Vọng cảnh: Mới vui một nửa!

Vọng cảnh: Mới vui một nửa!
Sau 7 tháng trời tranh luận sôi nổi, cuối cùng Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định phải di chuyển khu Life Resort Huế đến một địa điểm khác.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải thay đổi về quy mô, kiến trúc để không phá vỡ cảnh quan khu vực đồi Vọng Cảnh; phải lập lại dự án đảm bảo hoàn tất các thủ tục pháp lý theo đúng quy trình...

Có nghĩa là nhà đầu tư vẫn bám riết đồi Vọng Cảnh. Bởi vì Vọng Cảnh  đã là một thương hiệu mạnh, lại được quảng bá rầm rộ, liên tục trong thời gian khá dài trên nhiều tờ báo viết, báo hình, báo điện tử. Dự án vẫn      được tiếp tục triển khai trong khu vực đồi Vọng Cảnh nhưng ở một vị trí khác, một phương án kiến trúc khác phù hợp với cảnh quan môi trường  và kiến trúc đặc thù của Huế.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Đông, Giám đốc Cty Du lịch Hương Giang, đối tác phía VN, cho biết, địa điểm mới của khu Life Resort Huế  sẽ là khu vực bến Than. Tức là dịch chuyển lên phía thượng nguồn. Đó là bến đò ở đầu làng Cư Chánh, phía Tây Nam của đồi Vọng Cảnh, đối diện với Điện Huệ Nam (Điện Hòn Chén) phía bên kia sông. Vì thế, chúng tôi thấy vẫn còn nhiều điều bất ổn, cần được trao đổi, xem xét.

1. Nguồn nước sinh hoạt của cả thành phố Huế vẫn bị ô nhiễm nếu như giải pháp xử lý nước thải vẫn như cũ –mỗi ngày có khoảng 56 m3 nước thải đổ ra sông Hương ở phía trên cửa lấy nước của nhà máy nước Vạn Niên. Nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn A (xả vào khu vực giao thông thủy, tắm và tưới, tiêu).

2. Sông Hương có còn duyên dáng như xưa, một thiên nhiên sông Hương với không gian lăng tẩm, chùa, tháp ? Từ đây sẽ dần dần hình     thành một sông Hương mới, một sông Hương đô thị hoá từ rừng đến biển. Bởi vì nhà đầu tư Hà Lan làm được dự án Vọng Cảnh thì nhà đầu tư khác cũng sẽ làm được những dự án tương tự. Vấn đề cộm lên trước mắt là tác động xấu đến việc đề nghị đưa sông Hương vào danh mục di sản thế giới vào năm 2006.

Với nhãn quan của một người đã từng làm quy hoạch Huế, tại cuộc tọa  đàm về dự án Vọng Cảnh, ngày 27-2-2005, KTS Nguyễn Trọng Huấn phát biểu rằng: Huế được cả nước quan tâm và “sườn đồi Vọng Cảnh”   có một ý nghĩa nào đó vượt ra ngoài địa giới hành chính của một tỉnh. Qua cuộc tranh luận này hé mở một hình bóng còn quan trọng hơn nhiều, đó là sông Hương, cho thấy sông Hương thực sự là một giá trị, mà nhất cử, nhất động liên quan đến nó cần được cân nhắc một cách nghiêm cẩn.

Tác giả bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì nói rằng: Sông Hương là Quốc gia chi bảo. Huế phải giữ sông Hương như giữ cho đất nước một viên ngọc quý nhất. Xây khách sạn, khu vui chơi ở trên đồi Vọng Cảnh có nhiều điều bất lợi, trong đó có việc làm khó cho sông Hương khi UNESCO xem xét đưa vào danh mục DSTG. ông đề nghị có một hội thảo riêng về quy hoạch sông Hương.

3. Huế còn chán chi chỗ mà xây khách sạn ở khu vực đồi Vọng Cảnh. Một việc làm trái với quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hoá và môi trường, cảnh quan khu vực tây nam   thành phố Huế của UBND tỉnh TT-Huế (ngày 11-10-1999). Quyết định này ghi rõ: “Khu cây xanh rừng phòng hộ, bảo vệ cảnh quan trên đồi núi xã Thuỷ An, Thuỷ Bằng, Thuỷ Biều và dọc phía bên kia sông Hương, gồm: đồi Thiên An, núi Thiên Thọ, đồi Vọng Cảnh, núi Kim Phụng. Tại   đây thực hiện các dự án trồng cây, giải toả mồ mả để khai thác phong cảnh đẹp, bảo vệ tiền án của các lăng”.

Trở lại vấn đề quy hoạch Huế, cũng theo KTS Nguyễn Trọng Huấn thì Huế cần phải làm quy hoạch Du lịch và cảnh quan; quy hoạch Bảo tồn và phát triển văn hoá để cho những công trình mới ăn nhập vào một toàn cảnh đã định hình. Nhất trí với quan điểm này, chúng tôi nghĩ rằng việc xây dựng khách sạn ở khu vực linh thiêng,nhạy cảm như Vọng Cảnh muốn xác định là đúng hay là sai, là hay hay là dở phải được đặt trong  chiến lược bảo vệ “Bài thơ đô thị Huế”.

Tại cuộc toạ đàm ngày 27-2, ý kiến của ông Trần Ngọc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiến trúc Quy hoạch (Bộ Xây dựng), được mọi người quan tâm. Tuy nhiên ông Chính mới chỉ phân tích những bất ổn về kỹ thuật của bản vẽ thiết kế 2 tổ hợp khách sạn và các công trình nằm trong dự án.   Đó mới là cái nhìn của một KTS công trình, chưa xuất hiện nhãn quan của nhà quy hoạch chiến lược. Muốn bảo vệ sông Hương, bảo vệ “Bài thơ đô thị Huế” một cách trọn vẹn thì phải tìm cho nó một lối mở.

Theo quan điểm của KTS Nguyễn Trọng Huấn là phải xây dựng một đại đô thị, một không gian đô thị mới, rộng rãi, khang trang, hiện đại. Đại đô thị ấy, ở phía Bắc ra đến cầu Mỹ Chánh, phía Nam đến đỉnh đèo Hải Vân, vùng nội thị mở rộng đến cửa biển Thuận An, đảm bảo không gian giãn nở của Huế một cách phóng khoáng và thuận lợi. Đó chính là cách  để lại dấu ấn của thời đại mới bên cạnh cố đô di sản văn hoá. Huế hiện tại chỉ cần xoá vết bụi thời gian, chỉ cần nạo vét Ngự Hà, Hộ thành hào, hệ thống hồ, chỉnh trang tôn tạo những công trình cũ là đã đẹp lắm rồi. Những công trình mới chỉ nên điểm xuyết, hài hoà.

MỚI - NÓNG