Xem bạn múa đôi

Lê Thiết Cương (phải) và Đinh Công Đạt.
Lê Thiết Cương (phải) và Đinh Công Đạt.
TP - Có một lẽ đương nhiên, bạn bè thân thiết chơi với nhau lâu ngày, bản tính thường rất khác nhau. Nghề càng gần nhau thì cách sống lại càng ngược nhau. Người này duy mỹ tinh tế thì người kia hồn nhiên phóng túng. Hoặc nữa, người này nhiều lúc trường chay còn người kia không bao giờ bỏ mặn. Thậm chí, ngay cả đến điểm chung nhất là khoát hoạt uống rượu thì lúc song ẩm, một người nhất quyết “tịch bất chính bất tọa, chai không vuông không uống”, một người hào sảng thỏa mái ngồi bệt. Người này có thể là Lê Thiết Cương, còn người kia có thể là Đinh Công Đạt.

Nói chung, trong “các mối tổng hòa quan hệ xã hội” của đám đàn ông bị “giời hành” làm nghệ thuật, thì chơi với bạn là một mối quan hệ thiêng liêng đặc biệt. Người nghệ sĩ có bạn tuy không thoát khỏi cô đơn nhưng sẽ cực kỳ thanh thản khi phải đối diện với cô đơn. Tình bằng hữu ở họ là một mối tình vô cùng lớn. Nó khiêm kính như tình cảm giữa thầy và trò. Nó hy sinh giống như bố với con trai. Nó thăng hoa nồng nàn hơn cả tình chung thủy chồng vợ hay tình đằm thắm bồ bịch. Nó phóng chiếu ôm ấp trân trọng làm cao cả lẫn nhau. Vì thế, Đạt dời điêu khắc có vẽ sơn dầu, hay Cương có nghỉ tranh đi nặn tượng, thì bất cứ ai đã là bạn của cả hai, cũng chẳng hề thấy lạ.

Chơi với bạn là phải “đạm như thủy”. Đại loại đương nhiên phải đậm đà nhưng trong suốt vô tư vô công vô danh vô lợi. Bạn bè sẵn sàng có thể chết vì nhau, nhưng sự tuẫn tiết ấy không phải là cái dung tục thuần túy trả ơn lại càng không phải cái câu nệ tri ân báo đáp. Dự Nhượng nuốt than báo thù cho Trí Bá, Kinh Kha xả thân hành thích vua Tần đều chỉ là cái hết lòng của kẻ hiệp sĩ tận hiến cho người tri kỷ từng nuôi dưỡng từng chiều chuộng mình. Tuyệt đối đấy không phải là tình bạn.

Xem bạn múa đôi ảnh 1 Tác phẩm Mâm sơn mài (Đinh Công Đạt).

Ở lời “tự tự”, tức là bài tựa viết cho chính mình, Thi Nại Am tác giả của thiên anh hùng ca lồng lộng tình bằng hữu Thủy Hử đã đơn sơ bộc bạch. “Cái việc khoái ý không gì bằng bạn. Nhưng nào có được nhiều đâu. Có khi gió lạnh, có lúc mưa lầy, có lúc ốm đau, có khi không gặp. Bao nhiêu lúc đó thực là như ở trong tù. Nhà ta ruộng chẳng có bao, phần nhiều cấy lúa để riêng nấu rượu. Ta không uống mấy nhưng để phòng cho bạn ta xơi. Nhà ta cửa liền sông lớn, mái có cây to bóng mát nơi bạn ta lui tới hay ngồi. Bạn ta toàn là hạng điềm đạm thông minh, nhưng mỗi ngày nói xong lại bỏ không biên chép bao giờ”. Chính vì thế mà lý do để Thi Nại Am phải viết tiểu thuyết giản dị đến ứa lệ. “Ta biết đâu người sau đọc đến sách ta, sẽ bảo ra sao. Hãy biết ngày nay đưa trình bạn ta, bạn đọc mà vui thế là đã đủ”. Văn cũng như họa, sâu xa giống hệt nhau. Cứ nhìn Đạt “rồ” ở những “buổi chiều chẳng biết cất vào đâu”, phóng cái xe “cào cào” đến nhà Cương hoặc song ẩm hoặc quần ẩm, bỗng chợt nhiên bàng hoàng tự ngộ. Này phác thảo tượng mới nhất của tôi nhé. Này là tranh còn chưa khô sơn mới xong tối qua. Ta cứ đem ra “trình” cho bạn của ta. Hỡi ơi, cuộc chơi nghệ thuật nào mà chân thành cảm động, thì từ xưa đến nay đều “như như” không khác.

Xem bạn múa đôi ảnh 2 Ghế tôn (Lê Thiết Cương).

Có phải thế chăng mà lần này họ hồn nhiên song tấu. Có thể họ sẽ hát, sẽ múa, sẽ vơ vẩn “đì zdai”. Quan trọng gì. Bởi được chơi cùng bạn luôn là một niềm hạnh phúc khôn tả. Và khi đã chơi thì thăng hoa tiêu sái. Chơi với bạn không giống như chơi cổ phiếu. Lúc sôi nổi lên cao cũng chẳng lấy làm mừng. Khi bất trắc tụt xuống cũng chẳng thấy làm khổ. Chơi với nhau phải lâng lâng dung dưỡng cái dở ở nhau, bạn mà toàn hay thì đâu có bền.

Một nghệ sĩ cô đơn có thể không có tiền, không có phẩm chức, thậm chí tuyệt vọng không có cả ái tình theo kiểu “giai tài gái sắc”. Nhưng bất hạnh nhất là khi vắng thiếu tình bạn.

Vậy thì hãy tưng bừng “múa đôi” đi.

Họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt sẽ cùng “múa đôi” trong triển lãm “Duo Design” (10-13/5 tại Press Club- 59a Lý Thái Tổ - Hà Nội). Không có tranh của Cương hay điêu khắc của Đạt, mà là những tác phẩm design của hai nghệ sĩ thiết kế cho những không gian nội thất. Design không phải để “vui tay”, hay phiêu lưu ở một miền thử nghiệm mới. Với Đạt và Cương, design là một hành vi chuyên nghiệp, ở đó cô đọng dấu ấn sáng tạo của người nghệ sĩ.

Nếu tác phẩm design của Lê Thiết Cương thống nhất trong ngôn ngữ tối giản, với hình thức triệt để “kiệm lời”. Thì tác phẩm của Đinh Công Đạt lại hớn hở ồn ào. Một người biểu cảm bằng sự lạnh lùng, người kia rối rít thân thuộc. Họ như màu đen đặt cạnh màu trắng, một phía bớt đi hết sức, một bên đắp vào lấy được. Đối thoại của sự khác biệt ấy là một cuộc “Múa đôi”, mà họ luồn lách và nâng đỡ để làm “nổi vị” của người bạn song tấu với mình.

MỚI - NÓNG