Xem Bằng Kiều, Hồng Nhung “cưa sừng”

Bằng Kiều song ca Hạt gạo làng ta với Nhật Minh. Ảnh: Trần Hiệp.
Bằng Kiều song ca Hạt gạo làng ta với Nhật Minh. Ảnh: Trần Hiệp.
TP - Càng ngày, hiện tượng trẻ em nghe nhạc người lớn càng phổ biến. Một bộ phận trẻ em thậm chí còn thờ ơ với nhạc Việt. Kể cũng phải khi tất cả những thứ âm nhạc thời trang kia được đầu tư tiếp thị hùng hậu và liên tục. Cho đến khi In the Spotlight quyết định cho nhạc thiếu nhi một diện mạo mới, đẳng cấp và đầy hy vọng.

In the Spotlight được biết tới như một format hòa nhạc sang trọng “chơi” chứ không “bán” nghệ thuật. Giám đốc âm nhạc của chương trình Hồng Kiên luôn để lại dấu ấn cá nhân mạnh trong hòa âm phối khí. Khi được thông báo chủ đề số mới nhất là nhạc thiếu nhi, tôi tự hỏi không biết chương trình có định đem dao rựa đi thái rau hay không. Nhưng kết quả qua tay phối khí của Hồng Kiên, các bài hát thiếu nhi thành tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh, sống động.

Nghe rất trưởng thành mà vẫn không phá đi nét trẻ thơ. Bằng chứng là khán giả nhí chiếm đến 1/3 rạp tỏ ra hào hứng từ đầu đến cuối. Đấy là các bé dưới 10 tuổi còn chịu theo người lớn đến đây nghe nhạc. Hy vọng được “tiêm nhiễm” từ sớm, sau này chúng sẽ thấy gần gũi với nhạc của cha
chú hơn.

Chương trình mở đầu bằng phong cách acoustic với hát ru Bắc bộ, Ngày đầu tiên đi học, Đi học, Em là hoa hồng nhỏ, Nụ cườiĐàn sếu (nhạc Nga). Giữa chừng bài Đếm sao, màn sân khấu rơi xuống và sân khấu vỡ òa trong âm thanh đầy đặn của cả dàn nhạc. Đến Chú ếch con, nhạc lại chuyển sang jazz. Xử lý dàn kèn khủng cho ra chất trẻ con chắc Hồng Kiên mới kham nổi.

Dàn nhạc cũng sẵn sàng chơi kiểu xập xình của những năm 1980 trong bài Cánh én tuổi thơ. Bài Ông trăng xuống chơi của Phạm Duy được chọn vào có thể coi là một nhân tố lạ so với nhạc thiếu nhi trong nước. Đề tài nhạc thiếu nhi dù đa dạng nhưng nội dung vẫn hiện thực, dễ hiểu. Riêng Ông trăng xuống chơi vừa đồng dao vừa dụ ngôn có khả năng kích thích tư duy trẻ em.

Bài hát miêu tả ông trăng xuống chơi với mọi người và vật trên đời và ai cũng cho ông quà nhưng ông đều trả lại: “Ông trăng xuống chơi cây bưởi thì cây bưởi cho hoa/ Ông trăng xuống chơi vườn cà thì vườn cà cho trái/ Ông trăng xuống cô gái đẹp thì gái đẹp cho chồng/ Ông trăng xuống anh đàn ông thì đàn ông cho vợ/ Ông trăng trả vợ đàn ông/ Trả chồng cô gái/ Trả trái cây cà/ Trả hoa cây bưởi…”.

Tuổi thơ tôi hơn 3 tiếng chỉ cần 4 giọng hát. Trong đó Hồng Nhung, Bằng Kiều rõ là để câu khách người lớn. Điều thú vị là hai cô chú dù có cố gắng nhưng xem ra vẫn không lại hai giọng ca trên dưới 10 tuổi Nhật Minh (Quán quân The Voice Kids). Thứ nhất các cô chú phải hát bằng quãng cao không lợi thế, thứ hai là tật quên lời, hẳn là do tuổi tác. Nhưng ngoài vài ba lỗi thảng hoặc không đáng kể, cô chú vẫn hát rất hay nhiều bài. Dù sao, nếu đã không phải sở trường thì các sao lớn kể cả hát nhạc thiếu nhi cũng nên cẩn thận.

Hai ca sĩ nhí đương nhiên như cá gặp nước. Đối phó với dàn nhạc hùng hậu toàn cao thủ có thể coi là một thách thức. Song Nhật Minh quá chuyên nghiệp rồi, phong cách gì cũng chơi được. Ngọc Linh hình như chưa có giải thưởng nhưng rõ là viên ngọc hiếm. Cô bé vẫn giữ được nét trẻ thơ hồn nhiên trong giọng hát.

Nghe Ngọc Linh hát thấy đúng là trẻ con hát nhạc trẻ con. Vì thế có thể cô bé sẽ không phù hợp với các cuộc thi hát bây giờ cứ bắt trẻ con phải hát nhạc người lớn. Nhưng hoàn toàn có thể thay thế hình tượng Xuân Mai nếu được đầu tư đúng hướng. Thực sự không biết thị trường hôm nay có còn mặn mà với nhạc thiếu nhi đúng nghĩa.

Tuổi thơ tôi vẫn có chút gợn khi Đếm sao được phối công phu, hoành tráng, nhưng lại bỏ mất đoạn cuối, từ “Đêm nhìn khắp bốn phương…” đến “…trên đất Việt Nam”. Không biết vì lý do gì nhưng đã phá mất cấu trúc bài hát, làm hiệu ứng âm nhạc giảm đi nhiều. Thứ nữa là do Hồng Nhung “xin” được hát bài ngoài chương trình là Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý). Hơi tiếc là bài người lớn không chỉ bị “lạc quẻ” mà chất thính phòng của bài hát tỏ ra không hợp với giọng cô Bống.

Tóm lại In the Spotlight đối xử với nhạc thiếu nhi như những tác phẩm lớn và quả thực độ lớn của các bài hát ấy càng có độ lùi thời gian, người ta mới cảm nhận rõ. Những bài hát chương trình chọn đều là tác phẩm mẫu mực của nhạc thiếu nhi cũng như nhạc Việt Nam. Những giai điệu đậm chất Việt của Em đi giữa biển vàng, Đưa cơm cho mẹ đi cày, Đi học… cất lên thì tâm hồn của nhiều thế hệ đều có thể thổn thức.

Không thiếu những cặp đầu hai thứ tóc hay những cụ già được con cháu dắt đi xem Tuổi thơ tôi để sống lại một thời. Dựng lại ký ức là tác dụng của âm nhạc. Hơn nữa đây lại là ký ức về quãng đời đẹp nhất của mỗi người. Âm nhạc thiếu nhi quả là kỳ diệu. Cả một kho tàng quý như thế nếu để ngủ yên thì thật phí. Làm mới và tăng hàm lượng nghệ thuật cho nhạc thiếu nhi đến mức như In the Spotlight đã là kỳ công rồi. Giá những chương trình như thế có cơ hội lưu diễn hoặc nhân rộng bằng cách nào đó…

Chương trình cho khán giả những thông tin sau bài hát. Ví dụ nhà thơ Hoàng Minh Chính có bài Đi học được Bùi Đình Thảo phổ nhạc là liệt sĩ, hy sinh khi tuổi tròn 20. Còn Đếm sao được Văn Chung sáng tác ngay trong đêm nghe tin con gái mất khi ông đang công tác xa nhà. Tuy nhiên Hồng Nhung nói về cái kết buồn của bài Tiễn thầy đi bộ đội thì không phải. Bài hát được Phạm Tuyên viết hộ con gái tiễn thầy lên đường nhập ngũ. Nhưng không lâu sau, hòa bình lập lại và thầy giáo đó không cần “đi làm anh bộ đội” nữa.

MỚI - NÓNG