Vũ điệu trái tim của hai cô gái cách nhau nửa vòng trái đất

Vũ điệu trái tim của hai cô gái cách nhau nửa vòng trái đất
TP - Vừa qua, nhà xuất bản Phụ nữ đã cho ra mắt độc giả Việt Nam cuốn sách văn học Vũ điệu trái tim (Dance with your heart) của tác giả Shirley Cheng, do dịch giả Nguyễn Bích Lan dịch sang tiếng Việt.
Vũ điệu trái tim của hai cô gái cách nhau nửa vòng trái đất ảnh 1
Bìa cuốn Vũ điệu trái tim vừa được xuất bản ở Việt Nam

Tuy rằng, Shirley Cheng còn chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam, nhưng sự xuất hiện lần đầu tiên một cuốn sách của tác giả trẻ được coi là một trong những thần đồng văn học của nước Mỹ này đã gây được sự chú ý của nhiều bạn đọc.

Không chỉ vậy, dư luận bạn đọc cũng hết sức quan tâm và cảm phục về tấm gương phi thường của hai cô gái là tác giả và dịch giả của cuốn sách. Họ là những người đã chung tay để đưa ấn phẩm này đến tay bạn đọc Việt Nam, đồng thời nêu một tấm gương sáng về sự nỗ lực vượt qua mọi khó khăn của hoàn cảnh để học tập và vươn tới sự thành công.

Shirley Cheng, tài năng khiếm thị

Vũ điệu trái tim của hai cô gái cách nhau nửa vòng trái đất ảnh 2
Shirley Cheng xúc động đón nhận giải thưởng danh dự cho cuốn sách Tâm hồn lãng du trong buổi lễ trao giải tại Liên hoan Sách New York 2007

Sinh năm 1983 tại New York trong một gia đình người Mỹ gốc Hoa, cô bé Shirley đã không may bị mắc bệnh viêm khớp dạng tiến triển nặng. Vì vậy, ngay từ những năm tháng ấu thơ Shirley đã phải điều trị thường xuyên ở nhiều bệnh viện khác nhau, và phụ thuộc vào chiếc xe đẩy.

Cũng vì bệnh tật, đến năm mười một tuổi Shirley mới bắt đầu được đi học tiểu học tại một lớp học đặc biệt... Khi bắt đầu vào học lớp 10, thị lực của cô đã bị sụt giảm nghiêm trọng. Lúc đến lớp, Shirley không còn nhìn thấy những gì giáo viên viết trên bảng, mà cô chỉ học được bằng cách nghe lời giảng của giáo viên, ngay cả với các môn Toán, Lý, Hóa...

Tài năng văn học của Shirley Cheng được bộc lộ từ rất sớm. Cô viết truyện và làm thơ  ngay từ khi mới biết chữ. Những tác phẩm của Shirley bắt đầu được đăng tải trên các tạp chí ở Mỹ từ năm 1997 khi cô mới 14 tuổi. Shirley không dùng chữ nổi dành cho người mù, mà sử dụng một chương trình đọc màn hình máy tính mang tên Jaws để viết văn.

Shirley Cheng đã giành được giải nhất cuộc thi viết văn toàn quốc ở Mỹ mang tên Hãy là ngôi sao, và một số giải thưởng về thơ và văn xuôi khác.

Ngoài cuốn Vũ điệu trái tim, Shirley còn có cuốn tự truyện Ánh sao vĩnh cửu (The Revelation of a Star’s Endless Shine) kể về cuộc đấu tranh đầy cảm động chống lại bệnh tật, về tình yêu vô bờ của người mẹ dành cho đứa con kém may mắn; cuốn Tâm hồn lãng du (Walking spirit), đã lọt vào chung kết cuộc bình chọn cho giải thưởng quốc gia National Idie Excellence 2007 Book; và cuốn Những cuộc săn tìm sự thần bí (Daring Quests of Mystics).

Ở tuổi 25, Shirley đã là tác giả và đồng tác giả của 18 cuốn sách, và được trao khá nhiều giải thưởng trong lĩnh vực xuất bản. 

Nguyễn Bích Lan, dịch giả không khuất phục bệnh tật

Vũ điệu trái tim của hai cô gái cách nhau nửa vòng trái đất ảnh 3
Nguyễn Bích Lan với công việc thường ngày trong căn phòng của mình

Sinh năm 1976, từ nhỏ, Bích Lan vốn là một cô bé khỏe mạnh, hồn nhiên. Là một học sinh giỏi Văn, Lan được chọn vào học trường chuyên, và luôn là một trong những học sinh đứng đầu lớp chuyên Văn. Tuy nhiên, vào năm học lớp 8, Lan không may bị mắc căn bệnh loạn dưỡng cơ, khiến cho cơ thể cô cứ nhỏ, yếu dần đi và hay ngã.

Dù vậy, cô bé Lan 14 tuổi khi ấy vẫn gắng gượng đến lớp để theo học hết chương trình lớp 8 và thi đỗ được vào cấp 3 rồi mới chịu nghỉ học để đi chữa bệnh vì sức khỏe yếu quá. Sau hai năm điều trị ở nhiều bệnh viện, căn bệnh không những không thể chữa khỏi, mà Bích Lan còn yếu đi, và chỉ còn quanh quẩn được trong ngôi nhà của mình.

Ở nhà được một thời gian, khi ở tuổi 17, Lan quyết định bắt đầu tự học tiếng Anh với sự giúp đỡ của cậu em trai và cô em họ học lớp phổ thông chuyên Anh, sau đó là Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Càng học, Lan càng thấy say mê môn tiếng Anh.

Sau 4 năm tự học, trước năm 22 tuổi, Lan đã hoàn tất chương trình tiếng Anh dành cho những sinh viên Đại học Ngoại ngữ. Sau đó, Bích Lan mở lớp dạy ngoại ngữ cho hàng trăm em học sinh cấp 3, và cả học sinh ôn thi đại học.

Nhiều học trò của Lan giờ đã trưởng thành, một số đã trở thành giáo viên ngoại ngữ như cô giáo mình ngày nào. Tuy vậy, Lan đã bị ốm nặng sau 4 năm dạy học và không thể tiếp tục duy trì các lớp học của mình nữa.

Hai cô gái ấy, một người bị khiếm thị và phải di chuyển nhờ xe lăn, một người vì căn bệnh nan y chỉ có thể quanh quẩn trong căn phòng của mình, nhưng họ đã không chịu để cho tâm hồn bị lệ thuộc vào hoàn cảnh. Vượt lên trên sự kém may mắn của số phận, vượt lên cả khoảng cách về địa lý nửa vòng trái đất, cuốn Vũ điệu trái tim chính là bản hòa ca về cuộc sống của hai trái tim, hai tâm hồn họ.

Không chịu khuất phục bệnh tật, vốn say mê văn học từ bé, giờ lại có thêm vốn kiến thức tiếng Anh, Lan chọn cho mình một công việc mới là dịch sách. Từ năm 2002, đến nay, Lan đã là dịch giả của 8 cuốn sách trong đó có các cuốn tiểu thuyết: Đừng nghi ngờ tình yêu của anh, Không có chỗ cho tình yêu, Hứa yêu, Lẻ loi, Từ sông Nile đến sông Jordan, Tro tàn Angela.

Ngoài ra, Lan còn là cộng tác viên cho một số tạp chí văn học. Lan cũng là soạn giả của  2 cuốn sách được nhiều độc giả tìm đọc là: Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới, Thần đồng thế kỷ 20.

“Nguyễn Bích Lan là một dịch giả xuất sắc. Một cô bé tật nguyền với nỗ lực phi thường đã trở thành người am hiểu ngoại ngữ, văn hoá và có khả năng dịch được nhiều sách như vậy thật đáng khâm phục” - Nhà văn, dịch giả Thúy Toàn - Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch - Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét.

Cuốn Vũ điệu trái tim của tác giả Shirley Cheng là tác phẩm văn học mới nhất được Nguyễn Bích Lan dịch sang tiếng Việt. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên của Shirley được dịch sang một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh.

Trả lời phỏng vấn của tôi qua email, Shirley Cheng cho biết, khi nhận được email đầu tiên của Lan và được biết về hoàn cảnh của cô gái Việt Nam giàu nghị lực này vào tháng 1/2007, cô đã cảm thấy “lập tức xúc động sâu sắc bởi tinh thần mạnh mẽ và đẹp đẽ của chị ấy”.

Và Shirley đã coi đề nghị của Lan về việc dịch cuốn Vũ điệu trái tim sang tiếng Việt như một “vinh dự” đối với mình, vì “không có ai phù hợp hơn thế” để làm việc đó! Có thể nói, Lan là người Việt Nam đầu tiên thực sự cảm nhận một cách đầy đủ những thông điệp mà Shirley muốn gửi gắm tới độc giả qua cuốn Vũ điệu trái tim, và Shirley là người đã hiểu được hơn ai hết điều này.

MỚI - NÓNG