Xây dựng Trung tâm Văn hóa Tây Đô ở Cần Thơ

Xây dựng Trung tâm Văn hóa Tây Đô ở Cần Thơ
TP – Trung tâm Văn hóa Tây Đô ra đời sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa các địa phương trong vùng, giữa ĐBSCL với cả nước, tạo thêm môi trường phát triển đầu tư.
Xây dựng Trung tâm Văn hóa Tây Đô ở Cần Thơ ảnh 1
Phối cảnh không gian Trung tâm Văn hóa Tây Đô (khu văn hóa bên trên, khu công viên đa năng bên dưới, sông Cần Thơ phía Bắc và Tây)

Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn đồng ý xây dựng Trung tâm Văn hóa Tây Đô tại TP Cần Thơ để đáp ứng nhu cầu giáo dục truyền thống, tổ chức lễ hội, vui chơi giải trí và giữ gìn bản sắc văn hóa cho cả vùng ĐBSCL.

Trung tâm Văn hóa Tây Đô rộng 172,81 héc-ta (khu tái định cư 56,81 héc-ta). Tổng vốn đầu tư dự kiến 5.410 tỷ đồng, xây dựng 10 năm, trong đó vốn ngân sách chiếm 51%, còn lại liên doanh.

Thiên nhiên sông nước tại khu vực này sẽ được giữ gìn và đó là nét đặc trưng của Trung tâm Văn hóa. Sông Cần Thơ bọc hai phía Bắc và Tây, đường Quang Trung chạy mạn Đông, đường dẫn cầu Cần Thơ chạy mạn Nam. Tóm lại, khách bộ hành về 7 tỉnh, thành phố phía Tây sông Hậu hoặc ngược lại đều đi qua Trung tâm Văn hóa Tây Đô. Thật là vị trí đắc địa!

Ngoài khu tái định cư, diện tích còn lại 116 héc-ta sẽ chia làm 2 khu rõ rệt: Khu trung tâm văn hóa và khu công viên đa năng.

Khu trung tâm văn hóa rộng 60 héc-ta có nhà hát, cung hội nghị, bảo tàng, thư viện, trung tâm hoạt động thanh thiếu niên, nhà văn hóa thiếu nhi… Các công trình bố trí hài hòa với cụm tượng đài hơn 2 héc-ta (gồm tượng Bác Hồ, các danh nhân) và quảng trường có thể chứa 50.000 người.

Các công trình này ra đời sẽ giảm thiểu sự thiếu hụt bởi ĐBSCL rộng gần 5 triệu héc-ta, dân số hơn 17 triệu người nhưng hiện nay thiếu nơi tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo tương xứng.

Khu công viên đa năng rộng 56 héc-ta có rạch Cái Da uốn lượn bên trong. ở đây sẽ có những khu bảo tồn thiên nhiên: Cây, hoa, cá, cảnh của ĐBSCL, nơi phục vụ picnic cuối tuần và chơi thể thao sông nước.

Trung tâm Văn hóa Tây Đô được xây dựng theo hình thức cuốn chiếu, hoàn thành và đưa vào sử dụng từng công trình. Ông Lưu Văn Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết: Đã kiểm kê tính toán kế hoạch tái định cư cho gần 2.000 hộ trong vùng dự án.

Trung tâm Văn hóa Tây Đô sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa các địa phương trong vùng, giữa ĐBSCL với cả nước, tạo thêm môi trường phát triển đầu tư. Tầm nhìn của ĐBSCL qua đó cũng sẽ rộng hơn.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.