Xem Oscar 2016 ở LHP quốc tế Hà Nội

“Con trai của Saul” sẽ được chiếu trong LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 4 đầu tháng 11 tới.
“Con trai của Saul” sẽ được chiếu trong LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 4 đầu tháng 11 tới.
TP - Không cận cảnh vào giết chóc bạo lực, nhưng Con trai của Saul, phim đạt Oscar nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất khiến người xem ám ảnh. Đây là một trong số phim đặc sắc chiếu trong LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 4 sắp tới.

Trại tập trung Auschwitz và sự thảm sát người Do Thái được khai thác khá nhiều trong điện ảnh. Con trai của Saul cũng lấy bối cảnh ấy năm 1944, nhưng khai thác góc nhìn khác về sự diệt chủng. Trong trại, Saul là một thành viên Sonderkommando-người Do Thái được Đức Quốc xã lựa chọn làm công việc thu dọn thi thể từ các lò hơi ngạt, làm được vài tháng sẽ bị giết. Tình cờ Saul phát hiện một cậu bé, nghi là con trai mình bị lạc, anh bất chấp nguy hiểm để tìm tu sĩ đọc kinh cầu nguyện và chôn cất con.

Đạo diễn sinh 1977 Nemes László thử thách người xem ngay trường đoạn mở đầu. Máy quay lấy nét vào nhân vật chính, hình ảnh xung quanh nhoè đi, từng đoàn người rầm rập tiến vào căn phòng thiếu sáng, những tiếng rì rầm trò truyện và sau đó là những tiếng đập cửa, la hét vọng ra từ lò hơi ngạt. Phim được quay bằng phim nhựa 35mm, ánh sáng giản dị và có kết hợp kỹ thuật số ở khâu hậu kỳ mang đến cho bộ phim tính chân thực. Điều này được cộng hưởng từ ngôn ngữ tài liệu đậm đặc. Máy quay chuyển động của nhân vật chính dẫn dắt câu chuyện đầy hồi hộp và kịch tính.

Ắt nhiều người đặt câu hỏi trong tình thế mạng sống còn khó giữ, liệu có cần thiết hi sinh để giấu và chôn một cái xác. Đó lại chính là góc nhìn riêng của đạo diễn khi làm mới đề tài diệt chủng. Xem phim lại nhớ Cậu bé mang pyjama sọc, phim kể về tình bạn giữa một cậu bé Đức với cậu bé Do Thái, cuối cùng cũng chết trong lò hơi ngạt. Góc nhìn khác nhau nhưng hai phim mang đến cái nhìn khác, mới mẻ về sự kiện đáng xấu hổ của phương Tây.

Con trai của Saul công chiếu lần đầu tại LHP Cannes 2015, được Giải thưởng lớn. Đó là khởi đầu cho Giải Quả cầu vàng, Oscar phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất và hơn 40 giải thưởng khác tại các liên hoan phim và giải thưởng quốc tế.

Trong tình cảnh gần như mất hết nhân tính, Saul phải đấu tranh với bản thân, đồng loại để tìm mọi cách làm ma cho cậu bé theo đúng truyền thống người Do Thái. Bên cạnh thảm kịch của hàng triệu người Do Thái chết trong các lò hơi ngạt, bi kịch của những người như Saul chưa được nhắc nhiều. Họ được chọn lựa để lùa đồng loại vào lò hơi ngạt, dọn dẹp thi thể, đốt xác và rải tro xuống sông và gần như phải câm nín, vô cảm.

Không khí đặc quánh tử khí và công việc khiến Saul có vẻ mặt rất phù hợp: Sự bướng bỉnh, đôi mắt u uẩn và vẻ quyết đoán, chút ngang tàng. Đạo diễn và biên kịch người Pháp Clara Royer mất 5 năm ấp ủ để tìm nhà sản xuất, diễn viên chính. Diễn viên người Pháp từ chối, cơ hội đến với Géza Rohrig. Anh vốn không phải diễn viên chuyên nghiệp mà là nhà văn, nhà thơ Hungary sống tại New York. Chất văn trong con người diễn viên bất đắc dĩ này tăng thêm chiều sâu, bi kịch khi phải lựa chọn nhân tính, giữ đức tin và đạo đức hay là giữ mạng sống. Saul hơn một lần phải đối mặt sự nghi ngờ liệu thằng bé có phải con anh. Đáp lại những nghi ngờ ấy chính là sự cương quyết của Saul, hoặc câu trả lời: “Chúng ta đều chết rồi”. Géza dường như không phải gồng lên để diễn. Chỉ cần gương mặt ấy và các góc quay đặc tả cũng đủ lột tả nội tâm của nhân vật. Phim cũng không nhiều thoại.

Hình ảnh rùng rợn của hàng nghìn xác chết chất chồng trong lò hơi, chuẩn bị được đưa vào lò thiêu và cả không khí trại tập trung ngột ngạt chỉ là bối cảnh của câu chuyện, nhân vật chính là Saul. Tuy nhiên, chỉ cần vài cú cận cảnh cũng đủ để người xem hình dung rộng hơn và hãi hùng. Thi thoảng cảm giác gai gai người lại ùa đến, đó là khi khán giả nhìn cận vào những thi thể bất động đang được kéo lê trên sàn, hay được đặt lên bệ chờ đẩy vào lò như thanh củi, hoặc cảnh đám người bị hối thúc cọ rửa những vệt máu đọng trên sàn lò hơi ngạt.

MỚI - NÓNG