Xem người Hàn kể chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ

Nhảy đường phố (streetdance) là loại hình nghệ thuật xuyên suốt trong K-Culture Show.
Nhảy đường phố (streetdance) là loại hình nghệ thuật xuyên suốt trong K-Culture Show.
TP - Công diễn trong 3 ngày 22, 23 và 24/6 tại Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng), K-Culture Show thu hút đông đảo người xem khi kể câu chuyện tình yêu phỏng theo truyền thuyết về Ngưu Lang - Chức Nữ. Là câu chuyện rất quen thuộc với mỗi người Việt Nam, vậy điều gì hấp dẫn khán giả khiến 3 suất diễn liên tục cháy vé?

Kể chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ bằng... streetdance

Mối nhân duyên bất ngờ dẫn dắt Kyun Woo đến thế giới xa lạ và gặp được Jik Nyeo. Chỉ bằng một ánh mắt, hai người cảm nhận được mối lương duyên tiền định của mình. Nhưng Cheong Kang - người luôn mang tình cảm đơn phương với Jik Nyeo lại đem lòng ghen tuông, đố kị và vô tình giết chết Jik Nyeo. Kyun Woo đau đớn vì cái chết của tình nhân, nỗi đau đớn cảm động thấu trời xanh và hai người họ biến thành 2 ngôi sao được gặp nhau mỗi năm một lần trên cầu Ô Thước.

Đó là câu chuyện phỏng theo truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ vốn rất quen thuộc trong văn hóa Phương Đông. Tuy nhiên, trong K-Culture Show, khán giả lại hết sức bất ngờ với cách kể chuyện độc đáo bằng nhiều loại hình nghệ thuật. Giọng opera cao vút của Louis Choi (vai Lewis, vị thần sáng tạo mọi câu chuyện dân gian trên thế giới) dẫn dắt khán giả đi qua mọi cung bậc cảm xúc tình yêu từ lúc gặp gỡ, yêu thương đến chia ly rồi gặp lại. Không đơn thuần kể chuyện bằng nhạc kịch, K-Culture Show kể chuyện bằng cả nhảy đường phố (streetdance), múa đương đại, võ thuật taekwondo... cùng với công nghệ hiện đại như màn hình LED 3D Mapping, sân khấu 3D sống động. Chỉ một tấm màn mỏng buông xuống, cùng với sự kết hợp hài hòa giữa âm thanh và ánh sáng, một vũ trụ bao la với những chòm sao, những dải ngân hà... hiện ra trước mắt khán giả, tưởng như có thể chạm vào; những màn tranh hùng giữa Kyun Woo và Cheong Kang hiện lên đầy huyền bí và uy dũng.

Khéo léo kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, K-Culture Show còn giới thiệu đến khán giả những hình ảnh, những câu chuyện văn hóa đậm chất Hàn Quốc. Những hình ảnh bức tranh sơn thủy đặc trưng của sân khấu hát kể Pansori (một hình thức hát ả đào phổ biến ở Triều Tiên thế kỉ 19 còn tồn tại đến ngày nay) hay màn trình diễn nhảy popping (một thể loại của streetdance) với trang phục truyền thống và mặt nạ của kịch mặt nạ Gwanno... gợi nhớ đến những loại hình nghệ thuật đặc trưng của Hàn Quốc. Ngay đến màn tranh tài của Kyun Woo và Cheong Kang cũng dựa trên hai nhân vật tài ba trong truyền thuyết của Hàn Quốc là vị anh hùng cướp của người giàu chia cho kẻ nghèo Hong Gil Dong và tiểu quái Jeon Woo Chi - một pháp sư nổi tiếng trượng nghĩa. Những yếu tố văn hóa, lịch sử được hiện lên một cách đầy sống động, hiện đại bằng những màn trình diễn street dance sôi động trên nền những ca khúc K-pop đang “làm mưa làm gió” ở châu Á, bằng những màn trình diễn võ thuật taekwondo mạnh mẽ, những bài múa nhịp nhàng...

Khán phòng Nhà hát Trưng Vương không ngớt những tiếng vỗ tay rền vang tán thưởng, những lời trầm trồ ngợi khen khi được lạc vào xứ sở Triều Tiên xưa qua công nghệ sân khấu 3D hay những tiếng reo hò cổ vũ cho màn rượt đuổi đầy gay cấn hay những màn nhảy sôi động. Không chỉ thu hút khán giả trẻ, trong khán phòng chật kín người của Nhà hát Trưng Vương qua 3 suất diễn cũng có không ít khán giả lớn tuổi. Bác Trần Văn Tuy (60 tuổi, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) trầm trồ: “Đến tuổi này tui mới được thấy sân khấu hoành tráng và chân thực như vậy, vừa đã tai đã mắt, không thua kém gì theo dõi một bộ phim nhiều kỹ xảo”. 

Xem người Hàn kể chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ ảnh 1 Hình tượng Yêu tinh trong văn hóa Hàn Quốc được thể hiện bằng nhảy đường phố kết hợp với trang phục và đạo cụ của kịch mặt nạ Gwanno. Ảnh: Giang Thanh.

Mang văn hóa truyền thống gần hơn với người trẻ

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện K-Culture Show, ông Park Hyung Sik, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Uijeongbu nói: “Nếu bạn lại kể cho người trẻ một câu chuyện cổ mà họ được nghe hàng trăm lần thì có lẽ họ sẽ không thèm xem. Nhưng bằng những loại hình nghệ thuật được giới trẻ yêu thích như street dance, âm nhạc K-pop, kỹ thuật hiện đại và sống động như trong K-Culture Show, chúng tôi tin tưởng những người trẻ sẽ bị thu hút và sẽ yêu thích tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật truyền thống của đất nước”.

Cất công “mang” K-Culture Show từ Hàn Quốc về Đà Nẵng, ca sĩ Quang Hào, Quyền Giám đốc Nhà hát Trưng Vương muốn khán giả Việt Nam có cơ hội thưởng thức những chương trình nghệ thuật giải trí đỉnh cao. “Đó thực sự là một câu chuyện về lịch sử và văn hóa được kể lại sinh động, hấp dẫn và hoành tráng. Dù là một người làm nghệ thuật lâu năm, nhưng bản thân tôi cũng choáng ngợp trước quy mô của chương trình khi được xem trực tiếp ở Hàn Quốc”, ca sĩ Quang Hào cho biết. Anh cũng mong muốn Ban giám đốc cũng như nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát có cơ hội học tập phong cách làm việc và quá trình lao động nghệ thuật chuyên nghiệp từ K-Culture Show. Đồng thời, vị giám đốc trẻ cũng tham vọng thực hiện một chương trình nghệ thuật đậm chất Việt Nam kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại nhằm khơi dậy tình yêu đối với nghệ thuật, văn hóa và lịch sử dân tộc của khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.

K-Culture Show do Trung tâm Nghệ thuật Uijeongbu thực hiện và được lựa chọn làm “Chương trình hỗ trợ nghiên cứu phát triển văn hóa đặc trưng khu vực” do Sở Du lịch, Thể thao, Văn hóa, Nghệ thuật Hàn Quốc và Quỹ xúc tiến Content Hàn Quốc đồng tổ chức. Nhân dịp kỉ niệm 25 năm quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc, BTC đã chi gần 1 tỷ won để mang K-Culture Show đến Đà Nẵng với đoàn nghệ thuật gồm hơn 70 nghệ sĩ, diễn viên và nhiều container đạo cụ, thiết bị nghệ thuật... 

MỚI - NÓNG