Vòng đêm

Vòng đêm
TP - Đêm. Tiếng dế, côn trùng kêu ri rỉ trong sự tĩnh mịch khiến âm thanh càng lanh lảnh, thảng thốt. Thỉnh thoảng, gió lột sột, loạt soạt lại càng làm chị thêm rờn rợn. Cố ngủ mà không được. Cứ nhắm mắt vào là chị lại tưởng tượng ra những hình ảnh khủng khiếp, kinh sợ.

Nhìn sang chồng đang ngủ ngon lành. Cứ mỗi lần xong chuyện ấy là anh lăn ra ngủ như chẳng cần biết ngày mai. Để mặc chị hết nằm lại ngồi mà thổn thức, lo sợ. Lần nào chị cũng hi vọng và tưởng tượng ra chín tháng mười ngày nữa. Vậy mà lần nào, những âm thanh, hay kể cả sự yên ắng quá đỗi cũng khiến chị nổi gai ốc.

Ngày lấy nhau, ai cũng bảo anh chị đẹp đôi. Hợp tuổi lại môn đăng hậu đối. Trước khi lấy anh, chị được cả nhà anh săm soi rất kỹ. Nhà anh rất mê tín nên xem tuổi tác, ngày giờ sinh của chị rất tỉ mỉ. Thấy chị có tướng phú quý, lại hợp tuổi; chị mạng hỏa, anh mạng kim, các cụ bảo hỏa sinh kim, như vậy chị sẽ là người vợ tốt, có bản mệnh phù chồng, anh sẽ dễ thăng tiến trong sự nghiệp. Vì thế cả nhà anh quý chị ra mặt. Dù có vài khuyết điểm thì vẫn được khen ngợi. Chị về nhà anh trong niềm hân hoan hạnh phúc. Có lẽ ít cô dâu mới về nhà chồng lại có được cảm giác thoải mái như chị. Chị luôn làm tròn bổn phận người vợ hiền dâu thảo. Chỉ có một điều mà một năm, rồi hai năm trôi qua, chị vẫn chưa làm tròn. Điều đó làm chị lo lắng. Điều đó cũng dần dần làm giảm đi sự yêu quý của gia đình chồng với chị. Có những nghi ngờ, thắc mắc: “Sao chúng nó vẫn chưa sinh con?” “Hay tại thằng Vu yếu sinh lý? Hay là tại vợ nó?...” Hàng xóm thì xì xào bàn tán: “Thằng Vu vớ phải cau điếc rồi”. “Vợ nó bị nú rồi”. “Chả phải. Vào tay ông xem”. “Chắc tại thằng Vu không biết phá đồn”. “Đúng đấy. Vào tay tao xem. Có mà sòn sòn. Hí hí”…

Đó là những lời luôn văng vẳng sau lưng mỗi lần chị đi qua đám dân trong xóm. Chồng chị còn bị trêu trọc trực tiếp; nào thì: “Vu ơi thuê không?”. “Vu ơi đến tao dạy! Cứ đưa vợ đến đây! khớ khớ!”. “Điếc thì bỏ đi. Lấy vợ khác”… Không biết bao nhiêu lời đàm tiếu, chọc ngoáy. Ban đầu thì anh cũng cười xòa cho qua, vì nghĩ chắc là chưa đến lúc. Nhưng lâu dần anh bắt đầu tức tối. Mỗi lần như thế, về nhà lại thấy anh lầm lì. Tối đến anh lại hùng hục như trâu húc bờ, như muốn cố gắng chứng tỏ mình đầy khả năng. Rồi anh lại lăn ra ngủ, chả cần biết chị có ngủ hay không.

Chị lại một mình trằn trọc trong đêm. Có lẽ chỉ có chị là hiểu. Nhưng chị phải làm gì đây? Tiếng chuột chạy ăn đêm cũng khiến chị giật mình. Tiếng mọt đục gỗ như đang cắn xé lòng chị.

Mẹ chồng đã tìm đủ mọi cách thuốc thang cho vợ chồng chị. Thuốc thang mãi chả được, mọi người bảo đi xem bói xem sao, có khi tại nợ duyên âm. Rồi bà đi xem bói. Chỗ thì bảo tại số chồng chị muộn con, thì cứ đợi. Chỗ lại bảo chạm phải cung sát tử, muốn có con phải làm lễ. Thì làm lễ. Đã làm lễ mấy lần, mấy thầy, tiền của cũng đã tốn mà cũng có được đâu. Lần nào chị cũng thấy bứt rứt. Càng làm lễ, chị lại càng cảm thấy mình có lỗi. Mới đây chả biết nghe ai mách, mẹ chồng chị lật bật chạy về bảo: “Tao mới biết một ông thầy này giỏi lắm”. Hai mẹ con lại đi xem, ông thầy bảo:

- Nghiệp chướng. Do ngày xưa ông cụ ngũ đại nhà này làm chuyện thất đức nên giờ con cháu phải chịu.

- Nhà con bốn đời bần nông, thấp cổ bé họng thì làm được gì thất đức? - mẹ chồng chị bảo.

- Bà xem lại đi, rõ ràng tôi thấy có đây này.

Bà suy nghĩ một lát rồi vâng vâng, ngày xưa cụ ấy có đi ở nhà địa chủ một thời gian. Sau cải cách thì về. Chắc có lẽ hồi ấy phải làm theo lệnh nhà địa chủ.

- Đấy! Đã bảo. Bà lại còn định thử tôi - thầy bói nói.

- Vâng! Thế bây giờ phải làm sao? Trăm sự nhờ thầy giúp ạ!

- Thì làm lễ. Về chuẩn bị đi! Hôm nào thầy đến làm lễ là xong.

Ngựa, voi, hình nhân và rất nhiều thứ vàng mã khác mà chị cũng chả biết nó là gì. Nhà chị chỉ việc đưa tiền và mua một ít lễ chay, còn lại thầy lo tất. Tiếng đàn, tiếng nhị, trống, sáo nổi lên điệu hát văn nhảy đồng. Cả anh và chị đều phải đội tấm khăn đỏ trùm kín mặt vào ngồi đội lễ, làm theo chỉ dẫn của thầy. Chị ngồi nghe tiếng nhạc cùng với mùi khói hương quện lại mà sởn gai ốc. Chị chỉ biết nhắm mắt vào mà cầu nguyện, cầu nguyện để quên đi, át đi những cảm giác rùng rợn. Lễ xong, chị vã mồ hôi. Ông thầy bảo: thế là âm khí thoát ra đấy, có thấy nhẹ người không? Chị chỉ thấy ngột ngạt, nóng bức, hay có lẽ cả vì sợ mà toát mồ hôi. Chị gật đầu như theo bản năng. Chị cũng hi vọng. Chả biết thế có được hay không nhưng chị và cả gia đình cũng cứ hi vọng. Dù sao chị cũng thấy tư tưởng thoải mái, nhẹ nhõm được phần nào.

Mẹ đẻ cũng rất lo lắng, cũng tìm đủ cách cho con. Lần này chị về nhà chơi, mẹ chị bảo:

- Thế nào? Lần này liệu được không?

- Thầy bảo sẽ được. Con chả biết.

- Sao hai đứa không đi khám xem. Chắc gì đã tại âm tà?

- Bọn con vẫn sinh hoạt bình thường, sao phải khám!

- Ai mà biết. Cứ khám xem sao?

Chị chỉ ậm ờ. Chị bảo cả hai đều bận bịu, đang mải lo sự nghiệp nên cũng chưa muốn có con sớm. Mà chồng chị cũng luôn tin tại cái số mình muộn con. Nhất là từ sau khi lấy chị, được thăng chức, anh lại càng tin vào số mệnh. Chỉ khi bị trêu tức, anh lại về làm chuyện ấy một cách hùng hục như để tự chứng tỏ mình chẳng có vấn đề gì. Chỉ có chị là lại buồn, lại lo lắng. Nói là chưa muốn có con chỉ là cái cớ. Chứ thực ra chị có dùng biện pháp tránh thai bao giờ. Thời gian càng trôi đi, chị càng thấy sợ hơn là lo lắng. Sự im lặng của chồng cũng làm chị sợ. Anh đâu phải người nhu nhược. Chỉ là anh không nói thôi. Chị biết. Thế nên mỗi lần anh cứ hùng hục là chị lại sợ, lại thấy mình có lỗi. Phải làm gì? Chị sẽ làm được gì?

Đêm. Cái không gian mịt mùng, đánh đồng mọi thứ xám xịt, đen thui, đánh đồng chị như tất cả những đồ vật vô tri; Cái cột, cái giường hay những con gián, con chuột cũng chỉ một màu nhuốc đen như một. Chị chợt nhận ra đêm tối thật tài tình; nó biến những giá trị của ban ngày thành ra vô nghĩa. Cái bàn, cái tủ ở ban ngày đẹp là thế. Những bông hoa dưới ánh sáng với đủ màu sắc sặc sỡ, quyến rũ là thế. Vậy mà đêm… nó khiến chị thấy mình vừa như những đồ vật vô tri, lại vừa như những con chuột chuyên chui lủi. Đêm như một mụ phù thủy độc ác. Mụ biến cái đẹp đẽ thành xấu xí. Mụ biến người thành vật. Những ai ở ban ngày trông đường vệ, oai phong, đẹp đẽ, duyên dáng. Nhưng khi đã ở trong đêm tối, sống trong màu hóa trang đen đúa ấy thì đều giống nhau và càng khó nhận ra khi những giá trị kia bị mất. Đơn giản như người nằm cạnh chị đây, giả sử nếu là một người khác, thì chị cũng chẳng thể định dạng trong đêm. Thật buồn cười. Trong đêm đã đành, mà kể cả ban ngày cũng có giúp cho dễ nhận ra nhau đâu. Chính trong ban ngày mà chị còn bị nhầm nữa là. Hay tại chị không sáng suốt? Có lẽ do người ta quá tài tình, giống như loài tắc kè biến màu, có thể thay đổi màu sắc theo môi trường xung quanh để lẩn trốn. Chị thấy cái gì cũng thật hư ảo, khó nhận biết. Càng nghĩ, chị càng thấy buồn cho số phận, cho bản thân mình…

* *

*

Chị còn nhớ hôm dẫn một chàng trai về xóm trọ, ai cũng trầm trồ, dò hỏi: “Chồng đấy à? Đẹp trai nhỉ?”, “Học mỹ thuật à? Nghệ sĩ có khác”. “Đẹp đôi nhỉ”. Chị chỉ mỉm cười thẹn thùng. Cả một thời gian sau, chị luôn được nghe những lời tán tụng: “Anh ấy tâm lý thế, sướng nhất mày!”. “Được người chồng như thế thì còn gì bằng”. “Hào hoa như thế. Tao cũng thèm”. “Cố mà giữ nhé! Không cứ đẻ đứa cho chắc”. Chị thật tự hào, thấy mình may mắn, hạnh phúc. Lại càng hạnh phúc khi thấy có một thiên thần bé nhỏ đang lớn lên trong mình. Chị vui mừng báo cho anh:

- Chúng mình sắp có con. Hạnh phúc không anh?

- Cái gì? Em có đùa không đấy? - anh có vẻ bất ngờ.

- Ba tháng rồi anh ạ. Chính em cũng không ngờ.

- Trời ơi! Sao có thai mà không biết à? Phải tính sao đây? - anh có vẻ hốt hoảng.

- Mình sẽ cưới và sinh con. Anh không thích à?

- Trời ơi! Hai năm nữa anh mới ra trường. Em mới bắt đầu năm cuối. Đẻ con thì học sao được? Em không định liên thông lên đại học à???...

Không! Không! Chị không muốn nhớ đến thời gian ấy nữa, vậy mà nó cứ ám ảnh trong tâm trí chị như những bóng ma. Thật không ngờ. Chị quá ngây thơ, cả tin, đã bị vẻ bề ngoài đánh lừa, mù quáng bởi những lời tâng bốc. Không cả tin sao được khi chị chỉ là một cô gái quê chân chất lên thành phố học, cái gì cũng thấy lạ lẫm, choáng ngợp trước cách chơi phong lưu, hào hoa của các chàng trai thành phố. Chị đã quá tin anh. Chính cái cách gọi vợ vợ chồng chồng của các bạn với các đôi yêu nhau khiến chị thấy thinh thích, lại càng tin tưởng. Vậy mà… “Hắn bùng rồi à? Biết ngay mà”. “Ôi giời! kiếm thằng khác. Sao phải buồn”. Bà chủ nhà trọ thì thở dài: “Các cô các cậu bây giờ tân tiến quá. Yêu thử, sống thử cứ như thật. Rút cục tao chỉ thấy phá thai với chia tay. Chả biết những đôi ấy rồi có hạnh phúc được không?”.

Ừ! Mình sẽ ra sao đây? Anh ta trút bỏ trách nhiệm. Anh ta bảo mình ngu, con gái sao không biết giữ thân, để có thai không biết. Ừ! Mình ngu! Cứ nghĩ mốt bây giờ là ăn cơm trước kẻng. Bạn bè mình đứa nào lấy chồng mà chả chửa trước. Cứ nghĩ hắn sẽ cưới nên… Hắn bảo mình phá thai. Phá ư? Thật thất đức. Sao người ta phá thai một cách dễ dàng? Nhưng để ư? Đang đi học mà có một đứa con hoang. Sẽ phải nói thế nào với gia đình, lại còn điều tiếng với dân làng. Có mà đeo mo vào mặt. Còn tương lai, tương lai sẽ ra sao? Sẽ chẳng ai dám lấy mình.

Chị đã phải dằn vặt rất nhiều đêm trong sự cô đơn đau khổ. Đã có lúc chị nghĩ đến cái chết. Nhưng chị nghĩ chết như thế là sự chạy trốn bỉ ổi nhất. Chết như thế, tội còn nặng hơn gấp nhiều lần. Cuối cùng, để có được công việc và gia đình như ngày hôm nay, chị đành phải cắn răng, lén lút đến một phòng khám tư nhân phá thai. Chị biết nó là bé gái, bởi bà bác sĩ có nói: “Con gái, khổ! Lại một kiếp con gái bị chối bỏ”. Lúc đó chị chỉ biết khóc.

Và bây giờ, nằm trên giường với chồng, chị cũng chỉ biết khóc. Nhất là mỗi lần hai người làm xong chuyện ấy. Và nhất là… mãi vẫn chẳng hề có con.

Đêm. Dù cho ban ngày chị cố gắng làm việc bận rộn để không bị những ám ảnh, dằn vặt dày vò mình thì đêm, cái thứ đêm như phép màu gợi nhớ, có thể đêm với mọi người là nghỉ ngơi, là tạm quên đi những lo lắng hàng ngày để ngủ. Còn chị thì chỉ thấy cái thứ đêm dã man độc ác. Tiếng mèo ngoao ngoao gọi bạn tình, thỉnh thoảng lại có tiếng nghoéo thất thanh khiến chị giật mình đến thót tim. Nó gợi nhớ lúc cái thai vừa bị cho ra ngoài cơ thể, cảm giác như cái gì đó phựt đứt. Kết quả của niềm tin tình yêu đó ư? Chị đau đớn xót xa khi thấy mình vừa đánh mất đi không chỉ một đứa trẻ. Cái tiếng kêu như tiếng trẻ con khóc trong đêm ấy sao mà ai oán, não nùng. Tiếng mèo gọi bạn tình hay tiếng trẻ con khóc hờn mẹ? Chị hết sơn gai ốc đến toát mồ hôi vì sợ. Bóng trăng mờ ảo hắt thứ ánh sáng yếu ớt qua khe cửa, lúc mờ lúc rạng như một trò ma quái càng làm chị hãi hùng. Có lần, một con đom đóm lạc vào cứ lập lòe lập lòe tạo lên những hình ảnh mập mờ, chập chờn như ma quái. Nếu không kìm chế được có lẽ chị đã hét lên trong đêm vắng, chị chỉ ngủ được khi nỗi sợ hãi làm chị quá mệt mà thiếp đi, hoặc nếu không chị lại dùng thuốc an thần.

Chẳng thể kéo dài mãi thế này được. Chị nghe người ta nói nhiều về người âm, về cả cuộc sống… vất vưởng của những sinh linh bị bỏ rơi, nhất là những sinh linh chưa thành hình hài, những sinh linh bị bỏ đi một cách phũ phàng. Chị biết, không phải ai cũng dễ dàng bỏ đi, nhưng cũng có cả tá lí do biện hộ. Đâu đó vẫn có người vứt bỏ đứa con khi mới chào đời, thậm chí bỏ cả trong thùng rác thì việc bỏ một sinh linh trong bụng cũng chả phải là khó với họ. Than ôi! Ngay bản thân chị đây….

* *

*

Chị lập bát hương thờ cúng đứa trẻ như để sám hối. Rồi chị có con vì đã được phù hộ… Đó là những ý nghĩ cứ ám ảnh mãi, khi tôi không muốn kể thêm về những đêm dài của chị nữa. Không biết có phải do tôi vừa được nghe những lời của nhà ngoại cảm về những sinh linh như những cục thịt bám chi chít vào cây đa mà những ý nghĩ ấy xuất hiện không? Nhưng ngay cả việc ngoại cảm cũng còn là bí ẩn. Thì thôi. Có lẽ tôi cũng chả nên cố giải thích gì nữa. Đêm đã khuya lắm rồi.

Vòng đêm ảnh 1
Một lần, Trần Đức Hiển nói với tôi: “Tôi viết khi tôi cảm thấy bất lực trước những mảnh đời nhỏ bé bất hạnh xung quanh. Và để giải thoát chính những day dứt ấy... tôi viết”.

Trong truyện ngắn “Vòng đêm” dưới đây, những day dứt của tác giả dường như không thể giải thoát, và anh đã phải tự giải thoát bằng một cái kết giả định một điều tươi sáng. Nhưng chính điều này lại làm cho câu chuyện càng chìm sâu vào bức bối. Những bức bối thân phận chìm sâu trong bối cảnh nông thôn, hoặc mới thoát ra từ môi trường vốn nhiều tù đọng ấy. Trong kiểu tồn tại sống này, người phụ nữ khổ sở hơn tất thảy. Trần Đức Hiển chỉ việc viết ra, và tự nhiên truyện ngắn có bóng dáng nữ quyền.

Trần Đức Hiển sinh năm 1982, đang học viết văn tại khoa Sáng tác- Lí luận- phê bình văn học (ĐH Văn Hóa Hà Nội).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG