Xả thân vì nước, vì dân

Xả thân vì nước, vì dân
TP - Báo Tiền phong đã mở ra một diễn đàn rất có ý nghĩa. Nhiều bài có sức nặng, thú vị, làm ta giật mình. Trong bài viết này, tôi chỉ xin đề cập đến một trong những phẩm chất tốt đẹp của người Việt là xả thân, là quên thân mình vì nước, vì dân
Xả thân vì nước, vì dân ảnh 1
Các chiến sĩ quân đội xả thân giúp dân phòng chống bão lũ. Ảnh: Hồng Vĩnh

Rất nhiều phẩm chất của người Việt, mà lẽ ra, chúng ta phải đúc kết, viết thành sách, đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông và đại học.

Những phẩm chất của người Việt phải được cụ thể hóa bằng những dẫn dụ, những câu chuyện sinh động, chắc chắn sẽ thu hút người đọc, nhất là lứa tuổi sinh viên, học sinh, sẽ có tác dụng giáo dục rất lớn, thay cho cách rao giảng đạo đức suông, khô cứng mà nhiều nơi vẫn làm.

Trong bài viết này, tôi chỉ xin đề cập đến một trong những phẩm chất tốt đẹp của người Việt là xả thân, là quên thân mình vì nước, vì dân.

Trong lịch sử mấy nghìn năm, biết bao nhiêu tấm gương dám xả thân vì nước vì dân mà ta đã biết. Chỉ riêng hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ gần đây nhiều tấm gương làm ta vô cùng xúc động.

Đặng Thùy Trâm là một ví dụ. Không phải ngẫu nhiên mà hàng triệu người trong cả nước xúc động khi đọc nhật ký Đặng Thùy Trâm. Tấm gương hy sinh quên mình, dám xả thân vì nước của bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã đi vào lịch sử dân tộc như là một Nguyễn Văn Trỗi, một La Văn Cầu, một Phan Đình Giót, một Hoàng Diệu tuẫn tiết trên thành Hà Nội…

Nhưng, lịch sử luôn vận động, đi lên, qua nhiều giai đoạn, qua nhiều thăng trầm và điều quan trọng là sự phát triển. Sự phát triển của mỗi cá nhân con người và sự phát triển của đất nước, phẩm chất người Việt cũng từ đó mà hình thành, biến đổi.

Điều dễ nhận thấy về phẩm chất xả thân, ấy là qua những cơn phong ba của đất nước, lúc có giặc ngoại xâm, lúc thiên tai ập đến. Ấy là lúc biến, còn lúc thường thì sao!

Hôm qua, tôi vừa đọc trên báo một mẩu tin về sự xả thân của một dân phòng trong cơn bão Xangsane. Thực sự, có rất nhiều chiến sĩ, quân đội, công an đã xả thân chống tội phạm, bảo vệ tính mạng tài sản cho dân.

Cũng như qua cơn bão Xangsane mà ta thấy trên truyền hình hay qua báo chí, nhiều chiến sĩ bộ đội, nhiều cán bộ, nhiều người dân đã lao vào tâm bão cứu người, cứu tài sản… Đó là lúc biến. Lúc khó khăn mới thấu hiểu lòng người. Mới thấy rõ phẩm chất cao đẹp của người Việt: Dám xả thân.

Tôi muốn nói đến lúc thường. Cuộc sống thường ngày mà ta đang sống. Những tấm gương dám xả thân để nói lên sự thật, đấu tranh cho sự thật như thầy giáo Khoa, như bác Đinh Đình Phú... đang xuất hiện. 

Đó là nét mới của phẩm chất xả thân. Nhưng, tôi vẫn băn khoăn tự hỏi đã có bao nhiêu tấm gương dám xả thân trong văn hóa, trong xây dựng, trong kinh tế, trong khoa học, trong công nghệ…

Tình cờ, hôm trước, tôi được xem một bộ phim về một phi công người Mỹ đầu thế kỷ đã dám bay thử vượt đại dương. Người phi công này đã dám xả thân cho một xu hướng mới trong khoa học: phát triển ngành hàng không nước Mỹ và thế giới.

Cũng giống như những chiến sĩ của chúng ta khi mở đường Hồ Chí Minh trên biển, bước xuống những con tàu không số là coi như cầm chắc cái chết trong tay. Nhưng, họ dám xả thân vì nước.

Chúng ta đã mở đường mòn Hồ Chí Minh trên biển thành công. Người phi công Mỹ đầu thế kỷ cũng đã mở con đường hàng không cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, cho thế giới thành công... Có điều, những tấm gương dám xả thân trong khoa học, công nghệ, văn hóa, kinh tế...

Xả thân cho sự tiến bộ, phát triển, cho văn minh, cường thịnh của đất nước lúc này là cần thiết hơn bao giờ hết.

Theo tôi, xã hội và mỗi chúng ta phải làm sao để có nhiều tấm gương dám xả thân vì sự văn minh, tiến bộ, vì sự phát triển giàu mạnh của đất nước... như chúng ta đã có rất nhiều tấm gương dám xả thân vì độc lập của dân tộc.

Dám xả thân trong những hoàn cảnh đặc biệt đã là những tấm gương ngời sáng đáng khâm phục, dám xả thân trong cuộc sống bình thường hàng ngày, vì dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh lại càng đáng khâm phục hơn.

MỚI - NÓNG