Website của quán trà vỉa hè

Website của quán trà vỉa hè
Một khoảnh vỉa hè, manh chiếu nhỏ, ấm trà đặc, hôm nào sang thì thêm gói hạt dưa, điếu thuốc... cũng đủ làm "mồi" cho trăm thứ chuyện trên trời dưới biển.

Đó chính là không gian thời sinh viên của chúng tôi. Một quán trà nhỏ trong khu Thanh Xuân Bắc (Hà Nội).

Đứng lên trả tiền, chẳng mấy khi quá 5.000 đồng. Ngon, thoải mái và rẻ. Sau nhiều năm trở lại, vẫn là quán cóc nhỏ nương vào một góc cầu thang khu tập thể cũ kỹ, nhưng câu chuyện của tôi với cụ Lư chủ quán - năm nay đã 76 tuổi -  lại xoay quanh... trang web của quán trà vỉa hè này.

Gọi là quán nước vỉa hè cũng không ngoa, bởi dù đã được VTV4, Đài NHK Nhật Bản tới ghi hình như một nét văn hóa Hà Nội, 16 năm qua quán vẫn chỉ một góc đơn sơ nép vào chân cầu thang nhà B6, Thanh Xuân Bắc.

Ban sáng, là nơi tụ họp chuyện trò của các cụ hưu trí trong khu sau khi tập thể dục và ăn sáng, quán trầm lắng gói gọn trong không gian 8m2. Nhưng buổi tối, khi cánh sinh viên các trường đại học xung quanh đến góp mặt tới cả trăm người, quán có thể "giãn nở"... không giới hạn.

Bà con khu phố đã đồng ý cho "khách cụ Lư" ngồi ở suốt vỉa hè đối diện và khoảng sân rộng của khu nhà. Những buổi tối đến đây, điểm đủ mặt sinh viên các trường trên những chiếc ghế con con, trên những manh chiếu san sát nhau mới thấy câu nói vui: "Trẻ uống trà, già tập thể thao" nhiều khi... quá đúng!

Quán nước vỉa hè Hà Nội không hiếm, nhiều nữa là đằng khác. Thế nhưng, hiếm có quán nào mà khách tới có thể yên tâm hoàn toàn về khoản... an toàn vệ sinh! Nồi nước luộc chén trên bếp than hồng lúc nào cũng sôi nghi ngút là lời đảm bảo chắc chắn nhất.

Mùa hè nóng nực, khách còn hãi cái nóng mà ngồi xa xa, chứ mùa đông thì gì bằng hơi ấm từ lò than hồng ấm cúng, nâng chén trà sạch bong, hương chè mơn man khứu giác và vị chè lưu luyến vị giác. Quán đã sẵn trà ngon, rủ thêm đến đây một ông bạn hiền nữa thì buổi tối trở thành hoàn hảo.

Thật phục sự tinh tế và cầu kỳ của cụ giáo Lư đã duy trì được lịch uống trà đều đặn suốt nhiều năm qua: thứ hai trà sen, thứ ba trà nhài, thứ tư trà cúc, thứ năm Thanh Hương, thứ sáu Anh Đào, thứ bảy Hồng Đào - mỗi loại một màu nước, một hương một vị khác nhau.

Riêng chủ nhật cuối tuần, cụ giáo đẹp lão đãi khách bằng trà Ngũ Hương hội tụ cả 5 vị trong một vành chén nhỏ: sen, nhài, cúc, mộc Tân Cương, ngâu (hoặc sói). Sáng chủ nhật, quán rộn ràng hơn thường lệ với hội thơ và hội đố. Mến ông chủ quán yêu văn thơ, khách thơ văn cũng chọn nơi có trà ngon bạn hiền làm chốn giao lưu. Khách quen trong Hà Nội, khách từ nơi xa... Những bài thơ khen và cả thơ phê bình của bạn trà, cụ Lư đều trân trọng lưu giữ.

Suốt ngày tất bật với quán trà làm vui, cụ Lư vẫn băn khoăn thấy những việc mình làm góp phần gìn giữ và tôn vinh văn hóa trà Việt chưa được trọn vẹn.

Các bài báo viết về trà đã nhiều, nhưng chưa được tập hợp và thống nhất để mang đến cho mọi người, nhất là những người trẻ tuổi, cái nhìn đúng đắn về giá trị, nội dung và mục đích của văn hóa trà, ấy là Hòa - Kính - Thanh - Tĩnh như câu slogan treo trang trọng bên trên ngôi quán nhỏ.

Website của quán trà vỉa hè ảnh 1

Trang web www.lutraquan.com

Đầu năm 2005, con trai cụ, một người cũng yêu trà, yêu văn thơ, yêu thư pháp đã giúp cụ Lư hoàn thành tâm nguyện với một website trang nhã mang tên www.lutraquan.com - một trà quán ảo trên mạng để những người yêu trà, yêu văn thơ, yêu thư pháp bốn phương cùng có nơi chốn đi về, sinh hoạt, giao lưu và phổ biến những nét văn hóa Việt.

Cụ hào hứng kể một loạt bài viết vừa hoàn thành, dự định sẽ "upload" (tải) lên trang web của mình trong nay mai. Đưa tấm danh thiếp được thiết kế rất trang nhã và chuyên nghiệp cho tôi - người khách cũ - cụ giới thiệu cơ sở 2 mới mở ở 456 Hoàng Hoa Thám: "Chỗ ấy rộng rãi, thuận tiện hơn cho các bạn trà đến giao lưu".

Quả thật, hoạt động chưa được bao lâu, cơ sở 2 (cũng mang tên "Lư trà quán") đã trở thành địa điểm tụ họp của các nhóm bạn trên mạng như Dĩ trà hội hữu, Ý tưởng sáng tạo, Nghệ thuật thư pháp... không phân biệt trẻ già. Cụ giáo già quanh năm "chuyên trị" bộ quần áo nâu sậm đã chọn công nghệ thông tin làm cầu nối cho những giá trị văn hóa Việt.

Và cụ đã chọn đúng.

MỚI - NÓNG