Vừa tâm lý xã hội vừa hành động

Minh Hải (trái) trong vai Nguyễn Ái Quốc
Minh Hải (trái) trong vai Nguyễn Ái Quốc
TPCT - “Hiện tại, chúng tôi đang thương thảo hợp đồng với một công ty truyền thông nước ngoài tại Việt Nam để làm công tác quảng bá bộ phim Vượt qua bến Thượng Hải. Nhiệm vụ chính trị và cũng là mục tiêu kinh tế là phải đưa bộ phim đến với đông đảo quần chúng. Bởi vậy, yếu tố hàng đầu để thu hút khán giả chúng tôi đưa ra là phim phải hấp dẫn”.

Quyền Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam - Nguyễn Xuân Hưng chia sẻ.

Minh Hải (trái) trong vai Nguyễn Ái Quốc

Minh Hải (trái) trong vai Nguyễn Ái Quốc.


Tại sao Hãng lại chọn công ty truyền thông nước ngoài để quảng bá cho phim Việt Nam, có đi ngược so với các hãng phim trong nước?

Theo tôi, việc quảng bá phim Việt Nam hiện nay không chuyên nghiệp. Trong khi đó, phim của chúng tôi làm theo kiểu vừa là phim tâm lý xã hội vừa có yếu tố hành động, nên phim phải tìm mọi cách bán được vé. Nếu không bán được vé, tức là chúng tôi thua. Bởi phim theo hoạch toán là 16 tỉ, nhưng Nhà nước cho 70%, còn lại 30% chúng tôi phải đi vay ngân hàng để bù vào phần thiếu.

Kinh phí chỉ có 70% tổng dự toán, đúng bằng phần góp vốn của Việt Nam khi làm phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông năm 2001. Nếu là phim được Nhà nước tài trợ từ đầu chí cuối, làm xong, báo cáo Nhà nước là xong, không cần lo khâu phát hành, thì đâu cần phải bỏ tiền ra thuê công ty truyền thông quảng bá cho phim.

Phim vừa tâm lý xã hội vừa hành động, nghĩa là...?

Tức là khi nói đến phim về đề tài Bác Hồ, chắc chắn mọi người sẽ bảo phim chính trị. Nhưng bộ phim này nói về giai đoạn hoạt động của Người năm 1933 của thế kỷ trước. Có thể nói rằng, Vượt qua bến Thượng Hải là phần hai của Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông. Nhưng khác với phần một, bối cảnh phim chỉ xoay quanh một phiên tòa. Phần hai này, bối cảnh của phim mang nhiều tình tiết hư cấu.

Nói đúng hơn, Nguyễn Ái Quốc trong Vượt qua bến Thượng Hải là một con người. Tất nhiên, từ những tư tưởng, hành động của Người trong phim đều toát lên tố chất của người lãnh tụ tương lai. Nhưng con người của Nguyễn Ái Quốc cũng có tình yêu, lúc vui thì hát, lúc buồn thì khóc…Và để cố gắng thoát qua khỏi định kiến là cứ làm phim về Bác là phim chính trị, một số tình tiết như cảnh rượt đuổi của mật thám với Nguyễn Ái Quốc, không khác gì các cảnh quay của phim hành động, có rượt đuổi, ám sát, có võ thuật, có âm mưu, và cũng có những trường đoạn miêu tả tâm lý nhân vật kỹ càng. Tiết tấu phim sẽ nhanh.

Được biết trước đây, khi Hãng làm phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, có nhiều nhà nghiên cứu từng phê phán là không làm theo lịch sử. Đến phim này, theo như ông nói thì phim được hư cấu nhiều, vậy có lo họ lại ý kiến?

Đây là tác phẩm điện ảnh, hội đủ các yếu tố để thu hút người xem, chứ không phải là một bộ phim tài liệu, dựng lại lịch sử. Quan trọng, là chúng tôi không làm trái sự kiện lịch sử gắn với cuộc đời của Người. Trong phim, có sự xuất hiện các nhân vật lịch sử như Nguyễn Lương Bằng, Hồ Tùng Mậu, Vailant Cuturie - Tổng biên tập báo Nhân Đạo (Pháp)…

Ngoài ra, có các nhân vật hư cấu như Ngũ Lang, một sát thủ mà Pháp thuê ám sát Người; Phương Thảo, em gái Ngũ Lang, y tá chăm sóc Bác khi còn ở Hồng Kông, sau đó lại theo Bác tới Thượng Hải để chăm sóc và bí mật bảo vệ Bác. Mọi yếu tố hư cấu đều hướng đến làm nổi bật nhân cách Hồ Chí Minh.

Bối cảnh chính của phim tại hai thành phố Hạ Môn và Thượng Hải (Trung Quốc), xoay quanh các sự kiện khi nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc rời khỏi Hồng Kông năm 1933 và đang bị bọn mật thám Pháp lẫn Quốc Dân đảng Trung Quốc theo dõi, săn lùng ráo riết. Nhưng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, với trí tuệ lớn cùng kinh nghiệm hoạt động cách mạng tài ba, sự ủng hộ của những người bạn quốc tế và Việt kiều yêu nước, cuối cùng vẫn tìm đường sang được Liên Xô.

Cũng tại Thượng Hải, Nguyễn Ái Quốc đã được bà Tống Khánh Linh giúp làm cầu nối, liên hệ với các nhà hoạt động quốc tế và nhanh chóng thoát khỏi vòng vây kẻ thù…Ý nghĩa cao nhất khi thực hiện bộ phim này là chúng tôi muốn nêu bật tư tưởng của Người, đó là tư tưởng đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.

Mỹ Duyên và Minh Hải trong phim. Ảnh: Đoàn làm phim

Mỹ Duyên và Minh Hải trong phim. Ảnh: Đoàn làm phim.


Để tạo tính hấp dẫn cho bộ phim, hình như Hãng đã giấu kỹ tên tuổi của các diễn viên, nhất là người thủ vai chính - Nguyễn Ái Quốc?

Chúng tôi không cố ý giấu gì cả, chẳng qua là vì những diễn viên quan trọng thì phút cuối mới có kết quả casting. Thật may là khi những cảnh quay cuối cùng tại Hoành Điếm và Thượng Hải, thì tất cả mọi người đều hài lòng với diễn xuất của Minh Hải - người thủ vai Nguyễn Ái Quốc. Minh Hải là người Nghệ An, có hình thể rất giống Bác, là diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam, người từng được chọn đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở kịch nói Bác Hồ ra trận đã phát sóng trên kênh truyền hình VTV rất đạt. Bộ phim này chúng tôi cũng thực hiện thu tiếng trực tiếp, nên giọng nói của Minh Hải chắc chắn sẽ tạo sự thuyết phục cho khán giả.

Vai nữ chính Phương Thảo – cô bác sĩ tận tình chăm sóc Người trong kịch bản có quê gốc miền Nam cũng do diễn viên khá nổi tiếng của TP Hồ Chí Minh là NSƯT Mỹ Duyên đóng. Phía Việt Nam có 9 diễn viên tham gia. Phía Trung Quốc có 7 diễn viên, trong đó có vai quan trọng là Tống Khánh Linh, được giao cho Chương Diễm Mẫn - nữ diễn viên nổi tiếng đã được đông đảo khán giả Việt Nam biết đến qua phim Hiệp khách hành.

Trong phim có sự xuất hiện của nhân vật lịch sử là ông Nguyễn Lương Bằng, và người thủ vai nhân vật này là do Cục trưởng Cục Quản lý Giá Bộ Tài chính - Nguyễn Tiến Thỏa vào vai. Rồi cũng từ chuyện được vô tình chọn làm diễn viên, ông Thỏa từng bị công luận phê là bỏ việc để đi đóng phim. Thực hư chuyện này là thế nào?

(Cười)!Thực ra không có chuyện như báo chí tuyên truyền là ông Thỏa bỏ bê công việc 2 tháng để đi đóng phim ở Trung Quốc (toàn bộ thời gian quay phim ở Trung Quốc và Việt nam là 2 tháng), mà thực ra ông Thỏa chỉ đi có 2 ngày. Vì nhân vật Nguyễn Lương Bằng xuất hiện trong phim rất ít.

Rồi sự xuất hiện của ngôi sao Chương Diễm Mẫn, thì mức cát xê trả cho nữ diễn viên này cũng là câu hỏi lớn?

Rất may cho chúng tôi là Chương Diễm Mẫn không lấy một đồng cát xê nào. Nếu mà sòng phẳng trả tiền, thì ít nhất cũng phải trả cho cô ấy nửa triệu tệ. Chúng tôi chỉ mất tiền trả vé máy bay cho cô ấy ba lần từ Bắc Kinh tới trường quay. Qua việc thực hiện bộ phim này, rồi tìm hiểu thêm từ các bạn đồng nghiệp Trung Quốc, tôi biết rằng, diễn viên của Trung Quốc họ có giá, nhưng có những dịp làm phim thế này, họ sẵn sàng thể hiện sự nghĩa hiệp.

Lúc đầu, chúng tôi cũng rất khó khăn trong việc tìm kiếm diễn viên Trung Quốc vào vai bà Tống Khánh Linh, vì kinh phí hạn hẹp, không dám mơ đến những diễn viên nổi tiếng. May là có nhà làm phim người Trung Quốc trong đoàn làm phim là bạn của Chương Diễm Mẫn, khi anh này ngỏ lời, cô ấy đã nhận lời ngay.

Vậy theo ông, khó khăn nhất khi làm phim về Bác Hồ là gì?

Làm Vượt qua bến Thượng Hải, chúng tôi đã rất cố gắng để tạo nên không khí của thời kì này, không khí đa ngôn ngữ. Có đối thoại Việt kiều, cảnh văn phòng bà Tống Khánh Linh có nhà báo Pháp, Nhật Bản…Bối cảnh thì phía Trung Quốc dựng rất tốt. Phim được quay rất nhiều hình. Nếu so sánh, làm bộ phim này ở Việt Nam thì tốn khoảng 30 tỷ đồng. Quan trọng là chi tiết và thoại của phim đã được các tác giả kịch bản viết rất cẩn trọng và tỉ mỉ.

Nhưng cũng có nhiều băn khoăn cho rằng, tại sao phim Việt Nam lại đi làm ở Trung Quốc?

Đây là tư duy cổ hủ. Không phải là phim làm ở đâu mà vấn đề là ai sáng tạo ra nó. Ví dụ như Toyota lắp ô tô ở Việt Nam, thì vẫn là xe của Nhật. Liệu có người Nhật nào phản đối lắp ráp xe của họ tại nước ngoài không? Quan trọng hơn hết, chủ thể sáng tạo là ai, sản phẩm là gì, chất lượng ra sao. Vượt qua bến Thượng Hải chưa hoàn thành, nhưng chắc chắn rằng chủ thể sáng tạo là người Việt Nam, là sản phẩm Việt Nam làm ở nước ngoài, xây dựng phim Việt Nam, nội dung về con người Việt Nam và theo tâm lý xã hội của Việt Nam.

Phim dự kiến sẽ ra mắt khán giả vào thời gian nào thưa ông?

Các phần quay ở Trung Quốc (tại phim trường Hoành Điểm và Thượng Hải) đã thực hiện xong, cuối tháng 5 đội ngũ những người làm phim phía Trung Quốc sẽ sang Việt Nam để thực hiện nốt phần quay một số cảnh ở Nghệ An và Huế. Sau đó phim sẽ mang sang Trung Quốc làm hậu kỳ. Chúng tôi đặt ra mục tiêu là phim sẽ ra mắt khán giả vào dịp Cách mạng Tháng Tám (19-8) năm nay.

Xin cảm ơn ông!

* Giống như phim Hà Nội, Hà Nội, ở phim này, nhân vật Trung Quốc nói tiếng Trung, nhân vật Việt Nam nói tiếng Việt, có phụ đề hai thứ tiếng. Kịch bản phim của các tác giả: Các nhà văn Hà Phạm Phú, Lê Ngọc Minh (Việt Nam) và Giả Phi (Trung Quốc). Bản tiếng Trung có tên “Việt xuất Thượng Hải bến”. Hai đạo diễn Triệu Tuấn (Việt Nam) và Phạm Đông Vũ (Trung Quốc) đồng thực hiện.

* Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông là phim hợp tác giữa Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam và Hãng phim Châu Giang (Quảng Đông). Còn Vượt qua bến Thượng Hải không có đối tác sản xuất phía Trung Quốc, các đạo diễn, quay phim…chỉ là thực hiện thuê cho đoàn làm phim Việt Nam.

MỚI - NÓNG