Vòng vo đối thoại với nghệ sỹ Hãng phim truyện 3 tiếng đồng hồ

TPO - Cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Tổng công ty Vận tải thuỷ và nghệ sỹ, cán bộ công nhân viên Hãng phim truyện Việt Nam kéo dài hơn 3 tiếng chiều 19/9, kết thúc trong hoang mang vì nhiều mâu thuẫn chưa được giải quyết.

Trước khi ông Nguyễn Thuỷ Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Vận tải thuỷ chủ trì cuộc họp, ông Nguyễn Danh Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Đầu tư và Phát triển Hãng phim truyện Việt Nam không thể đối thoại được với nghệ sỹ do bất đồng cách làm và điều hành. Nghệ sỹ muốn trực tiếp nghe ông Thuỷ Nguyên giải đáp thắc mắc.

Thực tế lá thư ngỏ hồi tháng 5 của ông Nguyên nhận được sự đồng tình của nghệ sỹ, tuy nhiên sau hai tháng cổ phần, họ thất vọng và cho rằng phía Vận tải thuỷ phá vỡ cam kết ban đầu về tiền lương, cam kết tạo công ăn việc làm cho hãng phim.

Mấy vấn đề được quan tâm nhất nêu lên trong cuộc họp với nhiều lượt hỏi đáp giữa nghệ sỹ và nhà đầu tư nhưng chưa được giải đáp thoả đáng.

Thứ nhất, nghệ sỹ thắc mắc về tiền lương trả không theo nguyên tắc, căn cứ nào. Ông Nguyễn Thuỷ Nguyên cho rằng nguyên tắc “có làm có hưởng”. Có lúc ông Nguyên nói “chỉ cần nghệ sỹ tới hãng ngồi chúng tôi sẽ trả lương, chúng tôi không thiếu tiền”. Tuy nhiên, sau này ông Nguyên khẳng định không có chuyện lên ngồi không. Nghệ sỹ chưa thoả mãn về giải đáp này.

Thứ hai, quanh việc dọn dẹp kho đạo cụ, ông Nguyễn Thuỷ Nguyên cho rằng để sửa sang lại dãy nhà phía trước, sau  này mở rộng sản xuất, xây rạp. Tuy nhiên, khi đạo diễn Nguyễn Đức Việt bức xúc về việc đạo cụ quý rơi vào tay đồng nát, ông Nguyên lại gay gắt cho rằng đạo diễn sai khi giữ lại tài sản của hãng. Đạo diễn Đức Việt nói rõ, chiếc mũ lính Mỹ và bidon nhặt được từ hàng đồng nát, anh giữ lại lau chùi sạch sẽ và giữ lại cho hãng.

 

Xung quanh bức xúc việc làm, đạo diễn và diễn viên Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng nghệ sỹ ủng hộ  cổ phần hoá, nhưng hiện nay Hội đồng quản trị mới “xúc phạm” nghệ sỹ, phân đạo diễn đi làm thư ký, trợ lý cho đạo diễn khác. Hãng có 10 đạo diễn nhưng mỗi năm công ty đặt ra mục tiêu sản xuất hai phim, số còn lại không có việc làm. “Chúng tôi muốn có công việc”, Nguyễn Quốc Tuấn nói.

Nghệ sỹ hơn một lần hỏi vặn ông Nguyễn Thuỷ Nguyên cơ chế tìm công việc, ông Nguyên cho rằng tất cả phải chung tay tìm việc. Ông Nguyên nói bây giờ hãng không nề hà việc gì, từ viết kịch bản thuê cho dòng họ, quay phim cho xã huyện trở đi. 

 

Chiến lược lâu dài của Tổng công ty vận tải thuỷ nghe rất to tát như xây dựng rạp phim, mời đạo diễn nước ngoài làm phim, nhưng họ chưa đưa ra giải pháp cụ thể thoả mãn thắc mắc của nghệ sỹ trước mắt về tiền lương và công việc. Thậm chí khi được hỏi khi mua hãng phim họ nhìn thấy tiềm năng gì ở hãng phim, ông Nguyên từ chối trả lời cho rằng đó là “bí mật”. 

 

"Chúng tôi kinh doanh rất nhiều lĩnh vực, mà phim ảnh cũng là một chuyện. Bây giờ chúng ta đang rất khó về điện ảnh, ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, các phim đặt hàng gần như không có, cạnh tranh thị trường thì phim nước ngoài rất nhiều. Phim của chúng ta là mạnh về chiến tranh, chúng ta có rất nhiều thiết bị chiến tranh, cái này bây giờ có ai đóng đâu, mà đóng cũng ít người xem. Tôi cũng đang cố gắng ví dụ treo biển trong đó kể cả cho thuê mũ, các thứ từ cái xe đạp cũ, cái áo rách… cố gắng kiếm vượt cạn, chứ cứ nói sống chết vì điện ảnh thì không được", Ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT Tổng cty Vận tải thủy phát biểu.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.