Xuân Quỳnh - Những nghịch lý của tình yêu và số phận

Xuân Quỳnh - Những nghịch lý của tình yêu và số phận
TP - Nhiều bài thơ của Xuân Quỳnh gắn với những con người trong những hoàn cảnh cụ thể. Khi xâu chuỗi các bài thơ của Xuân Quỳnh lại, có thể thấy cả tiểu sử cuộc đời của chị.

>> Kỳ II - 'Ngọn gió lào cát trắng của đời tôi/Tôi của cát của gió lào khắc nghiệt'
>> Kỳ I: “Tuổi thơ tôi lạc lõng giữa đời/Như một cánh chim bơ vơ mất tổ”

Xuân Quỳnh - Những nghịch lý của tình yêu và số phận ảnh 1
Nhà thơ Xuân Quỳnh với con trai đầu lòng Tuấn Anh

Chị đã nghĩ bằng thơ, sống bằng thơ, dùng thơ để tự hiểu mình cũng giúp mọi người hiểu mình. Những dòng thơ như biết chia sẻ với chị cả những niềm vui sướng cực độ, lẫn những đau đớn đến xé ruột xé lòng. Thơ Xuân Quỳnh chính là đời sống của chị, là những tâm trạng thật của chị trong mỗi bước vui buồn của đời sống.

Là người thiếu thốn tình cảm từ nhỏ nên Xuân Quỳnh rất nâng niu chăm chút các mối quan hệ tình cảm trong cuộc sống. 13 tuổi, bước chân vào văn công, Xuân Quỳnh thuộc loại em út của Đoàn ca múa nhạc Trung ương. Chị sống vô tư trong tình cảm hồn nhiên, trong sáng của mình.

Xuân Quỳnh ở tập thể tại Khu văn công Cầu Giấy. Thỉnh thoảng được nghỉ vào dịp lễ tết, chị đến khu nội trú của trường ĐHSP Hà Nội nơi chị Đông Mai theo học ở Khoa Văn.

Thông minh, xinh đẹp, lại là diễn viên múa có triển vọng, nên Xuân Quỳnh được khá nhiều chàng trai để ý. Có người bạo dạn ngỏ lời. Có người chỉ âm thầm ôm mối tình đơn phương.

Thấy em gái sống trong “môi trường văn công” nên chị Mai rất lo lắng. Chị luôn dặn dò em phải thận trọng giữ gìn. Hai chị em thường nhắc nhủ nhau trong tình yêu cũng như trong cuộc sống phải làm sao cho mọi người thấy rằng tuy không có cha mẹ, không có người thân bên cạnh, nhưng mình vẫn là người nề nếp.

Bước vào tuổi thiếu nữ, chị đã có những rung động đầu đời với một thanh niên là bạn của một người ở cùng Đoàn. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, chị nhanh chóng nhận ra anh ta khác xa với những điều mình nghĩ, nên đã cương quyết rời xa, mặc dù trong lòng cũng rất buồn.

Giữa lúc đó thì anh Lưu Tuấn đến với Xuân Quỳnh. Anh Tuấn là một nhạc công viôlông ở cùng Đoàn. Hai người cùng làm việc với nhau và cũng đã có mối quan hệ đồng nghiệp từ trước.

Đã bao lần anh cùng đội nhạc đệm đàn cho các điệu múa có Xuân Quỳnh tham gia, rồi những chuyến đi lưu diễn ở xa. Anh Tuấn là người đứng đắn, hiền lành, tốt bụng, hay quan tâm giúp đỡ mọi người, đặc biệt là chăm sóc Xuân Quỳnh chu đáo.

Từ trước khi chính thức nhận lời yêu anh, Xuân Quỳnh cũng đã quý mến anh Tuấn, tuy tính tình hai người có vẻ trái ngược nhau. Từ trong sâu thẳm, Xuân Quỳnh cũng nhận thấy có những điều không hẳn đã hoà hợp, nhưng chị nghĩ rằng không nên lý tưởng hoá hình ảnh người chồng tương lai.

Cũng chẳng dễ dàng gì để có thể tìm thấy một người yêu hoàn hảo. Sau một thời gian đắn đo, suy nghĩ, chị quyết định yêu anh. Và sau khi tập thơ đầu tiên Chồi biếc ra đời, đám cưới của hai người đã được tổ chức, do hai cơ quan (Đoàn ca múa nhạc Trung ương và Hội Nhà văn) nhiệt tình giúp đỡ.

Nữ sĩ Anh Thơ là một trong những người động viên, khuyến khích Xuân Quỳnh rất nhiều trên chặng đường đầu tiên mới chập chững bước vào nghề văn.

Bà nhắc mãi một câu chuyện thú vị về Xuân Quỳnh, ngay trong lần đầu tiên gặp gỡ. Hôm đó Xuân Quỳnh đến nhà bà Anh Thơ cùng với bạn trai. Hai người trông rất đẹp đôi.

Chị được nhạc sĩ Chu Minh viết thư gửi gắm: “Như đã giới thiệu với chị, hôm nay Xuân Quỳnh đem thơ đến ra mắt chị. Mong chị sẽ hết sức giúp đỡ cây bút thơ non trẻ này. Rất cảm ơn”.

Nhà thơ Anh Thơ mừng lắm. Lúc đó bà đang làm biên tập thơ tại Nhà xuất bản Văn học. Ở cương vị của mình, bà nhận thấy trên văn đàn thật hiếm hoi các cây bút thơ nữ.

Bà đon đả hỏi Xuân Quỳnh có mang thơ đến không?  Xuân Quỳnh rút ngay trong túi ra một tập thơ mỏng đưa cho bà. Anh Thơ vội xem ngay và bà hơi thất vọng vì tập thơ khô quá, có những bài như hô khẩu hiệu.

Bà nhẹ nhàng hỏi cô: “Chắc em còn những bài viết riêng cho mình. Đọc thêm cho chị nghe nào!” Anh bạn đi cùng vội đỡ lời: “Có đấy chị ạ. Xuân Quỳnh vừa viết tặng em một bài, có tên là Ghét. Nhưng chỉ ghét lúc đầu vì chưa hiểu nhau, sau thì lại yêu nhau thắm thiết”.

Xuân Quỳnh đỏ bừng mặt, lúng túng trả lời: “Bài thơ ấy là viết riêng cho mình, đọc ra chị cười chết, vì nó không gắn với cuộc sống xã hội chủ nghĩa một chút nào”.

Bác sĩ Dinh - chồng Anh Thơ, cùng ngồi tiếp chuyện đôi bạn trẻ, vội nói ngay: “Quỳnh đọc đi, tôi thích nghe những bài riêng tư này lắm”. Anh Thơ cũng nhiệt tình ủng hộ. Nhưng Xuân Quỳnh vẫn tỏ ra ngại ngần.

Anh bạn lại sốt sắng: “Vì bài này Quỳnh tặng em, nên em thuộc. Em xin đọc anh chị nghe nhé”. Trong khi anh bạn say sưa đọc, Xuân Quỳnh vừa sung sướng vừa e thẹn nhìn người đọc thơ mình:

Một tiếng cười khanh khách - Từ phòng múa vọng sang - Anh cau mặt ngừng đàn - Và quát to: “Trật tự! - Cười thì như chợ vỡ - Nhảy với múa suốt ngày - Tôi có con sau này - Sẽ cho làm nghề khác!” - Cô lườm sang phòng nhạc: - Rõ ghét cái anh chàng - Chẳng nghĩ lúc cưa đàn - Làm người ta mất ngủ - Lúc nào cũng nhăn nhó - Có mấy lúc cười đâu - Mình có con ngày sau - Sẽ không cho học nhạc - Hai người luôn xung khắc - Thường cố chấp lẫn nhau - Một cử chỉ không đâu - Cũng lọt vào con mắt - Một hôm, dưới dàn nhạc - Anh bỗng ngước nhìn lên - Đẹp sao! Anh thầm khen - Một dáng người con gái - Cả cuộc đời mở hội - Trên tà áo bay bay - Cả đất trời quay quay - Trong bước ai uyển chuyển - Tiếng đàn anh luyến luyến - Nghe đầm ấm ngọt ngào - Lòng cô bỗng xôn xao - Say mê theo nhịp múa - Và từ sau hôm đó - Họ sánh bước bên nhau - Anh cúi sát mái đầu - Cùng người yêu anh nói: - “Nếu anh có con gái - Nó sẽ múa như em” - Cô mỉm cười tiếp thêm: - “Trai, em cho học nhạc” - Niềm yêu lên khoé mắt - Vằng vặc ánh trăng đêm - Ai biết đâu chữ “ghét” - Là nhịp cầu nối duyên.

Bài thơ tươi trẻ, hồn nhiên. Cảm xúc rất thật và trong sáng. Anh Thơ khuyến khích Xuân Quỳnh cứ hướng này mà tiếp tục sáng tác. Người bạn đi cùng chị hôm đó chính là anh Lưu Tuấn. Có thể nói tình yêu đối với anh Tuấn là nguồn cảm hứng cho những bài thơ tình đầu tiên của Xuân Quỳnh.

Có gia đình riêng, Xuân Quỳnh được cơ quan Hội văn nghệ phân cho một căn phòng nhỏ tại khu tập thể dành cho văn nghệ sĩ tại 96A phố Huế. Năm 1966, Xuân Quỳnh sinh cháu Tuấn Anh.

Mồ côi mẹ từ nhỏ nên hơn ai hết, Xuân Quỳnh cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng của tình mẫu tử. Chị đã dành cho con trai đầu lòng tất cả tình yêu thương tha thiết nhất.

Đứa trẻ sinh ra trong những ngày bom đạn ấy là nơi gửi gắm tình yêu, khát vọng hoà bình của người mẹ trong một đất nước đang có chiến tranh. Có con nhỏ nhưng Xuân Quỳnh không ngừng phấn đấu vươn lên.

Chị tận dụng mọi cơ hội để học hỏi, để thực hiện những chuyến đi thực tế ở nhiều vùng đất. Thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất Xuân Quỳnh đã có mặt ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, Cửa Việt, đường 20…

Năm 2004, khi có dịp đến thăm địa đạo Vĩnh Mốc, tôi đã được xem bức ảnh chụp những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong địa đạo. Dưới bức ảnh có đề những câu thơ của chị: “Hầm sâu giờ quý hơn nhà - Súng là tình nghĩa đạn là lương tâm - Mẹ nuôi ngọn lửa trong hầm - Để khi khôn lớn con cầm lên tay”.

Những năm tháng sôi động của đất nước, cũng là những năm tháng không yên trong đời sống tình cảm của Xuân Quỳnh. Những rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện.

Trước kia, trong môi trường văn công, chị thấy anh Tuấn hơn hẳn nhiều người khác. Hơn nữa lúc đó ít tuổi, tâm hồn và cảm xúc của chị còn đơn giản.

Bây giờ, trong môi trường mới, tâm hồn ngày càng mở rộng và sâu sắc hơn, lại được tiếp xúc với nhiều người trong giới viết văn, làm thơ, Xuân Quỳnh nhận thấy giữa hai người có nhiều sự chênh lệch, khác biệt quá. Anh Tuấn là người hiền lành, có tình cảm chân thật nhưng không thể chia sẻ với chị nhiều điều trong cuộc sống cũng như trong công việc sáng tác.

Rất thương con nên Xuân Quỳnh cứ dùng dằng mãi, nhưng rồi sự chia tay là điều không thể tránh khỏi. Xuân Quỳnh quyết định ly hôn. Chị không muốn giả dối với anh Tuấn và càng không muốn giả dối với chính mình.

Mặc dù chia tay, nhưng chưa bao giờ chị Quỳnh có ý nghĩ không tốt về anh Tuấn. Sau này, khi hai người ly hôn đã nhiều năm mà vẫn thấy anh sống một mình, chị Quỳnh băn khoăn lắm.

Rất nhiều lần chị nói với tôi là mong anh tìm được người tốt, phù hợp để cuộc sống đỡ hiu quạnh. Không chỉ quan tâm suông mà chị còn có những việc làm rất cụ thể.

Bạn tôi có một người chị là giáo viên có chồng là liệt sĩ. Nghe bọn tôi nói chuyện chị cứ giục làm mối cho anh Tuấn. Có lần tôi mời chị ấy đi xem kịch của anh Vũ.

Chị Quỳnh “tình cờ” ngồi bên cạnh nói chuyện. Sau đó chị bảo tôi là chị thấy hình thức và tính tình của cô này đều được. Nên giới thiệu cho anh Tuấn. Cô bạn tôi cũng nhất trí nhưng chúng tôi cứ loay hoay chưa biết làm cách nào. Vì cả hai đều là những người mực thước, điềm đạm, ít giao tiếp, khó tìm ra cơ hội để họ có thể tiếp xúc với nhau một cách tự nhiên.

Sau rồi chính chị Quỳnh đã tìm ra một cách rất hay. Người chị bạn tôi có một cô con gái nhỏ. Chị Quỳnh bảo bọn tôi nói với chị ấy cho cháu đến học đàn viôlông với anh Tuấn. Chị ấy thích quá, đồng ý luôn.

Thế là cháu bé đến học nhạc với bác Tuấn. Chúng tôi vui mừng, chờ đợi một kết quả tốt đẹp. Nhưng không hiểu sao, mọi việc chẳng đi đến đâu. Chị Quỳnh cứ tiếc, sau này thỉnh thoảng vẫn còn nhắc lại. Bọn tôi thì vô tâm, không để ý gì nữa.

Đối với bà nội của Tuấn Anh, chị Quỳnh cũng rất quý trọng. Chị thường nhắc Tuấn Anh: “Hồi nhỏ bà trông nom con vất vả lắm. Bây giờ bà già rồi, con phải luôn quan tâm săn sóc bà”.

Anh Tuấn cũng là người rất tốt. Anh giữ mối quan hệ tốt đẹp với cả gia đình tôi, đặc biệt anh yêu quý cháu Mí (Quỳnh Thơ) như con đẻ. Đi đâu về anh đều mua quà cho cháu, dạy cháu học nhạc lý, học đàn.

Có lần tôi về nhà ăn cơm với anh chị, chị bảo hôm nay Kít, Mí cắt cơm nhà, đi ăn cơm khách, bác Tuấn mời. Tôi lên nhà anh Tuấn, đứng bên cửa sổ nhìn vào, thấy anh ngồi giữa ba cậu con trai: Tuấn Anh, Kít, Mí, vừa ăn cơm vừa trò chuyện rôm rả.

Tôi xuống nhà kể chuyện lại, ai cũng thấy vui. Sau này khi tất cả gia đình tôi và bố con anh không ở ngôi nhà 96A phố Huế nữa, anh Tuấn vẫn thỉnh thoảng đến thăm mẹ tôi.

Có lần anh đến thăm mẹ tôi, lúc đó có cả mấy người bạn của mẹ tôi đang ở đó. Thấy anh nói chuyện đon đả, nhiệt tình, khi anh ra về, họ hỏi mẹ tôi: Ai đấy? Mẹ tôi hơi lúng túng một chút rồi trả lời: “Đấy là chồng cũ của con dâu tôi!”.

Mới đây, khi báo Thanh niên có đăng bài viết về việc in sai văn bản bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh trong sách giáo khoa, anh gọi điện thoại cho tôi ngay, bảo tôi phải có ý kiến chính thức với NXB Giáo dục về việc này.

Ngày vợ cháu Tuấn Anh sinh con trai đầu lòng, chúng tôi đến thăm, anh rất mừng. Khi tiễn chúng tôi về, anh khẽ nói “nếu còn sống đến hôm nay, Quỳnh sẽ vui lắm”.

Từ rất lâu rồi chị đã không thuộc về anh nữa, nhưng dường như trong anh tình yêu thương vẫn sống mãi. Chị Quỳnh ơi! Trong cuộc đời nhiều bất hạnh của chị, phải chăng đây cũng là một niềm an ủi lớn?

(Còn tiếp)

MỚI - NÓNG