Xuống đất tìm trời

Trích đoạn tác phẩm sắp đặt của Võ Xuân Huy. Ảnh: Thanh Sơn
Trích đoạn tác phẩm sắp đặt của Võ Xuân Huy. Ảnh: Thanh Sơn
TP - Một dự án nghệ thuật thị giác (Visual Arts) độc đáo của Võ Xuân Huy, giảng viên ĐH Nghệ thuật Huế sắp diễn ra dưới lòng địa đạo Vịnh Mốc. Người xem sẽ tương tác cùng nghệ sĩ để tạo ra/nhìn thấy/đối thoại với bầu trời và những gì thuộc về bầu trời từ lòng sâu của đất.

Có lẽ phải đợi đến độ chín đầy của tuổi cùng cảm thức tha hương, Võ Xuân Huy mới trở về đi tìm bầu trời ngay dưới lòng đất quê mình - địa đạo Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị).

Để “Xuống đất gặp trời”, dự án kết hợp giữa nghệ thuật trình diễn với triển lãm/sắp đặt. Trong đường ngầm địa đạo, 2.000 quả bóng bay sẽ được nghệ sĩ, học sinh, người dân, du khách, trong đó có cả những giảng viên và sinh viên đến từ ĐH Hendrix (Mỹ) đẩy đi len lỏi qua những vùng quanh co tối sáng. Để rồi những quả bóng mang đủ màu sắc, chữ viết, hình vẽ ấy sẽ được phóng sinh trả lại bầu trời tại những ô cửa địa đạo. 2.000 quả bóng bay tượng trưng cho 2.000 ngày người Vĩnh Linh sống và chiến đấu dưới lòng đất. 

Dọc các vách hầm, hàng trăm tác phẩm ảnh nghệ thuật (do tác giả chụp) thiết kế dạng hộp đèn tỏa sáng hình ảnh lá hoa, cây cỏ, mây trời bên trên địa đạo. Cách sắp đặt sao cho người xem phải luôn cúi xuống để nhìn bầu trời…dưới chân mình! Nơi đây, hình ảnh bầu trời, dù chỉ là ý niệm, hay là ẩn dụ, thì cũng không còn thuộc về bầu khí quyển quen thuộc của nó. Sự (tạm thời) chuyển hóa giới tuyến âm - dương, thay cho cái nhìn phương Đông, Trời luôn được “cất lên cao, ở trên cao” như mặc định bất di bất dịch về trật tự thiêng liêng của vũ trụ. 

Bên lề triển lãm là cuộc trình diễn áo dài trong lòng địa đạo của những người mẫu chuyên nghiệp và nữ sinh Vĩnh Linh. Nhà thiết kế Viết Bảo lấy cảm hứng từ triển lãm, đã vẽ 20 bộ áo dài với hình ảnh đất và trời Vịnh Mốc…

Cuộc triển lãm/trình diễn như là một tiếng gõ cửa trái đất. Trong một bài thơ cách đây gần 20 năm, cảm hứng từ câu thơ “Hãy tìm tôi dưới đế giày của bạn” (Whitman), tôi đã hình dung: “Dưới cỏ/ Rồi sẽ là tôi, là anh/ Cỏ sẽ là bầu trời”. Chúng ta đang lơ đãng bước đi trên “bầu trời cỏ” của chính chúng ta một ngày không xa nữa. Bởi ngày nào đó, tôi và anh sẽ nằm im dưới lòng đất để ngước nhìn lên lên bầu trời của thế giới rễ cỏ cây đan dệt vào nhịp thời gian khác với loài người phía trên…

Một cách đặc biệt nhất, mùi đất nồng mùi cỏ ngái sẽ xộc vào khứu giác của người thưởng lãm. Tôi hình dung như mô tả của nghệ sĩ, theo lát cắt dọc, cuộc hành trình dài như sợi chỉ ngoằn ngoèo vô tận trong lòng đất, mà mỗi con người nối với quả bóng như một chấm nhỏ li ti di động trong mạch máu nuôi dưỡng cơ thể Đất Mẹ. Những quả bong bóng là hình ảnh của Anitya trong đạo Phật - một thế giới của biểu hiện cái vô thường: “Ai nhìn đời như nhìn cái bong bóng khí, người ấy có khả năng không nhìn thấy cõi chết” (kinh Pháp Cú - theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới - NXB Đà Nẵng, 1997).

Chợt nhớ, Vịnh Mốc là một ngạc nhiên của thế giới. Dưới mưa bom bão đạn của Mỹ những năm 1960, trong hai năm trời một đường hầm được đào chỉ bằng xẻng dài 2 cây số dưới lòng đất đỏ bazan, kết cấu 3 tầng, tầng một cách mặt đất 12 m, và tầng sâu nhất 23 m. Dưới lòng đất có khoảng 500 căn hộ gia đình cùng nhiều kho tàng, giếng nước, bếp ăn, bệnh xá, nhà hộ sinh, hội trường… Lúc đông nhất, dưới địa đạo có khoảng 1.200 người sinh sống, và 60 đứa trẻ chào đời… 

Xuống đất tìm trời ảnh 1

Tác giả Võ Xuân Huy

Một câu chuyện Trạng Vĩnh Hoàng có kết cục bất ngờ như một câu chuyện triết học vượt thoát khỏi bóng tối, nỗi sợ hãi tối tăm trong bản thể. Kể rằng thời chiến tranh chống Mỹ, các xã ở Khu đội Vĩnh Linh đi báo cáo thành tích đào địa đạo. Các xã thi nhau báo cáo, riêng đại diện một xã thì im lặng. Khu đội mới hỏi “rứa xã đồng chí không đào được mét địa đạo mô à?”. Ông cán bộ xã mới rụt rè thưa “dạ chỉ biết đào sâu và dài lắm thôi, chứ không đo được bao nhiêu mét”. Gặng hỏi mãi, ông nọ mới thủng thẳng kể tiếp “Một bữa chúng tôi đang đào thì nghe có tiếng vọng thình thình bên dưới. Thấy lạ, bèn quyết liệt đào tiếp. Rồi bất chợt thấy một toán người cao lớn mặt mũi đen sì đầy râu ria tiến đến. Chúng tôi ôm nhau hò la, vì té ra tụi tui đào luôn tới…Cu Ba rồi, gặp được con cháu của Phi Đen, vui quá!”.

Vậy thôi. Trời đất cũng nhỏ. Cứ đi ắt đến, ở đâu cũng gặp. 

Dự án nghệ thuật thị giác “Thăng hoa” với chủ đề “Xuống đất gặp trời” của họa sĩ Võ Xuân Huy khai mạc lúc 9 giờ ngày 26/5/2015 đến hết ngày 6/6/2015, tại địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị).

MỚI - NÓNG