Vũ Châu Phối - nhà thơ chân quê

Vũ Châu Phối - nhà thơ chân quê
TP - Chiều hè nắng gắt. Không một làn gió... Ông họa sĩ ngồi phòng bên nheo mắt nhìn tôi, nửa  nhắc nhở, nửa rủ rê: “Nghe như đã mấy lần ông rắng lên thăm Vũ Châu Phối, mà sao cứ lần lữa mãi thế?”.
Vũ Châu Phối - nhà thơ chân quê ảnh 1
Nhà thơ Vũ Châu Phối

Tôi liền bắt tay, cám ơn ông rồi cùng dông xe thẳng lên tư gia của Vũ Châu Phối - Một nhà thơ mà cả hai chúng tôi đều yêu quí, trân trọng từ rất lâu rồi.

Làng Cam Lộ - Quê hương của Vũ Châu Phối ngày xưa đẹp như bức tranh thủy mạc, bây giờ cũng đã lên phố, thành phường rồi.

Nhưng còn may là xen giữa những ngôi biệt thự xây cất cầu kỳ... đây đó vẫn còn những thẻo đất sót lại một vài khóm tre, vạt chuối, cây mít, rặng cau nên nơi ông Phối cư ngụ, gió máy, khí trời vẫn còn trong lành thoáng đãng, dễ thở hơn trong trung tâm thành phố nhiều lắm.  

Đến đầu ngõ rẽ vào nhà Vũ Châu Phối tôi nhường ông hoạ sĩ đi trước. Còn tôi, làm ngay việc chụp hình và khảo sát “Quán mơ” của Vũ Châu Phối.

…Nom cái công trình “Quán mơ” giống chỗ người nhà quê thường để mắm, chứa củi, hay nơi nhốt gà hơn là một ngôi quán dùng để làm dịch vụ bán hàng.

Vậy mà một thời gian dài cả chục năm, chiều xuống thì Vũ Châu Phối hai tay chống hai chiếc nạng gỗ mòn cũ bóng ghét mồ hôi, khó nhọc dịch chuyển mình ra đầu ngõ rồi men vào ngồi trong cái quán bé tẹo ấy bán vé số - “Bán mơ giàu” cho dân làng, kiếm thêm chút tiền hoa hồng phụ với vợ nuôi hai con gái ăn học.

Tôi hiểu Vũ Châu Phối, lòng anh đâu có hẹp... Quy cho cùng cũng chỉ vì anh nghèo quá.

Chị Dung, vợ yêu của Vũ Châu Phối  là một người đàn bà tần tảo, đảm đang nhưng một mình chị không thể chạy đủ gạo ăn, tiền tiêu cho một gia đình năm miệng ăn gồm mẹ chồng già yếu, chồng và hai con gái nhỏ.

Bản thân Vũ Châu Phối thì tàn tật không có nghề ngỗng độc chiêu nào có thể hái ra tiền. Chỉ có Thơ thôi, mà Thơ thì chẳng thấy ai hỏi mua cả, thành ra...

Lại nhớ về ngày xưa. Ngót bốn mươi năm trước, vào một đêm mưa rả rích trên căn cứ miền tây Thừa Thiên - Huế. Đêm ấy không có máy bay địch đi soi tìm quân ta. Không nghe tiếng đề pa, tiếng rú rít, tiếng nổ chói óc, nhức tai của đạn pháo từ các trận địa địch bắn cầm canh lên căn cứ tiền duyên.

Đúng cái đêm khuya vắng lặng ấy tôi cùng mấy người đồng đội ngồi vây quanh chiếc Ra - đi - ô chiến lợi phẩm lắng nghe chương trình Tiếng thơ của Đài tiếng nói Việt Nam.

Chương trình Tiếng thơ khuya đó phát đi bài thơ Ngõ Quê của tác giả Vũ Châu Phối: “Lối ngõ đi chung/Tôi đi biết bao lần/Bước chậm khi lên năm /Bước nhanh khi lên tám/Chưa bao giờ thấy bàn chân bịn rịn/Và ngập ngừng như buổi hôm nay/ Phút lên đường với lối ngõ chia tay

...

Tôi yêu ngõ quê/ Mùa hạ ve kêu như tiếng kèn vang vọng/ Bông giềng vườn hé ủ một trưa say/ Và những tiếng chim kêu/ Quệt chiều xanh vào chùm lá động/ Tôi yêu ngõ quê/ Những chiêm mùa đi về đẫy hạt/ Những buổi mưa rào che tơi nón cho nhau/ Những xích mích thêm nặng tình làng xóm...

Lối ngõ quê nhà tôi đã lớn lên/ Đi giết giặc, ngõ bỗng yêu đến thế/Nhìn suốt ngõ sâu(như tấm lòng người mẹ)/ Ngõ đi vào lòng xóm sân nhà/ Quê hương từ nơi này tình nghĩa sâu xa...

Là một trai làng sinh ra lớn lên trên đất Bắc, những câu thơ mộc mạc đằm thắm giản dị qua giọng ngâm truyền cảm, ngân lắng, thanh ngọt đến nao lòng của người nghệ sĩ lan trôi giữa rừng vắng khiến cánh lính chúng tôi bồi hồi nỗi nhớ quê hương.

...Có phải là cơ duyên không nhỉ? Hay đó chỉ là một ngẫu nhiên cuộc đời mà tôi và tác giả Ngõ quê sau chiến tranh hai năm, thật không thể ngờ chúng tôi lại cùng về sống và làm việc ở một thị trấn nhỏ ngoại thành Hải Phòng.

Vũ Châu Phối ngày đó đã tốt nghiệp Trường viết văn Quảng Bá khóa VI, nhưng vì bị bệnh bại liệt từ nhỏ, sức khỏe rất yếu nên anh không thể kiếm được một việc làm ở cơ quan nhà nước. Anh đành thuê một căn phòng nhỏ ngồi  vẽ truyền thần kiếm sống.

Khi thân quí nhau rồi,  một ngày giữa thu Vũ Châu Phối tặng tôi tập thơ mới in của anh. Đó là tập thơ gom các sáng tác của Vũ Châu Phối từ ngày anh cầm bút.

Tôi thực sự choáng ngợp, mê đắm, và cả thán phục tài thơ tinh diệu của anh. Vũ Châu Phối không chỉ có chùm thơ ba bài: Ngõ quê; Ruộng; Hương cỏ dành giải Ba cuộc thi Thơ Báo Văn Nghệ năm 1969. Mà trong tập thơ Mùa đến anh tặng tôi còn rất nhiều bài thơ khác mê hoặc tôi...

Tính đã ba mươi năm trời nay thân quí nhau, không nhớ Vũ Châu Phối và tôi đã có bao nhiêu  cuộc chuyện trò.

Nhưng phải mãi đến buổi chiều  mùa hè năm 2007 này nhờ trời nóng, mất điện và cả rủ rê ngẫu hứng của ông  hoạ sĩ đi tìm cơn gió mát nơi nhà Vũ Châu Phối, tôi mới tỏ tường phận số hẩm hiu đời anh...

Vũ Châu Phối sinh ngày 16 tháng 6 năm 1947 trong một gian chuồng trâu của một gia đình tốt bụng nơi bố mẹ tản cư làng Nam Tạ, huyện Vĩnh Bảo ngày thực dân Pháp đánh chiếm Hải Phòng.

Khi anh khoảng bốn, năm tuổi, đã miệng ăn chân chạy thì một cơn sốt định mệnh ập đến biến anh thành một đứa trẻ tật nguyền vì chứng bại liệt.

Bố mẹ anh tuy nghèo nhưng bằng mọi cách chăm chút, bù đắp cho đứa con bệnh tật là gửi anh đến trường học chữ cho bằng chúng bạn, hòng mai ngày may ra có thể tự nuôi thân.

Và, Vũ Châu Phối đã không phụ lòng bậc sinh thành, anh học một lèo hết cấp ba. Ngày đang học ở trường cấp ba anh đã làm thơ đăng báo và mơ ước được vào học Trường Đại học Tổng hợp Văn.

Nhưng chiến tranh phá hoại lan ra miền Bắc, các trường đại học lúc bấy giờ phải sơ tán vào trong rừng sâu nên Vũ Châu Phối đành gác ước mơ vào đại học của mình.

Rồi nàng thơ đến rủ rê anh. Bấy giờ Vũ Châu Phối đã là một chàng trai trưởng thành nên cái duyên thơ kia nồng bén lắm. Mà hạnh phúc nhất là những bài thơ của anh những tháng năm ấy được các nhà thơ cùng thế hệ và rất nhiều người yêu thơ nồng nhiệt cổ vũ, chia sẻ.

Vũ Châu Phối kể ngày anh lên nhân giải cuộc thi thơ của báo Văn nghệ, được gặp và được ngồi cùng ăn tiệc với nhà thơ Xuân Diệu.

Trong bữa Vũ Châu Phối có hỏi nhà thơ: Thưa bác, bây giờ phải ăn món nào trước ạ? Xuân Diệu bảo: “Cậu thật thà thế làm thơ được đấy”.

Còn nhà thơ Chế Lan Viên thì bảo: “Hơi tiếc cho Vũ Châu Phối là Tiếng gà in trước mất rồi, nếu in cùng trong chùm thơ vừa trao giải, chắc mức giải sẽ cao hơn”.

Cũng trong bữa ấy nhà thơ Tế Hanh vỗ vai Vũ Châu Phối bảo: “Thơ Phối ý giàu hơn lời, được lắm”.

Còn tôi, người viết bài này, một tối ngồi cùng với Trần Đăng Khoa  ở Hội Văn nghệ Hải Phòng dự cuộc giao lưu thơ. Tối ấy, một nghệ sĩ có ngâm một bài thơ của Vũ Châu Phối, tôi không nhớ đó là bài thơ nào. Sau khi nghe xong Trần Đăng Khoa quay sang nói với tôi: “Thơ ông Phối tài và tinh đến thế là cùng”.

Giữa mùa hè năm Đinh Hợi 2007 này Vũ Châu Phối vừa tròn tuổi lục tuần. Mừng cho anh vẫn còn khỏe ngồi trông nhà cho vợ con đi làm. Anh khoe với tôi rằng đời sống gia đình anh đã dễ thở hơn trước.

Anh không còn phải bò xoài đóng than tổ ong cho vợ chở đi bán quanh làng nữa. Chiều đến không phải men vào ngồi trong cái “Quán mơ” để bán “Mơ hy vọng đổi đời” cho dân làng Cam Lộ nữa.

Vợ anh, chị Trần Thị Dung - Một cô đào chèo làng ngày xưa vì mê thơ Vũ Châu Phối mà nguyện làm bạn đời với anh. Chị sinh cho anh hai con gái: cháu Vũ Hòa Nhi và Vũ Trúc Đường rất chăm ngoan hiếu thuận và yêu kính bố mẹ.

Chị Dung đã có việc làm ổn định. Hai cháu Hòa Nhi và Trúc Đường cũng đã có nghề nghiệp và một cháu đã lấy chồng sinh con.

Vũ Châu Phối vui vẻ khoe với tôi và ông bạn họa sĩ những buồn vui đời anh. Không hiểu sao lúc ấy tôi lại vô duyên hỏi: “Còn anh hàng tháng có chút  tiền bạc nào không?”. Vũ Châu Phối ớ ra: “Mình thì có khoản tiền gì đâu”. Tôi bảo: “Tiền trợ cấp người tàn tật ấy”. Anh lắc đầu quầy quậy: “Làm gì có, làm gì có”.

Đến lúc này thì chính tôi lại ngạc nhiên, tại sao người bại liệt tuổi đã cao như Vũ Châu Phối lại không có trợ cấp nhỉ. Chẳng lẽ ở nơi anh sống không có tổ chức, người nào lo việc ấy.

Còn Vũ Châu Phối - Nhà thơ của đồng quê, làng quê của chúng ta thì chẳng thấy anh xao xuyến, bận tâm gì đến điều tôi vừa hỏi. Vũ Châu Phối chiêu một ngụm nước rồi lại tiếp tục khoe: Năm 2005 anh vừa đoạt cái giải cuộc thi thơ viết về Bác Hồ trên báo Văn Nghệ.

Trời đã xâm xẩm, tôi với ông họa sĩ nhổm người khỏi chiếu toan đứng dậy xin cáo từ Vũ Châu Phối ra về. Vũ Châu Phối vội vẫy tay ra hiệu hãy ngồi xuống nghe anh đọc bài thơ viết tặng cháu ngoại in trên tạp chí Cửa Biển của Hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng số tết,  xuân Đinh Hợi.

Chập chững chập chững chập chững/Cháu đang đi về phía ông/Bi bô chập chững cháu ngã/Ngỏm dậy cháu đi như thể/Không gì cản bước cháu đi/Ông ngồi đếm chân cháu nhún/Ngả ngiêng bên nọ bên kia.../Đưa tay nào, ông đỡ cháu/Cả nhà vui nén đợi chờ/Dường như chân ai cũng ngượng/Bước dò bước dẫm tập đi...

Không giấu nổi niềm thương yêu sung sướng của mình với đứa cháu mới tập đi những bước đầu tiên, Vũ Châu Phối thốt lên thật hồn nhiên: “Cháu để ông lặng, bất ngờ/Chùi tay giấu ngang giọt lệ/Cho ông nỗi niềm trần thế/Cho ông say buổi đẹp trời...”

Cầu chúc cho nhà thơ Vũ Châu Phối hãy luôn mạnh khỏe để làm thơ. Vui vầy với vợ con và cháu ngoại. Hẹn gặp anh vào một ngày đẹp trời, chúng tôi lại về làng Lộ nghe anh đọc thơ và chuyện gẫu.

Kiến An, một ngày cuối thu 2007

MỚI - NÓNG