Vụ đạo sách 'Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới': Kết được chưa?

NSNA Trần Mạnh Thường: “5 chục năm tôi chưa trở lại Đức nên không thể nói tôi dịch sách Đức. Và tôi làm xuất bản hơn 4 chục năm nên không lạ gì chuyện bản quyền”. Ảnh: Lưu Quang Phổ.
NSNA Trần Mạnh Thường: “5 chục năm tôi chưa trở lại Đức nên không thể nói tôi dịch sách Đức. Và tôi làm xuất bản hơn 4 chục năm nên không lạ gì chuyện bản quyền”. Ảnh: Lưu Quang Phổ.
TP - Tác giả cuốn “Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới” lần đầu tiên thừa nhận cuốn sách của mình là biên soạn chứ không phải sáng tác. Vụ việc lùm xùm hơn ba năm qua đang có cơ đi đến hồi kết. Lại một giải thưởng bị thu hồi vì đạo văn?

Chuyện nhỏ ở Hội NSNA Việt Nam

Ngày 26/10 tại trụ sở Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam, 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, diễn ra một hội nghị nhằm giải quyết lùm xùm quanh cuốn sách Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới đứng tên tác giả Trần Mạnh Thường.

Lại phải điểm sơ vụ việc từng được báo Tiền Phong phản ánh trong 4 số báo hồi tháng 8:

Tháng 3 năm nay, một hội viên Hội NSNA Việt Nam bị khai trừ vì đạo ảnh. Nhân dịp này, NSNA Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam đặt vấn đề với Chủ tịch Hội đương nhiệm, trước đông đảo hội viên: Đạo ảnh bị xử lý nghiêm, thế còn đạo văn, đạo sách ảnh thì sao?

Số là: Cuốn Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới của Trần Mạnh Thường in lần đầu năm 1999 với sự tài trợ của Hội, chục năm sau in lại ngắn gọn hơn nhưng thực chất là một, đến năm 2012 đoạt giải B quốc gia “tác phẩm xuất sắc về lý luận phê bình” của Hội NSNA Việt Nam, xét cho tác phẩm dự giải 2011. Trước và sau khi tác phẩm được trao giải, ông Chu Chí Thành đã phát giác với Hội, cuốn này không phải công trình sáng tạo mà thực chất là biên dịch, lấy toàn bộ nội dung và ảnh của Lịch sử Nhiếp ảnh (Geschichte der Photographie)- tác giả Beaumont Newhall, NXB Chirmer/Mosel, CHLB Đức ấn hành lần đầu năm 1982.

Hơn ba năm chìm xuồng, vụ việc được khới lại bởi không chỉ Chu Chí Thành- một tên tuổi của giới nhiếp ảnh, mà một số hội viên cũng chính thức lên tiếng trên báo Tiền Phong (8/2015) muốn Hội NSNA làm cho ra nhẽ, tránh điều tiếng trong giới.

Ba tiếng đồng hồ, cuộc hội đàm sáng 26/10 khá gay gắt dù một số hội viên trong đó có Chủ tịch Hội, cả luật sư (được Hội thuê tư vấn) đều có ý cho rằng đây là sự việc nhỏ, bên tố và bên bị tố đạo văn nên giảng hòa mà bỏ quá cho nhau mới phải!

Sau lời mào đầu tuyên bố lý do của Chủ tịch Hội Vũ Quốc Khánh khẳng định cuốn sách của Trần Mạnh Thường dù thế nào cũng rất bổ ích cho hội viên, NSNA Chu Chí Thành bác lại khi ông Khánh có ý cho rằng việc này là việc riêng của hai ông Thành- Thường: “Anh đừng đá sang chuyện cá nhân. Việc này là việc của Hội đối với anh Thường, của người trao giải với người đạo văn. Tôi không bị xâm phạm quyền lợi gì để mà kiện ai ở đây. Nhưng tôi biết tiếng Đức và khi có người thông tin, tôi kiểm tra, phát hiện sự thật nên mới đề nghị làm rõ”.

Với công ty luật Bảo Ngọc được Hội thuê, ông Thành đặt câu hỏi: “Các bạn đã xem cuốn sách bản tiếng Đức và tiếng Việt chưa? Muốn hướng dẫn chúng tôi thì phải xem qua nó là cái gì đã. Và cho biết thế nào là tác phẩm dịch? Biên soạn? Sáng tạo? Hội chỉ trao giải sáng tạo không cho dịch, mà đây chính là tác phẩm dịch”.

Hội viên Nguyễn Đình Vinh phàn nàn: Ông Thường đã bảo ông ấy không đạo văn mà cứ phải tổ chức cuộc này là thế nào, định đè ông ấy ra kiểm điểm kỷ luật điều tra, mất tiền của Hội, mất thời gian của anh em, vô lý quá!

Luật sư Trần Đăng Minh, công ty Bảo Ngọc tư vấn: Cuốn sách của ông Thường in năm 1999, vậy phải xét hành vi của ông từ năm 1999 trở về trước. Mà mãi năm 2004 chúng ta mới tham gia Công ước Bern về sở hữu trí tuệ. Còn nếu áp dụng Bộ luật Dân sự năm 1995 thì người dịch cũng được coi là tác giả, cho nên ông Thường hoàn toàn không vi phạm gì.

Vụ đạo sách 'Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới': Kết được chưa? ảnh 1

NSNA chu Chí Thành: “Vụ việc ông Thường, tôi không đề cập khía cạnh thương mại, tài sản mà chỉ muốn nói về phạm trù đạo đức, nhân cách”. Ảnh: Lưu Quang Phổ.  

Ông Chu Chí Thành vặn: Chúng tôi tố cáo cuốn sách in năm 2009, đoạt giải của Hội. Sao lại đưa cái mốc 1999? (Dù hai cuốn này cũng là một thôi).

Ông Thường: Luật nói cuốn đầu tôi không sai thì cuốn sau cũng thế!

Hội viên Văn Thành khen: Tư vấn của luật sư rất hay, tôi hoàn toàn nhất trí. Đây là vấn đề rất nhỏ. 8 triệu hay 9 triệu (giải thưởng cho cuốn sách của ông Thường-PV) chả là cái gì. Khi viết sách anh Thường không thể sáng tạo ra lịch sử được, lịch sử có sẵn rồi ta tổng kết lại cho nên đây không phải là đạo. Anh Thường thực sự xứng đáng. Hai bác (Thành Thường) hãy hòa giải, bỏ qua cho nhau.

Ông Vũ Quốc Khánh cũng nói: “Công sức anh Thường bỏ cho cuốn sách là rất nhiều”. Và khẳng định việc trao giải năm 2012 (nhiệm kỳ của ông Khánh) không sai: “Khi trao giải chúng ta chỉ dựa vào nội dung, chất lượng tác phẩm. Hội không chịu trách nhiệm về bản quyền. Đạo ảnh thấy ngay chứ đạo sách lại liên quan nước ngoài thì rất khó, Hội không thể giải quyết được”.

Trước sự than khó của lãnh đạo Hội và phó Ban kiểm tra, ông Thành đưa bằng chứng về sự giống nhau y hệt, trước hết là vài trang kết cấu chương mục của cuốn Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới và cuốn Lịch sử Nhiếp ảnh của tác giả Mỹ, bản tiếng Đức. Hai bản này, trừ chương 1 tên khác nhau - một bên là “Hộp tối”, một bên là “Ảnh không bền”, và vài từ hơi khác về cách dịch, còn thì nội dung, hàm ý chỉ là một.

Nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Đức Tân xem chứng cứ của ông Thành, phát biểu: “Người bình thường nhìn vào còn biết đạo hay không đạo, mà công ty luật lại bảo không thẩm định được! Xử lý vấn đề về luật mà không đọc, không thẩm thấu văn bản, lại định kết luận vấn đề”.

Luật sư Minh cãi: Chúng tôi không phải tòa án nên không phán quyết. Chúng tôi chỉ tư vấn về luật để các vị có cách giải quyết.

Ngoài hội viên Chu Chí Thành và Vũ Đức Tân, một hội viên cũng tỏ chính kiến mạnh mẽ là NSNA Trần Đương, nhà dịch thuật văn học Đức, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt - Đức. Ông Đương nói: “Tôi không có thành kiến gì với anh Thường nhưng chúng ta phải thành thật. Anh nói chưa bao giờ thấy cuốn sách gốc, nếu chưa từng thì sao lại giống hệt nhau từ mục lục trở đi thế”. Ông Thường: “Tôi từng học 90 tiết về nhiếp ảnh ở Đức nên giống”. Ông Đương nói tiếp: “Nếu thế anh cũng phải nói rõ: Cái cơ cấu này tôi đã học ở... Ông Thường không thể nào lại có trí tuệ giống hệt ông nước ngoài kia được. Càng là giáo trình càng phải rõ ràng tôi lấy chỗ này chỗ kia của ai ở đâu”.

Sai sót do thiếu cẩn trọng?

Trước và trong cuộc 26/10, ông Trần Mạnh Thường luôn khẳng định tự tay viết lên Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới chứ không hề dịch hay biên soạn của ai. Ông nói cứng, giải quyết vấn đề này đơn giản lắm: “Anh Thành bảo tôi đạo thì chúng ta đưa hai tác phẩm đến Cục Bản quyền, thuê người dịch và công chứng. Nếu thấy sách của tôi hoàn toàn đúng như cuốn nước ngoài thì tôi xin chịu trách nhiệm và chịu chi phí dịch. Nếu tôi đúng thì anh Thành phải chịu chi phí”.

Những tưởng mọi việc lại bế tắc khi cả hai phía đều khăng khăng bảo lưu chính kiến. Cuộc 26/10 kết thúc với quyết nghị: Hội sẽ nhờ một số hội viên giỏi tiếng Đức dịch giúp cuốn Lịch sử Nhiếp ảnh của Beaumont Newhall để có cơ sở đối chiếu, sau đó lập hội đồng thẩm định để phán quyết việc này.

Bất ngờ, ngay sau cuộc họp, ông Trần Mạnh Thường đã gửi thư đến Hội với tinh thần khác hẳn.

Trong bức thư tiêu đề “Về cuốn sách giáo khoa Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới”, ông Thường trần tình vắn tắt về cuốn sách in hai lần:

"Năm 1999, tôi biên soạn cuốn sách Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới do NXB Văn hóa Thông tin ấn hành gồm 17 chương với 518 trang. Cái sai sót của tôi là chỉ ghi tên mình mà không ghi “biên soạn” mặc dầu có ghi “tài liệu tham khảo” (tức là ghi chú tên của tài liệu tham khảo để viết cuốn sách- PV). Năm 2009, theo yêu cầu của Ban giám hiệu trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cần có giáo trình lịch sử nhiếp ảnh thế giới để giảng dạy cho sinh viên, tôi đã dựa vào cuốn sách trên viết lại dưới dạng sách giáo khoa gồm 16 chương với 322 trang, NXB Sân khấu ấn hành năm 2009. Tên các chương giống cuốn sách xuất bản năm 1999, bỏ chương 17. Nội dung ngắn gọn súc tích hơn. Sai sót của tôi về cuốn sách này gồm hai điểm: 1/Ngoài tên mình không ghi “biên soạn”. 2/Và không ghi “tài liệu tham khảo”.

Ông Thường thừa nhận: “Làm công tác xuất bản trên 40 năm, mắc phải sai lầm do tôi thiếu cẩn trọng, thiếu trách nhiệm với bản thảo biên soạn của mình. Tôi thành thật xin lỗi bạn đọc, và xin chịu trách nhiệm về những sai sót trên”.

Kỳ sau: Biên soạn hay đạo văn?

MỚI - NÓNG