PGS-TS Nguyễn Văn Huy:

Xưa cướp lộc, nay biến tướng bạo lực

PGS-TS Nguyễn Văn Huy (giữa).
PGS-TS Nguyễn Văn Huy (giữa).
TP - Hết chuyện chém lợn, dân tình xôn xao về ẩu đả tại hội đền Sóc. PGS-TS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng, nhiều lễ hội có tục cướp lộc nhưng không kinh khủng như hiện nay.

Mới đây ở hội đền Sóc, báo chí phản ánh cuộc hỗn chiến vì cướp hoa tre, trong khi chính quyền nói không. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Tại Hội Gióng ở đền Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội), phất  xong cờ lệnh trong trận đánh cuối cùng người ta thường tranh nhau xé chiếu trận, nhặt hoa giấy bươm bướm bay ra từ túi bọc cờ lệnh để mỗi người có một mẩu bé xíu mang về nhà đặt lên ban thờ lấy may. Những cái đó rất thiêng với dân làng.

Ở đền Sóc hay đền Phù Đổng đều có thanh niên được giao nhiệm vụ bảo vệ đám rước. Họ trang bị tay thước, gậy tre-khí cụ truyền thống để thị uy, trong lúc xô xát dùng để ngăn cản người vào cướp. Bản thân những bảo vệ  đó lại cũng tranh cướp cho mình cái phần lấy may. Đó là hành vi không đúng, không rạch ròi.

Nếu chúng ta có đội quân bảo vệ rèn luyện nghiêm chỉnh, đứng đắn thì chắc chắn ngăn cản được sự quá khích đó. Có đoàn thể ở địa phương,  sao không chọn thanh niên tốt, huấn luyện, giáo dục họ để họ làm đúng bổn phận chức trách, để họ không cướp lộc và thậm chí nhân danh bảo vệ, đánh người.

Không riêng Hội Gióng, những lễ hội khác cũng có tranh cướp lộc, phải chăng điều này đã ngấm vào máu, nhiều người cứ vào hội là tâm lý đám đông trỗi dậy, lao vào tranh cướp, ẩu đả?

Đúng là có những người bình thường thì tốt, khi xung trận trở nên dữ tợn. Để có ứng xử văn minh, không chỉ rèn một lúc một nhát. Năm ngoái, tôi dự với bà con ở Hội Gióng Phù Đổng trước ngày hội. Trước đó xảy ra vụ đánh người trọng thương, thay vì phát tay thước, họ phát cho thanh niên kiếm nhựa của trẻ con để bớt ẩu đả. Có nhiều cách để giữ hội an bình.

Những nghiên cứu trước tới nay về Hội Gióng có chỉ ra gốc tích tục cướp lộc không, thưa ông?

Trước Cách mạng tháng Tám, người nghiên cứu Hội Gióng kỹ càng nhất là GS Nguyễn Văn Huyên. Sách ông viết không nói gì đến tranh cướp và những thứ xung quanh cả. Tôi cho rằng, việc cướp lộc để có vận may từ các vật dụng liên quan nhà thánh hay lễ hội lâu nay vẫn có, nhưng không đến mức độ gây thương tích. Ngày xưa phong tục và lề luật của làng rất nghiêm, ít người dám vi phạm.

Năm nào đền Sóc cũng có cướp lộc. Sao không sử dụng công an ở địa điểm và thời điểm hay xảy ra xô xát nhất. Bình thường hội không có công an mặc sắc phục thì rất tốt, để thấy lễ hội rất dân gian, giản dị. Nhưng nếu điểm đó luôn xảy ra tranh cướp thì nên có nhiều hình thức, không chỉ để cho đám thanh niên bảo vệ đám rước đó tung hoành. Đây là vấn đề an ninh cho xã hội và uy tín với một di sản đại diện nhân loại. Cần những biện pháp kiên quyết cùng với việc quy trách nhiệm cho đơn vị và người chủ trì các hội này.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.