Xuân Quỳnh - Những nghịch lý của tình yêu và số phận

Xuân Quỳnh - Những nghịch lý của tình yêu và số phận
TP - Cha mẹ tôi có 6 người con. Anh Vũ là con trai cả. Anh lấy vợ sớm. 21 tuổi anh đã kết hôn với diễn viên điện ảnh Tố Uyên - một cô gái xinh đẹp và nổi tiếng với vai bé Nga trong bộ phim “Chim vành khuyên”.

Kỳ VI: Mẹ không ghét bỏ em đâu/Yêu anh em đã làm dâu trong nhà

Xuân Quỳnh - Những nghịch lý của tình yêu và số phận ảnh 1
Bà Vũ Thị Khanh, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ và cháu Khánh Linh (con gái nhà văn Lưu Khánh Thơ) - năm 1987

Nhưng cuộc hôn nhân đã sớm đổ vỡ. Khi con trai đầu lòng Lưu Minh Vũ mới hơn 1 tuổi, hai người đã chính thức ly hôn. Thấy con trai đã từng không có hạnh phúc gia đình với một người vợ là diễn viên, nên khi biết Vũ - Quỳnh yêu nhau, mẹ tôi kịch liệt phản đối.

Tuy chỉ là một người làm công tác hành chính, nhưng mấy chục năm làm việc trong cơ quan văn nghệ, hơn ai hết bà đã chứng kiến bao đổ vỡ và những chuyện tình cảm nóng lạnh thất thường của giới văn nghệ sĩ.

Mẹ tôi (bà Vũ Thị Khanh) lo sợ khi nghĩ rằng con trai mình rồi sẽ lại bất hạnh khi có một người vợ là nhà thơ.

Bên cạnh đó lại còn bao nhiêu hệ luỵ khác, nào là sự chênh lệch tuổi tác (chị Quỳnh hơn anh Vũ 6 tuổi), nào là cảnh con anh con tôi, nào là hoàn cảnh trớ trêu (vì tuy đã ly hôn nhưng cả vợ cũ và chồng cũ của hai anh chị đều vẫn đang ở cùng trong khu tập thể), rồi lại còn bao nhiêu điều ong tiếng ve và những lời đàm tiếu của dư luận.

Mẹ tôi giận dỗi, khóc lóc khiến anh Vũ không dám ở nhà. Bà gặp cả chị Quỳnh để trách móc và nói rõ những suy nghĩ của mình. Anh Vũ biết chuyện này, buồn lòng lắm nhưng cũng không thể làm gì được.

Trong gia đình anh không biết chia sẻ cùng ai. Hai cậu em trai lớn, đứa thì đang đi học ở nước ngoài, đứa thì đang đi bộ đội ở chiến trường, còn hai cậu em sau thì nhỏ quá.

Khi ấy tôi cũng chỉ mới là một cô bé mới lớn, chưa biết gì về những chuyện phức tạp của cuộc đời. Nhưng có lẽ cũng chẳng còn ai, nên anh Vũ vẫn thường nói với tôi về mọi chuyện.

Tuy chưa hiểu rõ mọi điều, nhưng thấy anh khổ sở, buồn bã, tôi thương anh vô hạn. Có khi mấy ngày liền anh không về nhà. Tôi đi tìm thì được biết anh tá túc bên nhà người bạn thân là anh Lâm “râu” ở phố Triệu Việt Vương ngay sau lưng nhà tôi.

Trong gia đình chỉ có cha tôi là thông cảm và ủng hộ tình yêu của anh chị. Ông đã nhiều lần thuyết phục nhưng không dễ lay chuyển được mẹ tôi. Ông còn nhờ một số người bạn là hàng xóm hoặc cùng cơ quan nói thêm vào để mẹ tôi chấp nhận, như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Vĩnh Mai, nhà văn Bùi Hiển…

Tôi cũng ngấm ngầm ủng hộ anh chị bằng cách tích cực thông báo tin tức. Mỗi khi cha mẹ tôi nói chuyện với nhau hoặc có khách đến nhà nói đến chuyện Vũ - Quỳnh là tôi chú ý nghe ngóng, nhập tâm, rồi sau đó “báo cáo” lại hết với anh Vũ.

Biết mẹ tôi tuy giận nhưng vẫn thương anh lắm, nên tôi liên tục “tra tấn” bà bằng những thông tin kiểu như: “Hôm qua anh Vũ đi về khuya quá, không dám gọi cửa nhà anh Lâm nên suốt đêm phải ngồi ngoài vỉa hè”; “Tuần vừa rồi anh Vũ bị sốt cao gần 40 độ C phải đi cấp cứu bệnh viện”.

Cha tôi cũng tìm mọi cách để làm mềm lòng mẹ tôi. Ngày sinh nhật ông, mẹ tôi định làm một bữa ăn tươi nhưng ông gạt đi và bảo là trong lòng không thấy vui vẻ gì để mà tổ chức ăn uống.

Có lần trong bữa cơm gia đình ông nói với tôi: “Sáng nay bố có việc muốn nói với Vũ - Quỳnh, phải ra hàng cà phê ngồi nói chuyện”. Rồi ông đưa mắt nhìn mẹ tôi và nói tiếp: “Bố con anh như người Do Thái, bị xua đuổi ngay trên đất của mình”. Mẹ tôi im lặng, nước mắt vòng quanh.

Một thời gian sau, trước quyết tâm không ai lay chuyển nổi của anh chị, trước sự kiên trì của cha tôi, mẹ tôi đã đồng ý nhận chị Quỳnh là con dâu.

Trước đó anh chị đã đăng ký kết hôn và tổ chức tiệc cưới ở nhà hàng Mỹ Kinh, phố Hàng Buồm. Đám cưới hôm đó chỉ có 5 người: cô dâu chú rể, hai cha con tôi và một người bạn là anh Lâm “râu”. Anh chị còn mời thêm 2 người bạn nữa nhưng họ không đến.

Tôi nhớ mãi buổi sáng hôm đó, ngày 21/2/1974, cha tôi đi mua hoa và tự tay ông cắm hoa vào chiếc bình cổ - chỉ dùng khi trong nhà có việc trọng đại hoặc vào dịp Tết.

Từ tối hôm trước ông đã đưa cho tôi một khoản tiền và dặn là trưa mai mua một con gà để cả nhà liên hoan. Tôi cũng nghĩ là việc bình thường vì hôm đó chính là ngày sinh nhật của Lưu Quang Định - cậu em trai thứ năm của gia đình. Nhưng khi nhìn thấy cha tôi cắm hoa thì tôi hơi ngạc nhiên, vì đó là việc ông hiếm khi làm.

Khi tôi hỏi lý do thì ông cười và bảo là hôm nay nhà mình đón một thành viên mới. Tôi hiểu ngay sự việc và cảm thấy trong lòng rất vui. Từ nay không khí trong nhà sẽ trở lại vui vẻ, mẹ tôi cũng hết căng thẳng vì bà cũng chẳng sung sướng gì khi thấy các con mình khổ sở.

Trước bữa cơm trưa khoảng một tiếng, anh chị dắt nhau về nhà. Mọi người ngồi nói chuyện ở bàn làm việc của cha tôi. Và dưới sự điều khiển của cha tôi, bữa cơm sum họp gia đình diễn ra hết sức vui vẻ.

Chị Quỳnh tặng em Định một chiếc áo và tặng mẹ tôi một chiếc ví to đính hạt cườm trắng rất đẹp - một vật kỷ niệm đã theo chị trong nhiều đợt đi biểu diễn ở nước ngoài thuở còn trẻ tuổi.

Cách đây hơn ba chục năm, đó thực sự là một món quà sang trọng và lóng lánh nhất mà tôi được thấy. Mẹ tôi thích chiếc ví này lắm. Từ đó cho đến khi bà mất, bà luôn cất giữ ở bên mình và thường đựng ở trong đó những thứ quý giá nhất. 

Kể từ ngày đó chị Quỳnh đã chính thức trở thành một người con trong đàn con đông đúc của cha mẹ tôi. Vốn thiếu thốn tình cảm gia đình từ nhỏ, nên chị Quỳnh đón nhận và rất biết giá trị những tình cảm của cha mẹ và anh em chúng tôi dành cho chị.

Cha tôi đặc biệt yêu quý chị. Ông thường nói với mẹ tôi: “Quỳnh là người có tài, thông minh, nhạy cảm nhưng trong cuộc sống riêng gặp nhiều trắc trở. Bây giờ đã là dâu con trong nhà, mình nên bù đắp tình cảm, đừng nên chấp trách để ý những chuyện nhỏ nhặt!”.

Ông càng thương Xuân Quỳnh hơn, khi sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, ông trực tiếp chứng kiến cuộc sống khổ sở nghèo túng của bố đẻ chị.

Trở về Hà Nội, nói chuyện lại với chúng tôi mà ông vẫn còn xót xa. Ông bảo: “Thật tội nghiệp Quỳnh, bố chưa thấy một người Bắc di cư nào ở Sài Gòn mà lại có hoàn cảnh sống tồi tệ như ông bố Quỳnh. Chắc rồi Quỳnh sẽ phải khổ tâm và lo lắng nhiều về ông cụ”.

Ngày đó có câu: “Miền Nam sung sướng nhận họ, miền Bắc phấn khởi nhận hàng”. Ai ở trong miền Nam ra cũng lỉnh kỉnh bao nhiêu quà cáp, hàng hóa được bà con biếu tặng. Riêng chị Quỳnh lại phải chắt bóp từng đồng gửi vào cho bố để đỡ đần về mặt vật chất, còn về hoàn cảnh sống tồi tệ thì chị đành chịu.

Thời gian đó chị Quỳnh lo buồn lắm. Mãi đến sau này, khi chị gái Đông Mai chuyển công tác vào Sài Gòn, chị mới yên tâm phần nào.

Không chỉ quan tâm, lo lắng đến chị Quỳnh như một đứa con trong gia đình mà ở khía cạnh là một đồng nghiệp, cha tôi cũng thường xuyên động viên, chú ý đến công việc sáng tác của chị.

Thấy chị bận rộn, vất vả với công việc gia đình, ông bảo: “Con phải thu xếp việc nội trợ, phân công việc nhà cho các cháu làm bớt, để còn có thời gian cho việc sáng tác”.

Mỗi khi chị Quỳnh có bài thơ hay được in báo hoặc có tập thơ mới ra đời, cha tôi vui lắm. Ông thường nghĩ ra một việc làm nào đó hoặc tìm một món quà để tuyên dương con dâu.

Năm 1979, đi công tác ở Hội An, vào thư viện, ông tình cờ đọc được một bài phê bình về tập thơ Lời ru trên mặt đất của Xuân Quỳnh. Lúc đó chưa có cửa hàng photocopy như bây giờ, ông đã ngồi chép lại cả bài và gửi về Hà Nội cho chị.

Trong thư cha tôi viết: “Bố thấy bài viết này hay và ngắn gọn, nhận xét chính xác về tập thơ của con, hơn những bài viết tràng giang đại hải khác. Có nhiều ý kiến giống như nhận xét bố đã nói với con”.

Trong một gia đình đông anh em, sau này lại có thêm các con dâu, con rể nữa, mỗi người một tính nết, tất nhiên cũng không tránh khỏi có những lúc trách móc giận hờn, nhưng tất cả anh chị em chúng tôi đã hết sức thương yêu đùm bọc nhau.

Đặc biệt đối với anh chị Vũ -Quỳnh, chúng tôi vừa yêu thương, vừa cảm phục, tự hào. Tuy là những người nổi tiếng ngoài xã hội, nhưng trong gia đình anh chị đã dành cho cha mẹ và các em tình yêu thương và sự chăm sóc rất cụ thể.

Chúng tôi vẫn cất giữ bức thư chị viết cho cậu em trai út, khi hai chị em gặp nhau ở Mátxcơva vào tháng 12/1987 - như một kỷ vật quý báu của gia đình. Thời gian đó chị sang dự lớp học 3 tháng ở Học viện Goócki trong đoàn nhà văn Việt Nam. Đó cũng là lần gặp gỡ cuối cùng của hai chị em:

“Bi rất yêu thương của chị.

Chị Quỳnh sang bên này gặp em, hiểu được em và rất thương em. Thấy em là người sống trong sạch, trung thực và học tốt chị mừng đến ứa nước mắt. Chị sẽ về kể lại mọi chuyện cho mẹ nghe chắc mẹ vui nhiều. Chị em gặp nhau có hơn một ngày thật là vội vàng, ngắn ngủi, nhưng dù sao ba chị em đã gặp nhau. Thương em nhiều lắm.

Tối nay Bi đi, chị rất buồn. Chắc chị em còn gặp nhau nhưng chị cứ viết vài chữ bỏ vào túi của em, khi về nhà em đọc cho vui.

Chị cho em 20 rúp và ít “chè cộng” để em uống. Thỉnh thoảng rỗi biên thư cho chị nhé.

Chị của em. Xuân Quỳnh”

Để thể hiện tình cảm với mẹ tôi, chị đã làm bài thơ Mẹ của anh. Khi đọc bài thơ này, mẹ tôi cảm động lắm. Nhất là khi những người bạn của mẹ tôi đã trải qua cảnh mẹ chồng nàng dâu, ai cũng khen bài thơ sâu sắc và tình cảm.

Mỗi khi ru các cháu ngủ, cùng với những bài ca dao quen thuộc, bao giờ mẹ tôi cũng ngâm bài thơ này với một niềm hạnh phúc khôn xiết. Có lần nhà thơ Phạm Tiến Duật nói với tôi rằng: “Đọc bài thơ Mẹ của anh mới hiểu được Quỳnh đã yêu Vũ đến mức nào, đồng thời mới thấy hết được lòng nhân hậu và sự ân tình của người đàn bà Việt Nam”.

“Mẹ tuy không đẻ không nuôi

Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong…

Chắt chiu từ những ngày xưa

Mẹ sinh anh để bây giờ cho em”.

(Còn tiếp)

>> Kỳ I: “Tuổi thơ tôi lạc lõng giữa đời/Như một cánh chim bơ vơ mất tổ”
>> Kỳ II: 'Ngọn gió lào cát trắng của đời tôi/Tôi của cát của gió lào khắc nghiệt'
>> Kỳ III:  Ai biết đâu chữ “ghét”/ Là nhịp cầu nối duyên
>> Kỳ IV: Lòng anh là đầm sen/Hay là nhành cỏ úa?
>> Kỳ V: Đường tít tắp không gian như bể/Anh chờ em cho em vịn bàn tay

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.