Vụ lừa đảo lớn nhất làng văn Trung Quốc 2007

Vụ lừa đảo lớn nhất làng văn Trung Quốc 2007
TP - Gần đây ở Trung Quốc xảy ra một vụ lừa đảo các nhà văn để kiếm tiền có liên quan đến ông Trần Trung Thực, nhà văn nổi tiếng, hiện là Phó Chủ tịch Hội nhà văn.
Vụ lừa đảo lớn nhất làng văn Trung Quốc 2007 ảnh 1
Ông Trần Trung Thực phát biểu tại Lễ trao giải hôm 5/5/2007

Trên nhiều diễn đàn mạng đã xuất hiện các bài viết chỉ trích ông Trần là người đứng sau màn kịch lừa đảo trắng trợn này.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng ông Trần cũng chỉ là nạn nhân, bị bọn người xấu lừa làm bình phong. Bản thân nhà văn Trần Trung Thực thì rất phẫn nộ khi được hỏi về vai trò của ông trong vụ này…

Từ đầu tháng 3 năm nay, nhiều nhà văn và những người yêu văn học đều chú ý đến một thông báo lưu hành rộng rãi trên các diễn đàn văn học của các báo điện tử, trong đó có mạng “Yahoo văn học” về việc nhận bản thảo tham gia cuộc thi, giao dịch bản thảo sách và kịch bản chuyển thể của các nhà văn tiên phong toàn quốc lần thứ nhất.

Thông báo ghi rõ: 5 nhà xuất bản, 10 công ty nghe nhìn, 3 nhà sách cấp tỉnh và một công ty giao dịch tác phẩm nhà văn liên kết tổ chức các tác phẩm và kịch bản ưu tú để tiến hành giao dịch (mua bán); người chủ trì việc giao dịch là nhà văn Trần Trung Thực, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TQ.

Thời gian giao dịch: Từ ngày 2 đến 5/5/2007. Đồng thời một cuộc họp báo toàn quốc cùng lễ trao giải hoành tráng sẽ được tổ chức. Đứng ra tổ chức vụ này là Trần Thiên Triết và Công ty Tiên Phong Tây An của ông ta.

Cây bút trẻ Trương Lương Kỳ lúc đầu cũng có chút hoài nghi về hoạt động này, nhưng khi thấy có tên ông Trần Trung Thực thì anh tin tưởng ngay. Vì vậy anh bèn đem in cuốn tiểu thuyết đã post lên mạng rồi gửi dự thi.

Ngày 28/4/2007, anh vô cùng mừng rỡ nhận được thư báo tin tác phẩm của anh đã trúng giải lớn và lời mời anh đến dự lễ trao giải đồng thời trực tiếp thương lượng để bán tác phẩm cho nhà xuất bản hay công ty nghe nhìn nào đó.

Ngày 2/5, Trương khăn gói quả mướp tới Tây An và nộp 1.600 tệ “lệ phí giao dịch” cho ban tổ chức. Anh hỏi những người được mời khác thì ai cũng phải nộp khoản lệ phí, người ít cũng 2.000, nhiều thì 2.600, 3.000 tệ.

Tối hôm đó, Trương tìm hiểu thì được biết các cây bút tham gia đến từ khắp nước, người già nhất đã ngoài 70, người trẻ nhất mới 16 tuổi, cách thức họ đến đây giống hệt mình, ai cũng được thông báo “trúng giải thưởng lớn”. Trương nghĩ: “Thôi chết, mắc lừa rồi!”.

Những chuyện xảy ra sau đó càng củng cố sự nghi ngờ của Trương Lương Kỳ là đúng: Các văn kiện của đại hội dấu má mờ mịt chả nhận ra chữ gì.

Khi Trương Cầm - nữ nhà văn Tây Ban Nha gốc Hoa trả lời phỏng vấn phóng viên “Báo Hoa Thương” thì phát hiện ra trình độ của nhà báo rất thấp bèn đòi cô phóng viên xuất trình thẻ nhà báo, cô này ấp úng thú nhận mình chỉ là sinh viên khoa báo chí.

Bà Trương Cầm bèn chạy vào hội trường thông báo chuyện này với mọi người, trật tự trở nên hỗn loạn, Trần Thiên Triết phải tuyên bố tạm dừng hội nghị để chờ phóng viên thật đến. Trương Lương Kỳ cũng nghi ngờ mấy nhân vật đứng đầu mấy công ty, NXB ngồi trên ghế danh dự đều là giả mạo.

Thực tế đúng như vậy, mấy nhân vật này đều được thuê đến ngồi với giá 80 tệ/ngày. Hai ngày đầu, hoạt động của “đại hội” chỉ là nghe mấy “chuyên gia” lên huyên thiên về văn học mạng, tính văn hóa…

Ngày 5/5 là lễ trao giải. Ban tổ chức công bố: 15 người được Giải đặc biệt, 21 người được Giải nhất, 24 người được Giải nhì và một loạt giải khác như Giải tiểu thuyết trường thiên hay nhất… tóm lại là ai cũng có giải. Khi lễ trao giải diễn ra thì Trương Lương Kỳ gọi điện báo cảnh sát.

4 người cảnh sát đến lục vấn Trương: Tại sao báo cảnh sát? Sao không có chuyện gì mà gọi cảnh sát? Cuối cùng họ nói: Buổi lễ có sự tham dự của ông PCT Hội nhà văn Trần Trung Thực thì họ không dám xía vào, các vị từ đâu đến thì hãy về đó!

Tan cuộc, một số cây bút đến đây với hy vọng được thị trường thừa nhận đã không thể trở về vì… không có tiền! Kim Kiến Hoa, một cây bút trẻ ở Triết Giang để đến được Tây An nhận giải Đặc biệt đã phải vay 1 vạn tệ, nào ngờ nay không có tiền để về phải vay giật tứ tung.

Cây bút trẻ 16 tuổi ở cùng phòng khách sạn với Trương không có tiền mua vé, ông và 16 người khác phải quyên góp mỗi người 50 tệ mới đủ lộ phí để cậu thanh niên về được Cát Lâm…

Việc đầu tiên của Trương Lương Kỳ sau khi về đến nhà là gọi điện đến Hội Nhà văn TQ tố cáo “hành vi lừa đảo của nhóm người do ông Phó chủ tịch Hội Trần Trung Thực cầm đầu”. Người nhận điện thoại đáp: “Nếu là việc có liên quan đến Phó chủ tịch thì xin mời ông báo cho Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng nhé!”.

Nhà văn 65 tuổi, Phó chủ tịch Hội nhà văn Trần Trung Thực khi được hỏi đã vô cùng phẫn nộ: “Tôi chẳng qua bị người ta ép mời đến nói mấy câu. Tôi cũng tưởng đó đều là những nhà văn Tiên phong.

Lúc ấy tôi cũng cảm thấy có gì đó không ổn, những người có mặt tôi chẳng quen ai cả! Các anh hỏi đi hỏi lại thế nghĩa là sao? Chả lẽ tôi phải tự cắt đầu thì mọi người mới tin sao? Nếu thấy bị lừa thì đến toà mà kiện! TQ là một nước có luật pháp cơ mà!”.

Nhà tổ chức Trần Thiên Triết thì chẳng hề sợ hãi. Ông ta lên mạng chửi bới những ai tỏ ý nghi ngờ mình và công ty.

Trên trang web của công ty Tiên Phong, ông ta viết: “Kinh tế thị trường, mở hội nghị thu tiền là lẽ thường tình! Lũ cáo các người bắt gà thì được còn chúng tôi mở hội nghị thu tiền thì không được sao? Theo lý của các vị thu tiền là lừa đảo, vậy mẹ các vị thu tiền ăn của các vị nộp hàng tháng cũng là lừa đảo hay sao?”.

Các phóng viên tìm cách liên hệ với Trần Thiên Triết thì không thể được. Điện thoại di động đã thay số, còn gọi đến công ty Tiên Phong Tây An thì chả ma nào nghe máy cả!

Chỉ khổ cho lão nhà văn Trần Trung Thực giờ đây phải hứng chịu bao lời chỉ trích, đàm tiếu của thiên hạ mà không biết làm cách nào để rửa được nỗi oan cho mình!

Thu Thủy
Theo Văn học thành

MỚI - NÓNG