Xuân Hương- “Người thích đùa” không khoan nhượng

Xuân Hương- “Người thích đùa” không khoan nhượng
TP - Những người thích đùa của bộ ba Thanh Bạch - Xuân Hương -Thành Lộc từng làm thành hiện tượng sân khấu một thời. Nay Những người thích đùa đang xây dựng phần 4, chất liệu vẫn từ sự kiện xã hội, phẩm chất và thói hư tật xấu. 
Xuân Hương- “Người thích đùa” không khoan nhượng ảnh 1
Nghệ sĩ Xuân Hương

Tiền phong trò chuyện với nghệ sĩ Xuân Hương. Không phải nghệ sĩ nào cũng tích cực đấu tranh với thói hư tật xấu trên sân khấu như chị.

Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước. Từ nhỏ sống trong hoàn cảnh cơ cực, nghiệt ngã, 6 tuổi đã phải xa mẹ đi ở trọ nên trong tôi hình thành nhận thức về thiện-ác, trắng-đen rất rạch ròi, không thỏa hiệp với cái xấu.

Gần 20 năm tôi đi theo con đường nghệ thuật, lựa chọn cách lên án những cái xấu nhưng có cảm giác tác động của nó trên sân khấu hình như không được mấy, ngoại trừ tiếng cười và sự cảm thông của khán giả.

Thôi thì “mua vui cũng được một vài trống canh”. Cũng có lúc nản lòng nhưng “cái máu” bắt tôi phải làm, cả vì trách nhiệm công dân, dù biết rằng con đường mình chọn lắm chông gai.

Để Những người thích đùa được ra mắt  vẹn toàn cũng không dễ dàng gì?

Hồi dựng Những người thích đùa 1, người ta bảo tôi là nói quá thẳng, xúc phạm, bôi đen… cho nên duyệt ra băng để phát hành là cả đoạn trường gian nan. Tiểu phẩm Phiên tòa không có tội nhân đặt vấn đề tham nhũng, không được duyệt phát hành.

Thú thật mỗi lần duyệt chương trình là tôi lại khổ sở vì giải thích, người ta bảo tôi có chống thì phải có xây, nhưng thể loại của tôi là châm biếm cái xấu, để khán giả thấy mà tránh. Ý nghĩa cái xây nằm ở chỗ đó chứ cần gì phải lời bình nào nữa?

Hoặc tiết mục Đố em (đoạt giải ở Gala cười), có câu Đố em đường phố là gì? Dạ thưa là nơi người ta đổ rác và quăng xác chuột chết, thế là bị ý kiến “Vẫn có người đi hót rác đấy chứ, diễn thế người nước ngoài tới đây người ta sẽ nghĩ gì về thành phố mình?”…

Ngay trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cũng đầy rẫy những thói hư tật xấu?

Có, ví dụ vở diễn này là của “ai đó” nên phải đầu tư dàn dựng, ca ngợi dù dở. Rồi chuyện mua bán quan chức trong ngành nghệ thuật cũng đâu có “thua chị kém em” so với ngành khác!

Có người giữ chức vụ khi còn trẻ, cho đến lúc có cháu nội cháu ngoại vẫn tại vị. Lúc nào họ cũng nói “tôi xin rút” nhưng hãy nhìn đằng sau “sân khấu” mới thấy họ phải khổ sở đến mức nào để giữ được cái chỗ bèo bọt ấy!

Ca sĩ nhiều trường hợp nhạc không ra nhạc, lời không ra lời, một số không còn mang hình ảnh của người nghệ sĩ nữa, chỉ lấy nghề ra làm phương tiện kiếm tiền, kiếm tiếng chứ không quan tâm khía cạnh làm đẹp cho đời.

Tấu hài thì tràn lan tiết mục không chất lượng. Vừa có ý định thành lập Nhà hát sân khấu hài, chưa thấy Nhà hát đâu đã thấy giành chức, tức là nồi canh còn chưa nấu mà có người đã đòi bát canh to, miếng thịt lớn.

Cuộc sống như vậy cho nên diễn viên cũng có người diễn giả trong những câu chuyện giả, rồi lại được xuê xoa.

Tôi cũng không tán thành chuyện phải làm đơn xin phong danh hiệu, ví như má Bảy Phùng Há, bác Năm Châu... có cần làm đơn đâu và khi được phong danh hiệu cũng chẳng ai thắc mắc. Bởi vì trái đã chín thực sự thì có gì phải bàn cãi nữa.

Tôi đọc chuyện người tốt việc tốt mà đau lòng. Chuẩn mực của cộng đồng nào cũng phải là cái tốt nhiều hơn cái xấu. Nhưng nay anh Taxi nhặt được của rơi trả người đánh mất, cô gái nọ dắt bà già qua đường… đã trở thành thứ quý hiếm để ca ngợi thì buồn quá đi chứ.

Ngày xưa, cũng không xa lắm đâu, nếu có bị lỡ đường vào nhà nào đó xin ngủ tạm cũng dễ, còn bây giờ thử hỏi có ai dám để người lạ vào nhà không? Một thời xem những Chuyện tử tế, Tướng về hưu… đau lòng biết bao nhiêu.

Dẫu sao thì có chống vẫn phải có xây, ta hãy chuyển sang bàn về phẩm chất người Việt nhé.

Đức tính tốt của người Việt là nhân nghĩa, hiền hòa, hiếu khách, tự trọng. Nhưng cuộc sống ngày càng thực dụng nên những đức tính ấy có phần phai nhạt đi.

 Trong buôn bán, làm ăn người Việt thường cạnh tranh lố bịch một cách kinh khủng. Ra Hà Nội lên những quán thịt chó ở Yên Phụ, bên cạnh cầy tơ A.T thì kế bên Đây mới là A.T, quán khác lại A.T chính hiệu, A.T xịn… Nhiều thương hiệu khác cũng gặp tình trạng như vậy, cho nên mới nhan nhản chuyện chôm nhạc, đạo văn.

Cái kiểu thấy người ta bán được thì mở ngay bên cạnh, hoặc hôm nay đắt hàng phở thì mai bớt đi một chút thịt, chút xương, bát bún riêu phải bỏ thêm màu để đánh lừa cảm giác người ăn… Cái gì cũng giả giả một chút. Cổ nhân có câu Đừng khinh thường chuyện nhỏ, lỗ nhỏ làm đắm thuyền.

Và Những người thích đùa của chị còn là câu chuyện dài tập?

Chương trình mới cũng vẫn là chuyện tham nhũng, tham quyền cố vị, giáo dục, chuyện hành dân… Bất cứ lĩnh vực nào cũng là chuyện dài nhiều tập. Nghĩa là Những người thích đùa là một diễn đàn về phẩm chất, về cái Thiện và cái Ác.Tôi cũng rất xin lỗi mà nói rằng những sự việc trên đây không phải là “quơ đũa cả nắm”.

Báo Tiền phong đặt ra diễn đàn này theo tôi là đang đi thẳng vào bản chất của vấn đề, không cần lời lẽ đao to búa lớn, nhưng từ diễn đàn này chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, đừng vì tự ái mà né tránh, phải dấy lên thành phong trào, thành đòn bẩy và kích thích con người ta trở lại những phẩm chất tốt, lấy lại niềm tin và sống có trách nhiệm hơn, để chúng ta có quyền tự hào rằng mình là người Việt Nam.

MỚI - NÓNG