành lập ngày 19-5-1990. Sau 20 năm hoạt động, CLB đã trải qua 4 đời chủ nhiệm: Nguyễn Văn Giai, Từ Quốc Hoài, Phổ Đồng và Trần Quang Khanh.

CLB hiện có 120 hội viên. Nhà thơ Hoàng Cầm từng sinh hoạt ở CLB và là hội viên danh dự của CLB.

CLB sinh hoạt mỗi tháng một lần. Nội dung các buổi sinh hoạt, gồm: Giới thiệu thơ, giới thiệu truyện ngắn của hội viên; Giới thiệu tác giả là hội viên hoặc tác phẩm của hội viên; Mời các nhà văn, nhà thơ, các GS-TS văn chương nổi tiếng trong nước về giao lưu, nói chuyện chuyên đề về sáng tác văn học; Tổ chức giao lưu thơ văn với các CLB văn học trong tỉnh, trong nước, các trường học, cơ quan, đơn vị văn hóa; Tổ chức giỗ Xuân Diệu và đêm thơ tưởng nhớ Xuân Diệu hàng năm (ngày 18-12); Trao giải thưởng hàng năm cho hội viên có tác phẩm xuất sắc nhất trong năm; Tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu

CLB có blog: http://clbxuandieu.vnweblogs.com đăng tải tác phẩm của hội viên và tin tức sinh hoạt.

Câu lạc bộ hoạt động theo hình thức xã hội hóa. Kinh phí do hội viên đóng góp. Các hoạt động lớn như tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu hoặc giỗ Xuân Diệu thì có tài trợ từ các nhà hảo tâm.

Các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu từng giao lưu tại CLB, như Hoàng Cầm, Yến Lan, Anh Ngọc, Nguyễn Khoa Điềm, Inrasara, Nguyễn Đức Mậu, Phạm Đình Ân, Hồ Thế Hà, Thu Nguyệt, Ý Nhi, Văn Công Hùng, Sương Nguyệt Minh, Dương Hướng…

Quảng Ngãi tháng 5/2010

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.