Walt Disney - Người kinh doanh sự sáng tạo

Walt Disney - Người kinh doanh sự sáng tạo
TP - Walt Disney xây dựng đế chế kinh doanh của mình trên sự sáng tạo nhờ vào việc biến những điều tưởng tượng thành một sản phẩm thật sự. Một sáng tác thành công của ông bao giờ cũng đi kèm với một thành công khác trong kinh doanh – vào tuổi 53 ông đã trở thành một triệu phú.

Cho đến tận bây giờ, đôi khi, trong các cuộc bầu cử ở Mỹ, để lôi cuốn quần chúng, trên các phiếu bầu cử thay vào việc in ảnh các ứng cử viên lại là hình chú chuột Mickey. Trong Đại chiến thế giới thứ II, hình chuột Mickey được vẽ lên thân máy bay chiến đấu của Mỹ.

Để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của Mickey, tại Florida đã khánh thành bức tượng cao 150m của nhân vật huyền thoại này. Chú chuột tai to dễ thương không những trở thành biểu tượng của nước Mỹ là còn là biểu tượng của trẻ em ở mọi quốc gia và mọi thời đại.

Người tạo ra Mickey - Walt Disney (05/12/1901 – 15/12/1966) – đã đi vào lịch sử không chỉ là một ông  “vua chuột” mà còn là cha đẻ của hơn 200 nhân vật hoạt hình khác.

Đối với những người cùng thời đại, Walt Disney được coi là biểu tượng của sự sáng tạo. Ông còn là một đạo diễn nổi tiếng, một họa sĩ, một nhà làm phim hoạt hình, người đã sáng tạo ra những thứ mà trước đây chưa từng có.

Người “ba trong một”

Bí quyết thành công của Walt Disney nằm chính ở trong cách suy nghĩ và cách tiếp cận vấn đề một cách độc đáo và sáng tạo của ông. Khi còn trẻ và rất nghèo khó, cuộc sống của ông đã tràn đầy các ý tưởng.

Khi đó, Disney sống trong một căn phòng nhỏ của một nhà trọ ổ chuột và tiền thuê được tính bằng công dọn nhà trọ của ông. Trong căn phòng này, Walt Disney đã tự diễn những vở kịch và tự hóa thân thành ba nhân vật – “Mơ ước”, “Hiện thực” và “Chỉ trích”.

Kết quả chỉ là điều cuối cùng, còn nếu bạn muốn học được một điều gì đó ở những người vĩ đại thì phải quan tâm đến những gì xảy ra trước đó.

Seren Kierkegaard

Trong ước mơ có những mặt tốt hơn hiện thực; trong hiện thực có những điểm tốt hơn ước mơ. Một hạnh phúc toàn vẹn chỉ có khi cả hai điều này kết hợp được với nhau.

Lev Tolstoi

Chỗ dành cho nhân vật “Mơ ước” là góc sáng sủa nhất của căn phòng. Khi đứng ở chỗ này, Disney thả hồn vào những tưởng tượng, phát kiến ra những ý tưởng và mơ ước.

Nhân vật thứ hai là “Hiện thực” được dành cho một góc khác trong căn phòng. Nhiệm vụ của “Hiện thực” là chọn ra những ý tưởng mà có thể biến thành hiện thực của ngài Mơ ước và xác định phương cách cụ thể để có thể làm được điều đó.

Và cuối cùng, khi chuyển đến góc tối tăm nhất của căn phòng, Disney hóa thân thành nhà “Phê bình” và bắt đầu tìm kiếm những điểm yếu và sai sót trong ý tưởng và kế hoạch hành động của “Mơ ước” và “Hiện thực”.

Sau này, ông đã sử dụng chính phương pháp này trong tập đoàn của mình để tạo ra những bộ phim hoạt hình nổi tiếng thế giới.

Những nhân viên thuộc bộ phận “Mơ ước” được làm việc trong những căn phòng sáng, trên tường treo những bức tranh, biểu ngữ, các câu châm ngôn khơi dậy không khí hào hứng. Nhân viên ở đây được phép lộn xộn và không cần tuân thủ cứng nhắc theo các quy định chung.

Sau đó các ý tưởng được chuyển sang bộ phận “Hiện thực”. Tất cả mọi thứ ở đây được sắp đặt theo phong cách khác hẳn, mọi người có thể cảm thấy một bầu không khí làm việc chuyên nghiệp và nhìn thấy các trang thiết bị hiện đại nhất. Các nhân viên ở bộ phận này chọn ra những ý tưởng “dùng được” của bộ phận “Mơ ước” và lên kế hoạch để biến các vật thể vô hình này thành một sản phẩm có thật.

Và cuối cùng, kế hoạch đã sẵn sàng được chuyển sang những căn phòng nhỏ của bộ phận “Phê bình” nằm dưới cầu thang. Các nhà “Phê bình” đánh giá những mạo hiểm, tìm ra những điểm yếu và khiếm khuyết.

Trong trường hợp cần thiết, kế hoạch hành động có thể được trả về hai bộ phận trước – và vòng quay này sẽ còn tiếp diễn đến khi có được một kế hoạch hoàn hảo nhất.

Điều thú vị là bản thân Walt Disney có thể tham gia vào cả ba giai đoạn của công việc. Theo lời của những nhân viên trong tập đoàn thì ông là một người “ba trong một” và không ai có thể đoán được Walt Disney sẽ đóng vai trò nào khi bước vào cuộc họp.

Vở kịch ba hồi

Bản chất chiến lược sáng tạo của Walt Disney nằm ở chỗ đã chia chính xác quá trình này thành các giai đoạn khác nhau.

Khác với nhiều người, Walt Disney không suy nghĩ hai lớp (đưa ra ý tưởng rồi sau đó chỉ trích) mà là ba lớp (đưa ra ý tưởng, tìm kiếm con đường thực hiện rồi sau đó mới chỉ trích).

Mỗi một giai đoạn có một nhiệm vụ nhất định: “Ước mơ” đưa ra ý tưởng và mục tiêu; “Hiện thực” biến những ý tưởng thành kế hoạch hành động cụ thể; “Chỉ trích” là bộ lọc và tác nhân kích thích sự hoàn thiện.

Kết quả cuối cùng có được nhờ vào sự gắn kết chặt chẽ của ba giai đoạn trên – “Chỉ trích” mà thiếu “Hiện thực” thì không hiệu quả, “Hiện thực” mà không có “Ứớc mơ” thì không có phương hướng để hành động.

Rất nhiều năm sau khi Walt Disney qua đời, những nhân viên của ông vẫn tin tưởng một cách tuyệt đối rằng một ngày nào đó Walt Disney quay trở lại với họ. Mọi người cho rằng thi thể của ông đang được ướp lạnh ở một trong những trường đại học tại California ở trạng thái tiềm sinh sẽ được hồi sinh khi y học tìm ra loại thuốc chống lại căn bệnh ung thư. Và khi đó, Walt Disney sẽ trở về với đế chế kinh doanh hùng mạnh của mình.

Trong suốt cuộc đời mình, Walt Disney đã làm nghề biến ước mơ thành hiện thực, vì vậy niềm tin của mọi người về sự trở lại của ông trên thực tế cũng chả có gì là... hoang đường cả. Chính Walt Disney cũng đã tin một cách tuyệt đối rằng: “Nếu bạn có thể nghĩ ra một điều gì đó thì có nghĩa bạn cũng sẽ làm được điều đó”.

MỚI - NÓNG