Walt Disney - Thiên tài kỳ quặc

Walt Disney - Thiên tài kỳ quặc
Nhân kỷ niệm 40 năm sau khi huyền thoại Hollywood Walt Disney từ trần (15-12-1966), tác giả Neal Gabler vừa phát hành quyển "Walt Disney: The Triumph of the American Imagination" với nhiều tiết lộ bất ngờ.

Với nhiều người, Walt Disney là thiên tài, tạo dựng một sự nghiệp khổng lồ từ con số không. Với nhà nghiên cứu tiểu sử Neal Gabler, Disney là kẻ đáng ghét, từng làm nội gián cho FBI, một kẻ không có tên thật, không có giấy khai sinh và thậm chí còn bị cho là không có... linh hồn!

Người không khai sinh!

Cuộc đời Walt Disney hệt như một bi kịch đầy những đoạn thăng trầm. Sinh năm 1901 (như vẫn thường được nghĩ như vậy) với mẹ là Flora và bố là Elias Disney (làm nghề thợ mộc ở Chicago), Walt Disney là cậu con trai thứ tư trong gia đình.

Elias nghiện rượu nặng và tật mê bài bạc của ông đã khiến gia đình lâm vào cảnh túng khổ. Cũng vì tật xấu của bố Elias, gia đình Disney buộc phải bán căn nhà ở Chicago và dọn đến một nông trại ở giữa miền Tây nước Mỹ. Khi hai người anh Herbert và Raymond bỏ nhà đi, cậu bé Walt Disney 6 tuổi buộc phải ra đồng làm việc.

Cuộc sống thơ ấu của Walt Disney luôn bị ám ảnh bởi những trận đòn cay nghiệt của bố và chính điều này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến bản chất cũng như cá tính của Walt Disney khi trưởng thành. Ngay khi còn nhỏ, Disney đã say mê vẽ. Nhà hoạt họa vĩ đại nhất thế giới Walt Disney từng dùng than vẽ trên giấy vệ sinh vì không có tiền mua bút chì và tập giấy.

Walt Disney - Thiên tài kỳ quặc ảnh 1
Walt Disney, "cha đẻ" của chú chuột Mickey

Cậu bé Walt Disney cũng sớm tỏ ra đam mê điện ảnh, nhất là từ khi xem bộ phim The tramp của Chaplin. Năm 11 tuổi, Disney bị tai nạn gãy chân.

Trong thời gian nằm viện, cậu đọc báo và bắt đầu mê truyện hoạt hình. Khi ngày cuối cùng của hai tuần nằm viện kết thúc, niềm mơ ước lao vào lĩnh vực hoạt hình cũng bắt đầu bùng cháy trong Disney.

Năm 1917, Walt Disney quyết định ghi danh vào quân ngũ. Do bị ngăn cản, Disney đã giả cả chữ ký của bố lẫn mẹ.

Bởi khuôn mặt trông quá trẻ nên Disney bị buộc phải xuất trình giấy khai sinh. Đến lúc đó, Disney mới biết mình không hề có khai sinh.

Trên giấy tờ chính thức, không hề có ai tên Walt Disney mà chỉ có hồ sơ của một người tên Walter, con của bà Flora và ông Elis Disney (chứ không phải Elias) và năm sinh là 1891 (chứ không phải 1901).

Suốt quãng đời còn lại của mình, Walt Disney luôn dằn vặt và đau khổ khi không tìm ra nguồn gốc chính xác của gia đình dù cố hết sức.

Sau chiến tranh, Disney trở về theo đuổi con đường hoạt họa nhưng bị các nhà xuất bản từ chối cộng tác. Cuối cùng, Disney cũng kiếm được việc làm trong một công ty quảng cáo. Một tháng sau, anh bị đuổi vì “thiếu khả năng vẽ”.

Tuy nhiên, người bạn Ub Iwerks làm chung công ty đề nghị Disney cùng mở một công ty riêng. Công ty đầu tiên của Disney ra đời năm 1920, có tên Iwerks Disney Commercial Artists.

Đường đến... huyền thoại

Walt Disney - Thiên tài kỳ quặc ảnh 2

Một lần, trên chuyến xe lửa từ New York City về Los Angeles, Walt Disney trong tâm trạng ủ rũ đã bất thần tạo ra nhân vật hoạt hình mới: chú chuột Mickey.

Mickey xuất hiện lần đầu tiên trong phim hoạt hình Steamboat Willie, khởi chiếu vào ngày 18-11-1928 (được chọn là ngày khai sinh Mickey), tại rạp Colony Theatre ở New York. Năm 1932, Viện Hàn lâm khoa học-nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ trao Oscar đặc biệt cho Walt Disney trong việc tạo ra Mickey.

Năm 1935, Hội Quốc liên (tiền thân LHQ) tặng Walt Disney huy chương đặc biệt trong việc tạo ra Chuột Mickey; đồng thời “phong” Mickey là “biểu tượng lòng thiện chí toàn cầu”.

Thập niên 1930 là thời hoàng kim của Mickey. Chú chuột nhắt xuất hiện tổng cộng trong 87 phim. Mickey nổi tiếng đến mức nó trở thành mật mã của quân đồng minh vào ngày D-Day (tổng công kích phát xít Đức)…

Disney nhanh chóng học các thủ thuật trong nghề và sau đó đứng ra thành lập công ty riêng, tên Laugh-O-Grams nhưng một lần nữa con đường của Disney gặp phải trở ngại tài chính.

Năm 1923, Disney lại bắt đầu từ con số không bằng cách hợp tác với người anh Roy của mình, từ đồng vốn ít ỏi 500 USD mượn từ ông bác. Đây cũng là thời điểm Disney quen Lillian Bounds và họ lấy nhau sau đó. Công ty The Disney Brothers Studio của anh em Disney bắt đầu được biết đến sau thành công từ bộ phim Oswald - chú thỏ may mắn.

Disney nghĩ đến việc chọn một nhân vật đặc thù cho các cuốn phim hoạt hình của mình. Ông chọn con chuột và đặt tên là Mortimer nhưng cô vợ Lillian đề nghị cái tên Mickey. Ub Iwerks trở thành họa sĩ chính trong khi Disney tập trung vào việc viết kịch bản.

Tình hình tài chính vẫn bi đát đến độ Roy phải bán chiếc xe hơi của Disney để trả lương nhưng sau khi tung ra bộ phim thứ ba có âm thanh - Tàu hơi nước Willie, hãng Disney đã thật sự gây tiếng vang. Ở tuổi 26, Walt Disney trở thành người đầu tiên sản xuất được phim hoạt hình có âm thanh.

Tên tuổi càng nổi, Walt Disney càng trở nên bẳn tính. Ông bị ám ảnh bởi nhiều thứ. Thần kinh Disney như sợi dây lúc nào cũng kéo căng hết cỡ. Ông không thể ngủ và uống rượu thay bánh mì. Trong cơn say, ông khóc hàng giờ liền và lẩn tránh mọi người.

Điều đáng buồn nhất là Disney mắc phải chứng bất lực. Sau nhiều lần chạy thuốc và áp dụng đủ phương cách, Disney đã có thể có con, sau 8 năm lập gia đình. Năm 1933, Lillian sinh bé gái Diane Marie.

Năm 1934, Disney bắt đầu áp dụng nhiều điều luật gây khó chịu trong công ty. Rượu bị cấm tuy bản thân ông uống suốt ngày. Các họa sĩ không được để râu tuy chính Disney không bao giờ cạo bộ râu mép.

Mỗi lúc, Disney càng trở nên kỳ quặc và khó chịu. Trong dịp sinh nhật lần thứ 35 của Disney, hai họa sĩ đã đùa bằng cách vẽ cảnh chú chuột Mickey và cô chuột Minnie giao phối, với dụng ý góp vui.

Disney vỗ tay nhiệt tình, tỏ vẻ thích thú để rồi sau khi hỏi ra tác giả bức tranh, ông chỉ mỉm cười và ra lệnh... đuổi việc họ.

Trong cuộc sống gia đình, Disney tìm cách né tránh vợ. Có khi ông bỏ nhà đi suốt nhiều tuần liền. Năm 1936, sau khi yêu cầu Disney sinh đứa con thứ hai nhưng không được, Lillian nhận một bé gái làm con nuôi, đặt tên là Sharon Disney.

(Còn nữa)

Theo Lê Thảo Chi
Sài Gòn Giải Phóng

MỚI - NÓNG