Xem chèo không còn… chán

Xem chèo không còn… chán
TP - Vương nữ Mê Linh có thể coi là một thử nghiệm của chèo. Lần đầu tiên, khán giả xem chèo mà không thấy chán và bị cuốn theo những tình huống và cách xử lý của từng nhân vật trên sân khấu.

> Chen trẻ
> Tiểu thư 'đánh vật' với bà Trưng

Ảnh trong bài: cảnh trong vở Vương nữ Mê Linh. Ảnh: T.H
Ảnh trong bài: cảnh trong vở Vương nữ Mê Linh. Ảnh: T.H.

Nhà hát Chèo Hà Nội dựng Vương nữ Mê Linh với số tiền thật đáng nể là 1 tỷ đồng. Giữa thời buổi các đơn vị nghệ thuật sân khấu nói chung, và đặc biệt là sân khấu chèo nói riêng đang gặp vô vàn khó khăn trong việc đi tìm khán giả, chật vật với việc bán vé thì đây là một nỗ lực đáng nể.

NSƯT Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát Hà Nội chia sẻ: Lần này đầu tư về trang phục, về thiết kế sân khấu, dựng cảnh hoàn tráng… cùng dàn nghệ sĩ “gạo cội” cũng như những gương mặt nghệ sĩ trẻ triển vọng của nhà hát… tất cả chỉ với một mục đích đó là làm “vừa lòng” khán giả”.

Để làm nên một vở diễn lạ mắt thì việc chi tiền mời biên đạo múa Tấn Lộc và nhà thiết kế trang phục Sỹ Hoàng tham gia vở diễn đã cho thấy cái sự “chơi” nghệ thuật kỳ công của chèo Hà Nội. Chỉ tính riêng phần trang phục của nhà thiết kế Sỹ Hoàng cũng đã “ngốn” tới vài trăm triệu đồng.

GS, TS, NSND Đình Quang cho biết: “Tôi rất mừng khi xem vở chèo Vương nữ Mê Linh, vở diễn xây dựng hình tượng của hai nhân vật nữ của lịch sử Trưng Trắc, Trưng Nhị lại do chính bàn tay của nữ đạo diễn (NSƯT Thúy Mùi dàn dựng nên dường như có thêm sức thuyết phục hơn nhiều. Trong thời buổi mà các phương tiện truyền thông tràn ngập, ti vi phát đủ thể loại nghệ thuật, việc khán giả tới đông nghịt và chăm chú xem 2 tiếng không bỏ về đã là mừng lắm rồi. Bớt chất hoành tráng để khai thác sâu hơn những nỗi đau của nhân vật Trưng Trắc sẽ tạo nên sự đằm cho chất chèo đáng có của một vở chèo”.

Xem chèo không còn… chán ảnh 2

Hướng đi cho chèo… thời khủng hoảng

Vương nữ Mê Linh có thể coi là một thử nghiệm nhằm đi tìm những con đường mới để tiếp cận với khán giả ngày hôm nay. Điều đáng mừng hơn cả là bên cạnh hai NSƯT “gạo cội” của chèo Hà Nội là NSƯT Quốc Anh và Đình Thuận, sự xuất hiện của lực lượng diễn viên trẻ đã tạo sự thanh xuân, tươi mới cho vở diễn.

Vương nữ Mê Linh đã gây ra một cuộc tranh cãi rằng, liệu đây có thực sự là một vở chèo bảo tồn được truyền thống hay là một vở chèo hoàn toàn cải biên, cách tân. Nhưng những nỗ lực Nhà hát Chèo Hà Nội đã cho thấy khán giả rất hào hứng.

Đặc biệt, hai vai diễn chính Trưng Trắc, Trưng Nhị được giao cho hai diễn viên trẻ Thục Khánh và Thảo Quyên, hai vai nam chính Thi Sách và Thi Sơn giao cho hai nghệ sĩ Quốc Phòng và Quang Dương. Hai nhân vật thái thú Giao Chỉ Tô Định và Sầm Đan do NSƯT Quốc Anh và Đình Thuận thể hiện đã thực sự tạo ấn tượng mạnh với khán giả. Tuy nhiên, đứng bên các nghệ sĩ đàn anh, rõ ràng lớp trẻ vẫn còn non và đuối.

Có lẽ điều mà khán giả thích nhất đó là chất lửa trong vở diễn, tinh thần yêu nước quật cường, không khí hào hùng của một thời lịch sử đã được tái hiện sinh động trên sân khấu chèo lần này. Xem chèo mà không thấy chán, khán giả bị cuốn theo những tình huống và cách xử lý của từng nhân vật trên sân khấu, thay vì những tiết tấu chậm thường thấy trong chèo trước kia.

Những vai diễn này đòi hỏi sự khổ công luyện tập rất lớn đối với những diễn viên trẻ, đặc biệt là những nữ diễn viên thường chỉ quen với vai tiểu thư liễu yếu đào tơ trước đây.

Nữ đạo diễn, NSƯT Thúy Mùi đã giúp cho các nghệ sĩ trẻ cơ hội tỏa sáng trong những vai diễn lần này. Chưa đạt tới độ tinh, sắc như bậc đàn anh nhưng cái thần của từng nhân vật đã được biểu đạt khá tốt như cảnh Trưng Trắc (Thục Khánh) giả điên khi nghe tin chồng mình là Thi Sách mất. Thục Khánh và Thảo Quyên đã thể hiện được phần nào cái thần của nữ tướng nhà võ với sự mạnh mẽ, can trường, uy dũng.

Xem chèo không còn… chán ảnh 3

Không chỉ lựa chọn đúng vai diễn cho từng nghệ sĩ, đạo diễn còn tạo được những cảnh diễn rất hấp dẫn và đẹp mắt như cảnh lập hương án thờ Thi Sách của nữ vương Trưng Trắc. Dàn diễn viên với những giá nến được thắp sáng lung linh sân khấu, cảnh hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị cưỡi voi cùng nhân dân đánh giặc ngoại xâm, sự phối hợp giữa tạo hình, âm nhạc, ánh sáng cũng như trang phục đã tạo nên cảnh diễn đầy ấn tượng.

GS Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm Bảo tồn nghiên cứu văn hóa dân tộc Việt Nam nhận xét: “Nhà hát chèo Hà Nội đã cho chúng tôi được xem một vở diễn không giống như những vở chèo thông thường. Sự mở rộng không gian, thời gian, dàn dựng hoành tráng, công phu, huy động lực lượng nghệ sĩ lớn lên sân khấu… có thể coi là một thử nghiệm tìm hướng đi cho chèo trong thời khủng hoảng. Tuy nhiên, tôi mong rằng các nghệ sĩ chèo Hà Nội sẽ vẫn kiên trì với dàn dựng chèo truyền thống”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG