Xin để linh hồn anh tôi được yên...

Xin để linh hồn anh tôi được yên...
TP- Non trưa 26/8, nhà văn Minh Chuyên xuất hiện trước cửa Tòa soạn báo Tiền phong. Cùng đi với nhà văn còn có ông Hoàng Ngọc Cát, em trai liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm mà đông đảo khán giả đã từng biết khi xem phim tài liệu Linh hồn Việt Cộng phát trên VTV1 tối 23 và 27/7/2008.
Xin để linh hồn anh tôi được yên... ảnh 1

Gia đình đào mộ liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm tại nghĩa trang Ayunpa theo kiểu hàm ếch  (ảnh do gia đình liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm cung cấp)

Bữa nay nhà văn Minh Chuyên đang rất bức xúc! Khi gặp chúng tôi ông xòe ngay ra những lá đơn gửi đi cấp này nơi khác trong đó có tòa soạn báo Tiền phong. Sự bức xúc của nhà văn là tập trung về dư luận trong đó có chương trình của Đài truyền hình Gia Lai phát tối 20-8-2008 “Bộ phim Linh hồn Việt Cộng, một nửa sự thật ở đâu?” rằng vì sao gia đình LS Hoàng Ngọc Đảm lại phải làm cái việc đi đào trộm mộ trong nghĩa trang Ayunpa! Rằng tại sao lại phải đào mộ ở một nơi và cúng vong ở một nơi khác? v.v... và v.v...

Xin cho chúng tôi được miễn bình luận về chương trình phim tài liệu của Đài TH Gia Lai và những dư luận khác đang băn khoăn về tính trung thực phần cuối của bộ phim tài liệu nổi tiếng của đạo diễn Minh Chuyên.

Về phần mình, chúng tôi cũng thông tin lại với đạo diễn Minh Chuyên về nhiều ý kiến của bạn đọc gửi tới Toà soạn bày tỏ sự xúc động sâu xa khi được xem bộ phim tài liệu Linh hồn Việt Cộng phát trên VTV1 tối 23 và 27/7/2008 ca ngợi thông điệp nhân văn sâu sắc mà đạo diễn Minh Chuyên đã chuyển tải trong bộ phim đến người xem.

Video clip: Linh hồn Việt Cộng

Để làm cái việc muốn giúp nhà văn an lòng và giải tỏa bớt những bức xúc, chúng tôi cũng chia sẻ với nhà văn một số ý kiến của bạn đọc sau khi báo Tiền phong số ra ngày 23 tháng 8 năm 2008 đăng bài phỏng vấn ông rằng việc phải đào trộm mộ LS Hoàng Ngọc Đảm để đưa về quê  Thái Bình cũng là việc bất đắc dĩ có thể thông cảm được!? Nói ra chi tiết này, chúng tôi cũng khẳng định ngay rằng, không thể cổ xúy cho việc làm vi phạm pháp luật là đào trộm mộ! Nhưng thực tế nhiều năm nay, thể theo nguyện vọng cũng có thể nói là chính đáng của không ít gia đình và địa phương các LS muốn phần mộ con em mình được an nghỉ trong nghĩa trang của gia đình và địa phương, việc chuyển mộ cùng những chuyến cất bốc hợp pháp và bất hợp pháp, có sự đồng thuận và không đồng thuận giữa chính quyền địa phương trông giữ phần mộ và thân nhân LS vẫn âm thầm được diễn ra!.

Rồi chi tiết việc đào mộ một nơi cúng tế một chỗ khác và cái đồi 467 nào đó nơi LS Đảm ngã xuống theo một số bạn đọc cũng không phương hại mấy đến nội dung tư tưởng của bộ phim cũng như những thông điệp nhân văn mà nhà văn gửi gắm trong đó đã được đông đảo người xem chia sẻ!

Tiện có nhà văn ghé Tòa soạn, chúng tôi cũng thông tin đến  nhà văn một số ý kiến băn khoăn nghi ngại của bạn đọc sau khi đọc bài phỏng vấn nhà văn Minh Chuyên trên báo Tiền phong số ra ngày 23 tháng 8 năm 2008.  Đó là những băn khoăn nghi ngại về chi tiết phần cuối của bộ phim, không có hình nhưng có lời bình  của nhà văn Minh Chuyên rằng có chiếc lọ Pénicilline trong ngôi mộ của LS Hoàng Ngọc Đảm mà gia đình đào được tại nghĩa trang Ayunpa!

Như nhiều người đều đã biết, chiếc lọ Pénicilline dùng đựng giấy ghi tên, địa chỉ liệt sĩ là một sáng tạo độc đáo của bộ đội ta trong những năm chiến đấu ác liệt trên các chiến trường. Do nhiều lý do (có thể để giữ bí mật phiên hiệu đơn vị? Hoặc có thể do vô vàn những lý do khác?) mà bộ đội ta đã không dùng thứ thẻ bài như quân đội Mỹ hoặc một số quân đội các nước chư hầu mang theo người khi tham chiến trên chiến trường Việt Nam.

Mỗi khi có chiến sĩ không may ngã xuống, tùy từng trường hợp ở các địa bàn tác chiến, chiến sĩ ta phải dùng vật chuẩn như gốc cây tảng đá con suối để đánh dấu phần mộ LS. Đặc biệt, không biết sáng kiến dùng lọ Pénicilline để đựng mẩu giấy về quê quán đơn vị chôn theo LS ai đã nghĩ ra mà trên các chiến trường rất nhiều trường hợp đã được áp dụng.

Bằng việc làm đơn giản ấy mà sau này, trong công tác cất bốc trưng tập, rất nhiều trường hợp LS vô danh đã thành có danh, làm vợi đi biết bao nước mắt buồn tủi của thân nhân LS! Nhưng tiếc thay, sáng kiến ấy không phải lúc nào và vào thời điểm nào hoàn cảnh nào cũng đều được áp dụng! Biết bao LS khi được tìm thấy hài cốt mà vẫn vô danh vì đâu có lọ Pénicilline tùy táng?

Xin trở lại với bộ phim tài liệu nổi tiếng Linh hồn Việt Cộng của nhà văn kiêm đạo diễn Minh Chuyên. Như trong phim và theo ông Hoàng Ngọc Cát, em trai LS Đảm ngồi đây cho hay, thì sau hằng bao nhiêu năm (LS Hoàng Ngọc Đảm hy sinh năm 1969), gia đình  LS Đảm biệt tin về phần mộ người thân của mình. Mãi đến năm 2005, một cựu binh Mỹ (bạn của Homer – người đã bắn chết LS Đảm) qua nhiều nguồn khác đã tìm đến Thái Giang, Thái Thụy, Thái Bình quê của LS Đảm.

Qua người bạn của Homer mà gia đình LS Đảm biết được nơi LS Đảm hy sinh. Sau đó người nhà của LS Đảm có tìm vào Tây Nguyên nhưng không tìm ra phần mộ của anh. Cho mãi đến khi kẻ bắn LS Đảm là Homer, tháng 5/2008 sang Việt Nam cùng mấy thân nhân gia đình LS Đảm vào Tây Nguyên, có sự góp sức của một nhà ngoại cảm (ở Hà Nội, không cùng đi) thì việc tìm mộ LS Đảm mới được tiến hành một cách rốt ráo.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không đề cập, phân tích đến chi tiết trong phim những là cựu binh Homer tìm thấy địa điểm nơi đã bắn hạ LS Đảm và việc cất bốc mộ cũng như cúng vong ra sao (nhân buổi làm việc này, chúng tôi cũng có thông báo lại với nhà văn Minh Chuyên, theo điều tra riêng của PV báo Tiền phong thường trú ở Gia Lai rằng, cái gọi là mỏm đồi 467 nào đó, nơi Homer bắn hạ người chiến sĩ Giải phóng Hoàng Ngọc Đảm nằm ven quốc lộ 25, cách tâm đường 30 m thuộc xã H’ Bông huyện Chư Sê, cách thị trấn Chư Sê khoảng 10 ki lô mét.

Địa điểm này cách xa thị trấn Ayunpa tận hơn 130 km! Chính chi tiết này đã làm khó cho nhà văn Minh Chuyên (sau thời điểm VTV1 phát sóng bộ phim Linh hồn Việt Cộng, tổ PV Đài TH Gia Lai nói riêng lẫn bạn coi truyền hình Tây Nguyên nói chung vốn thông thạo địa hình  đã phản ứng một cách gay gắt!) cũng như nhà ngoại cảm tại Hà Nội đã chỉ cho nhóm đào mộ vị trí chôn cất LS Đảm!

Chúng tôi chỉ trao đổi cùng nhà văn Minh Chuyên một số ý kiến của bạn đọc thắc mắc rằng, chi tiết cái lọ Pénicilline quan trọng thế tại sao không có hình trong phim? Mộ LS Hoàng Ngọc Đảm đã nằm trong nghĩa trang Ayunpa có nghĩa là từ nơi Homer bắn hạ LS Đảm, ngôi mộ LS Đảm đã được đội quy tập nào đó cất bốc đưa vào nghĩa trang thời gian nào không rõ?

Và tại sao, điều mấu chốt nhất mà bất kỳ đội quy tập nào cũng phải chăm chắm, phải thuộc lòng là phải săm soi xem có di vật nào chôn theo LS để xác định tên tuổi quê quán lại không xảy ra trong trường hợp này? Tại sao họ lại không phát hiện ra cái lọ Pénicilline từng chôn theo LS Đảm hằng bao năm như thế? Là cái lọ Pénicilline chứ đâu phải là sợi tóc hoặc cái răng?

Yên nghỉ trong nghĩa trang LS Ayunpa hằng bao nhiêu năm trời và là vô danh nhưng đến khi nhờ nhà ngoại cảm tận Hà Nội chỉ bảo (trong phạm vi bài viết này chúng tôi không đề cập đến công việc và năng lực huyền bí của nhà ngoại cảm và lạy trời, chúng tôi cùng chung niềm tin với nhà văn Minh Chuyên rằng hài cốt đã di về Thái Bình ấy đích là của LS Đảm) và nhất là khi nhà văn Minh Chuyên tự tay phát hiện ra cái lọ Pénicilline, may mắn thay LS Hoàng Ngọc Đảm trở thành có danh? 

Tại sao khi phát hiện ra cái lọ Pénicilline trong ngôi mộ LS Đảm, nhà văn Minh Chuyên và gia đình không báo cáo ngay với bộ phận quản trang lẫn chính quyền địa phương để hợp pháp hóa tạo điều kiện cho việc di dời mộ một cách hợp pháp, đường hoàng chả đến nỗi phải mang tiếng là đào trộm mộ như thế? v.v... và v.v...

Cũng với tâm trạng bức xúc như khi đến, đạo diễn Minh Chuyên đã khẳng định rằng, toàn bộ nội dung phim kể cả cái lọ Pénicilline đều là sự thật! Thậm chí ông còn “lấy mạng sống của mình cùng tư cách nhà văn ra để đảm bảo...”. 

Khi chúng tôi cẩn thận hỏi lại cả hai người rằng, ai là người phát hiện ra chiếc lọ Pénicilline? Nhà văn Minh Chuyên trả lời chính ông đã phát hiện ra và tự tay mở lọ lấy tờ giấy ghi tên tuổi Hoàng Ngọc Đảm trên mảnh giấy trong chiếc lọ Pénicilline.

Vậy chiếc lọ ấy đâu rồi? Minh Chuyên nói “đã chôn cùng hài cốt liệt sĩ ở quê nhà”. Nhưng rồi sau đó chính nhà văn lại quay sang hỏi ông Hoàng Ngọc Cát “có chôn theo không nhỉ?” - Chúng tôi ái ngại ngó sang gương mặt mệt mỏi cùng cặp mắt ngầu đỏ của người em trai LS Hoàng Ngọc Đảm khi ông nghẹn ngào xin để linh hồn anh tôi được yên nghỉ...

Chúng tôi ngậm ngùi tiễn nhà văn Minh Chuyên và ông Cát. Xin để linh hồn anh tôi được yên... Có lẽ đó là điều có lý cùng chủ đích của cuộc gặp giữa nhà văn Minh Chuyên và người em của LS Hoàng Ngọc Đảm với chúng tôi. Và ngay cả sự rốt ráo đi đến tận cùng để giải đáp những băn khoăn nghi hoặc trong câu hỏi của bạn đọc cũng là để đi đến mục đích ấy! Tôi xin lấy mạng sống cùng tư cách một nhà văn ra để đảm bảo... 

Ban nãy, chúng tôi quả đã phát hoảng khi thấy nhà văn Minh Chuyên thề như thế! Đã đến lúc phải là thời điểm cho những sự cam đoan gan ruột như thế không?

Nhưng chúng tôi mạo muội nghĩ rằng,  bằng tấm lòng chân tình và chữ tâm hằng đeo bám nhà văn trong suốt chặng hành trình nhân ái, nhân văn về đề tài thương binh- liệt sĩ, nhà văn Minh Chuyên, bằng lương tâm và trách nhiệm, có lẽ không có khó chi để hóa giải những điều mà bạn đọc băn khoăn là vô lý ấy thành có lý kể cả việc nhờ sự minh chứng lạnh lùng nhưng chắc lý của khoa học bằng phương pháp ADN!

Có lẽ đó cũng là cánh cửa để khép lại một việc buồn? Để hàng triệu con tim từng thổn thức càng thêm có lý trong những giọt nước mắt nhân văn khi nghĩ đến phim Linh hồn Việt Cộng!

MỚI - NÓNG