Xây dựng thế giới kỳ ảo của riêng mình

Xây dựng thế giới kỳ ảo của riêng mình
TP - Cầm cuốn sách “Thế giới phép thuật - Người lột da” (Nxb Văn học 2009) người ta không thể biết tác giả của nó là một chàng trai chưa đầy 20 tuổi, thích nghe nhạc, xem phim, chat với bạn bè… như mọi chàng trai.
Xây dựng thế giới kỳ ảo của riêng mình ảnh 1
Phùng Minh Quân

Khi viết cuốn sách, Phùng Minh Quân (bút danh Phan Long Lân) đang học lớp 11 trường phổ thông Phan Đình Phùng - Hà Nội.

Quân trao đổi cởi mở với chúng tôi về công việc viết văn, về cuốn sách kỳ ảo - cổ tích hiện đại này.

Vì sao em lại lấy bút danh là Phan Long Lân chứ không lấy tên thật của mình như nhiều tác giả mới xuất hiện?

Đó là tên các nhân vật trong cuốn sách của em. Em lấy luôn tên các nhân vật này làm bút danh. Việc này đến với em hết sức ngẫu hứng.

Cha mẹ em đều là giáo viên toán, điều đó có vẻ lạ khi em lại đam mê viết văn?

Điều đó không ảnh hưởng gì đến việc viết văn của em. Khi đi học em học đều các môn, không đặc biệt chú tâm hoặc ngược lại - bỏ một môn nào. Cha mẹ em ủng hộ việc em viết văn, với điều kiện em phải học hành tử tế.

Hiện em đang là sinh viên năm thứ nhất tại Học viện Ngân hàng, viết văn nhưng lại đi theo nghề liên quan đến tiền bạc? Em nghĩ như thế nào về nghề văn? Nó có phải là một nghề đối với em không, em tự xác định về chuyện này như thế nào?

Theo em, văn chương có phải là một nghề hay không, còn tùy thuộc từng người, từng hoàn cảnh, từng thời điểm. Ngay từ khi bắt đầu viết em đã xác định nghề văn sẽ là nghề tay trái, là nơi để bộc lộ ước mơ cũng như niềm đam mê của bản thân, còn nghề ngân hàng mà em đang học mới là mục tiêu để em phấn đấu. Nhưng biết đâu đấy, nếu như nghề văn lại đem đến nguồn thu nhập  cao (hơn nghề ngân hàng) và  ổn định như các nhà văn nổi tiếng trên thế giới, có thể em sẽ suy nghĩ lại (cười)

Hiện có khá nhiều những cơ sở đào tạo viết văn, ngắn hạn có, dài hạn có, em có định tham gia một khoá học như vậy?

Như đã nói ở trên, khi đã xác định nghề văn là nghề tay trái, em chưa có ý định tham gia một khóa học như vậy, nhất là khi trước mắt em còn rất nhiều kế hoạch, dự định.

Em sẽ tiếp tục viết tiếp những câu chuyện kỳ ảo như “Người lột da”? Hay sẽ viết những câu chuyện khác?

Trước mắt em sẽ tiếp tục loạt truyện “Thế giới phép thuật”, bên cạnh đó em sẽ viết những câu chuyện gần gũi với thế giới thực, phản ánh thế giới học đường, mang đến cho bạn đọc  sự trẻ trung của thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ 9X chúng em.

Nói về tác phẩm đầu tay của em, em viết nó như thế nào? Vì sao viết? Khi viết em có bị “ám” như nhiều người viết thể loại này không? Và việc viết đó có ảnh hưởng gì đến chuyện học của em, khi lúc đó em đang học lớp 11?

Em viết hết sức tự nhiên, ý tưởng đến với em sau khi chứng kiến sự thành công của bộ truyện Harry Potter, và khi đọc seri Chuyện xứ LangBiang của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Mạch truyện và các tình tiết đến với em rất tình cờ, em gần như chỉ làm một công việc là gõ vào máy tính.

Em chưa từng biết có tác giả nào bị “ám” khi viết thể loại truyện này, và bản thân em cũng không thấy có biểu hiện gì bất thường. Việc viết truyện không hề làm ảnh hưởng đến việc học của em.

Dường như em có bị ảnh hưởng bởi cuốn sách nổi tiếng Harry Porter? Em nghĩ sao về một thế giới phù thuỷ, ma quái, Tiên -Phật theo kiểu Việt Nam hoặc ít ra - kiểu Á Đông, chứ không dính dáng gì đến những thế giới kỳ ảo kiểu phương Tây?

Việc bị ảnh hưởng bởi một tác phẩm nổi tiếng như Harry Potter là điều khó tránh khỏi khi đã chọn thể loại phù thủy phép thuật như thế này, và nhất là khi viết em còn ít tuổi, kiến thức và vốn sống còn hạn hẹp, chưa thực sự xây dựng được văn phong riêng…

Khi viết em cũng đã nhiều lần nghĩ về việc xây dựng một thế giới phép thuật theo kiểu Á Đông, nhưng sau đó một ý nghĩ chợt đến với em: Tại sao mình không tự xây dựng thế giới của riêng mình?

Tò mò chút, số tiền nhuận bút em được bao nhiêu? Em dùng nó vào việc gì? Em nghĩ gì về việc sống bằng nghề viết?

Theo hợp đồng thì em sẽ nhận được 10% giá bìa, cụ thể là 6,3 triệu đồng, hiện tại em mới được tạm ứng 700.000 đồng. Em sẽ dùng số tiền này để tự đóng học phí và tiêu dùng cá nhân mà không phải xin tiền bố mẹ nữa.

Theo em được biết những nhà văn sống được bằng nghề viết văn là rất ít, và bởi vì em xác định nghề văn là sự thể hiện niềm đam mê, nên em cũng không quan tâm lắm đến việc thu nhập.

Chưa đầy 20 tuổi, xuất bản một cuốn truyện dài, em có thấy chút gì như áp lực của vinh quang? Vinh quang đến sớm thường gây trở ngại cho những bước đường kế tiếp? Em đối phó với chuyện này thế nào?

Nói về  vinh quang có lẽ là hơi sớm, nhưng em đã bắt đầu  cảm thấy những áp lực về thời gian so với trước khi sách được xuất bản, như việc phải dành thời giờ để trả lời phỏng vấn… (cười)

Xin cảm ơn em.

Lê Anh Hoài (thực hiện)

MỚI - NÓNG