'Vua vọng cổ' Viễn Châu về đất

TP - Dù nhiều nghệ sĩ thành công và được khán giả phong cho các danh xưng như “Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết, “Sầu nữ” Út Bạch Lan, “Hoàng đế đĩa nhựa” Tấn Tài… Tuy nhiên, ngôi “Vua” của vọng cổ thì chỉ có một người được xướng tên: Đó là soạn giả Viễn Châu.

Bệ phóng cho nhiều tên tuổi lớn

Nhắc đến NSND Út Trà Ôn, người yêu cải lương nào cũng có thể biết tên tuổi của ông đã gắn liền với bài ca cổ Tình anh bán chiếu của soạn giả Viễn Châu. Một bài ca cổ nói về câu chuyện tình buồn của một anh chàng bán chiếu nghèo với cô thôn nữ, tuy bình dị nhưng qua tài hoa của Viễn Châu bài ca cổ Tình anh bán chiếu đã trở thành một trong những kinh điển nhất của cải lương, được rất nhiều thế hệ yêu cải lương hát đến thuộc lòng. Và, bài ca cũng đã góp phần làm lên tên tuổi của Út Trà Ôn. Nghệ sĩ Minh Cảnh cũng thành danh nhờ những bài ca như Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Sầu vương ý nhạc… trong khi Út Bạch Lan với Hoa lan trắng, Thanh Nga với Lắng nghe tiếng chuông chùa…

'Vua vọng cổ' Viễn Châu về đất ảnh 1 NSND Viễn Châu.

“Theo tôi thì không có một nghệ sỹ cải lương lớn nào mà không từng ca một bài ca cổ của Viễn Châu, và rất nhiều nghệ sỹ đã thành danh nhờ chính những bài ca cổ này. Nên nói rằng tài năng của Viễn Châu đã góp phần làm lên nhiều tên tuổi lớn của cải lương là hoàn toàn chính xác” - nghệ sĩ Thanh Sang tâm sự về soạn giả Viễn Châu. Còn “Cải lương chi bảo”- NSND Bạch Tuyết thì cho rằng Viễn Châu là người đã dìu dắt, nâng đỡ cho nhiều nghệ sỹ cải lương làm nên sự nghiệp qua những bài ca cổ. Bản thân chị cũng đã được Viễn Châu viết riêng bài ca cổ Dương Quý Phi và suốt bao năm qua, mỗi khi đi diễn khán giả luôn yêu cầu Bạch Tuyết ca lại bài này.

Cái tên NSND Lệ Thủy không còn xa lạ với khán giả trong nước. “Với Viễn Châu, đó là người thầy” - Lệ Thủy tâm sự. “Soạn giả Viễn Châu có khả năng là chỉ cần nghe nghệ sĩ hát vài lần là ông có thể viết những bài ca cổ thuộc dạng “Đo ni đóng giày” cho người đó”- Lệ Thủy nói và theo bà khi chỉ mới mười mấy tuổi ông đã bảo là tôi hát được và ông viết riêng cho tôi rất nhiều bài ca mà tới nay được nhiều người yêu thích. Lệ Thuỷ liệt kê như Cô bán sầu riêng, Tình đẹp mùa chôm chôm, Cô hàng chè xanh... Theo nghệ sĩ Lệ Thuỷ,  những bài ca của ông luôn có lời ca giản dị nên rất dễ thuộc, dễ ca lại có chiều sâu nên ca rồi sẽ rất nhớ. Còn NSND Ngọc Giàu nói rằng, không có soạn giả Viễn Châu là không có Ngọc Giàu. “Hồi mới 12-13 tuổi ông viết cho tôi bài Áo tình đắp mộ người yêu để tôi thu đĩa và nổi tiếng từ đấy”- bà nói.

Cha đẻ của “Tân cổ giao duyên”

Là người học đàn từ rất nhỏ và từng được đánh giá là một trong những tay đàn kìm hàng đầu của cải lương nhưng Viễn Châu lại thường xuyên tìm tòi bộ môn nghệ thuật khác. Đó cũng là lý do ông tìm thấy sự đồng điệu của những ca khúc tân nhạc mang âm hưởng dân ca. Viễn Châu đã tìm cách đưa các ca khúc tân nhạc đó vào các bài ca cổ của mình và gọi là “Tân cổ giao duyên”.

Bài Tân cổ giao duyên đầu tiên là “Võ Đông Sơ- Bạch Thu Hà” được Viễn Châu viết năm 1958, bị nhiều nhạc sỹ phản đối và cho rằng cổ nhạc không thể ghép chung vào với tân nhạc. Nhưng Viễn Châu vẫn kiên trì với sự phá cách của mình khi tiếp tục sáng tác nhiều bài Tân cổ giao duyên cho các nghệ sỹ thể hiện. Thành công đã đến khi các bài Tân cổ giao duyên của ông được công chúng đón nhận nhiệt tình. Nhiều nhạc sỹ cổ nhạc khác cũng học theo ông, viết lời cổ nhạc cho nhiều ca khúc nổi tiếng.

Nghệ sỹ Phượng Liên cho rằng, minh chứng lớn nhất cho sự thành công của Viễn Châu là ông đã đưa cổ nhạc lên tầm cao mới khi kết hợp với tân nhạc để cho ra nhưng bài Tân cổ giao duyên được khán giả yêu thích. Những chương trình Tân cổ giao duyên được phát liên tục trên sóng phát thanh, được thu âm ra đĩa nhạc và thậm chí lên cả sân khấu. Riêng với Viễn Châu - cha đẻ của Tân cổ giao duyên đã viết tới cả ngàn bài và rất nhiều bài trở thành kinh điển của cải lương. Nhiều nhạc sỹ tân nhạc có ca khúc được viết lời ca cổ thừa nhận, nhờ Tân cổ giao duyên mà ca khúc của họ đẹp hơn, hay hơn. Cố GS Trần Văn Khê từng nói: “Viễn Châu thực sự đã làm cuộc cách mạng cho cải lương khi sáng tạo cách viết Tân cổ giao duyên và đưa Tân cổ giao duyên trở thành một phần không thể thiếu của cải lương. Viễn Châu xứng đáng được gọi là Vua vọng cổ”.

Và giờ đây, ông Vua vọng cổ Viễn Châu không về miền xa ngái nào mà thanh thản, bình dị về với đất…

Theo nguyện vọng của gia đình NSND Viễn Châu thì toàn bộ số tiền phúng điếu sẽ được dùng làm thiện nguyện, trợ giúp các nghệ sĩ già yếu neo đơn và ủng hộ cho các chương trình biểu diễn cổ nhạc.

MỚI - NÓNG