Xuyên Ấn Độ không cần tiếng Anh

Trò chuyện bằng hình vẽ với bạn thơ người Pakistan
Trò chuyện bằng hình vẽ với bạn thơ người Pakistan
TP - Trước chuyến đi Ấn Độ tôi phàn nàn với người bạn họa sỹ, rằng rất ngại vì mình không nói được tiếng Anh. Bạn khích lệ: “Cứ tiếng Việt mà đi, cậu mang theo cái bút 3 màu, và vẽ”. Vậy là tôi lên đường mang theo cái bút 3 màu, và giắt lưng một thếp giấy nhỏ.

Đến Ấn Độ, việc đầu tiên cần giải quyết là tìm ổ cắm để sạc pin máy ảnh, sau nữa là đun nước. Cô bạn nhà văn xứ Nghệ lắc đầu, không rõ điện đóm. Quay sang chàng nhà thơ, chàng nói cũng không biết gì về điện.

Tôi ra phố chợ ở Kolkata. Lấy giấy vẽ một đôi pin tiểu, rồi vẽ máy ảnh. Sau những chỉ chỉ trỏ trỏ, cuối cùng cũng mua được đôi pin cho cái máy Canon của mình.

Chụp hết cái thẻ nhớ đầu tiên, hôm sau ổ cắm vẫn không có điện. Tôi đánh liều hỏi nhà thơ người Pakistan tên Zahid Nabi, lại bằng vẽ. Zahid Nabi chạy sang phòng làm một động tác nhẹ gọn: Bật hai công tắc trên tường. Hóa ra cách vẽ vời kiểu vỡ lòng rất được việc.

Khách sạn hạng sang ở Kolkata không có dép, không có khăn, không xà phòng và bàn chải đánh răng. Vẽ hình nối từ khách sạn… ra chợ. Ghi nhớ dọc đường: đi qua cái bến xe buýt, chỗ có một ông ăn mày hôm nào cũng nằm co ro chờ khách xuống bến. Rồi qua phố sách, qua mấy hàng quần áo vỉa hè… rốt cuộc cũng mua được dép đi trong nhà. Những thứ khác cứ vẽ ra là mua bán ở chợ được cả.

Xuyên Ấn Độ không cần tiếng Anh ảnh 1

Chùa Bồ đề đạo tràng. Ảnh: HVH

Sau 3 ngày ở Kolkata, chúng tôi lên tàu lúc 10 giờ đêm đến Bồ đề đạo tràng - Bodh Gaya. Tàu hỏa ở Ấn, mỗi khoang có hai cái giường đơn chồng lên ba tầng. Cửa vào che bằng một cái ri đô màu đỏ quạch. Nhìn thấy hai vị khách mắt to, đen, râu ria cũng đủ sợ. Báo chí nói nhiều đến an ninh trên tàu Ấn.

Giường hôi, vài con muỗi bay vo ve. Việc đầu tiên là xịt lên giường tinh dầu tránh muỗi có mùi thơm dịu.

Đối diện với tôi là một lữ khách người Thượng Hải, tôi hỏi bằng hình vẽ còn anh nói tiếng Trung Quốc. Vừa nói, anh vẽ trên giấy cho tôi xem ở thành phố Thượng Hải đang rét lắm. Anh khoe đi Ấn lần thứ 2, thăm lại vùng đất thiêng và sông Hằng. Anh chỉ có đúng một cái túi xách. Khuya lắm trời lạnh, anh ta lôi ra cái áo len mặc thêm. Rồi anh đưa xuống cho tôi ga, gối, và chăn để ở tầng 3. Tầng 3 may sao không có khách.

Tôi giở cuốn sách hội thoại tiếng Anh, vị khách Thượng Hải nhỏm dậy và chúng tôi trò chuyện bằng mấy câu thoại ghi trong sách. Khi không hiểu thì vẽ. Hóa ra lữ khách là thầy giáo dạy phổ thông, anh đi du lịch trong dịp nghỉ đông.

Khi xuống tàu ở Bodh Gaya trời mờ mờ sáng, bạn lữ khách cố nán chờ, xách cho tôi túi sách khá nặng mà bạn thơ tặng khi ở Kolkata. Tạm biệt bằng một nụ cười. Tôi biết chắc sẽ thật khó gặp lại trong đời một người bạn như vậy.

Đến Kushinagar, tôi bắt chuyện với cậu lái xe. Cậu kém con trai tôi vài tuổi. Tôi học được hai từ tiếng Ấn “ba bu”, nghĩa là con trai. Tôi vẽ, ra hiệu với ba bu “đi vào làng quê Ấn”. Ba bu hiểu ngay.

Chúng tôi mượn hai chiếc xe đạp đi vào làng quê, gặp một em bé đang đứng bên đống rơm. Thấy khói, chúng tôi vào thăm bếp thấy hai mẹ con đang làm bánh lúa mỳ.

Tôi vẽ ra ngôi nhà này có 4 người. Gật. Tôi vẽ tiếp, ăn đĩa bột mỳ có 8 chiếc bánh. Gật.

Tôi vẽ người bố đi cày với con bò. Gật. Ở đâu cũng cười, cũng thân thiện.

Nhà bằng đất, bếp bằng đất. Dê ngủ trong nhà trùm chăn như người. Đi chụp thỏa thuê đồng quê, khi đạp xe về chỉ kịp dúi cho đứa trẻ vài chục rupee. Về đến đoàn gặp thầy Từ Tâm với vẻ mặt đầy căng thẳng. Thầy hỏi “Cô đi đâu, cô có biết tôi lo cho cô không?”.

Để cởi nỗi lo cho vị sư bà, tôi đã nói dối “Bạch thầy, em đi chụp cây vì mê cây ạ”. Bấy giờ bạn nhà thơ mới rỉ tai tôi: Cách đây ít lâu có một đoàn khách đến đây, đi 17 người, khi về còn có 16. Vì một người đi chụp ảnh rồi biến mất luôn, nay vẫn chưa tìm ra.

May sao có những bức ảnh đẹp về phơi lúa mỳ, dây phơi áo, và phơi cả phân bò.

Người Ấn không ăn thịt bò, thịt lợn và rất ít ăn cả thịt gà.

Cậu “ba bu” không được vào khách sạn. Có bữa, tôi giấu gói cho cậu miếng thịt gà nướng, sau bữa là gói kẹo sô cô la. Cậu nói “thank you ma ma”.

Tôi dạy cậu ta chụp ảnh: Cứ chụp cho cậu chân dung cậu, rồi hướng dẫn, cậu bé thông minh hiểu ngay. Cứ thế tôi đi hết thành phố Sarnath, ảnh đều nhờ ba bu chụp cho.

Đi chợ mua con dao gọt táo, cả khi mua nho, mua đậu, lạc đều nhờ cậu ta mua cho, đếm tiền cho. Ba bu giở tấm ảnh mẹ của em cho tôi xem. Mẹ em rất trẻ.

Nhớ cái đêm đi từ Bodh Gaya về Varanasi, xe chạy từ 3 giờ chiều đến 1 giờ sáng. Đường xóc, mọi người ngủ gật, tôi nhìn thấy chiếc xe nghiêng trong rừng toàn cây tối âm u. Cậu phụ xe tên là Bê Tô nói chuyện với cậu lái xe bằng tiếng Ấn. Thỉnh thoảng cậu lái xe ngáp, che miệng. Rồi cậu ta đứng lên cãi nhau với một lái xe khác đang lấn đường. Suýt nữa xô nghiêng chiếc xe 12 chỗ của chúng tôi.

Trước chuyến đi thầy Từ Tâm bắt chúng tôi chắp tay trước ngực niệm Phật 5 phút rồi mới cho xe chạy.

Cảm ơn những giờ phút lạc đường vào một miền quê thật yên tĩnh ở Varanasi tuyệt đẹp. Những con đường sạch, đầy lúa mỳ phơi trên lối đi, và túm tụm đàn bà trẻ con ngồi phơi nắng. Những chiếc dây phơi đầy màu sắc sari sặc sỡ ở miền quê Ấn Độ.

Đi mấy ngày mấy đêm mới tới những thánh tích xa xưa, có tháp xá lợi không còn nổi một viên gạch lành. Nhiều lữ khách đủ màu da, đến đất Phật chỉ để chiêm ngưỡng những viên gạch vỡ. Nhìn nơi đặt tiền cũng đủ loại tiền từ khắp các châu lục.

Giả thiết khi đặt chân đến sân bay, nếu bạn đi theo tour thì rất nhẹ nhàng, nếu đi theo đoàn không cần làm phiền phiên dịch, bạn chỉ cần vẽ, dẫu có khi đi, xem, nhìn, mua sắm đắt một tý, mất đi một tý tiền thì bạn đừng lấy đó phiền lòng. Chỉ vẽ để đối thoại, âu cũng là điểm tựa cho bạn khi du lịch xa tổ quốc.

MỚI - NÓNG