Y Moan: Tiếng hát đại ngàn

Y Moan: Tiếng hát đại ngàn
Chỉ khi Y Moan hát như... phát rồ người ta mới thấy được trong lời hát ấy cái lồng lộng của đất trời Tây nguyên, cái mưa dầm dề, cái nắng thiêu đốt, cùng vẻ tươi xanh hào phóng của cao nguyên...
Y Moan: Tiếng hát đại ngàn ảnh 1
Y Moan thời trẻ với nhạc cụ dân tộc Ê đe

Trước Y Moan không có ai và sau Y Moan có lẽ khó tìm được một giọng hát như vậy. Nhưng Y Moan hát hay nhất là khi anh đi về các buôn làng.

Anh bảo chỉ ở làng, nhìn thấy đồng bào đứng chung quanh, lố nhố, bề bộn, nhếch nhác như thế hát mới “đã”, giọng mới tròn, mới to, mới vang hết mức. Dù đồng bào không có thói quen vỗ tay tán thưởng, khen ngợi mỗi khi Y Moan (hay bất cứ ca sĩ nào) hát xong, thế mà vẫn thấy ấm lòng!

Bà con chỉ nói: “Moan, hát đi!”, thế là Y Moan hát. Mà khi Moan đã hát thì không biết đến khi nào ngừng; chỉ khi nào trưởng đoàn vì sợ “bể” chương trình, bảo “stop” Moan mới thôi.

Nên người ta không còn lạ khi Y Moan hát một hơi 13 bài, gần như độc diễn (trong những kỳ đi diễn của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắc Lắc), hát đến độ máu miệng trào ra, nhổ bãi máu rồi hát tiếp! 

Về với núi rừng

Có chứng kiến Y Moan ôm đàn một mình lững thững giữa thảo nguyên M’drak cỏ xanh trải thảm ngút mắt trên đèo Phượng Hoàng - từ Khánh Hòa lên Đắc Lắc - mà hát vang mới biết đó là lúc anh đang xuất thần.

Ở đó, giữa núi đồi nghe “một mình qua sông, qua núi đồi!” (Chim phí bay về cội nguồn của Y Phôn Ksor) mà vẫn cứ thấy nhớ núi đồi.

Ở đó, nghe “ai yêu tự do thì lên núi nghe đàn” (Cây đàn Chapi của Trần Tiến) mới thấy đúng là một phát hiện! Cái giọng ca bị đóng đinh vào đại ngàn này đâu thể hát ở phòng trà, sân khấu giữa thị thành! Thôi thì phải trả giọng hát ấy về với núi rừng, về với cao nguyên, với cái nắng, cái gió, cả cái nghèo…

Y Moan: Tiếng hát đại ngàn ảnh 2
Với nhạc sĩ Nguyễn Cường trên cao nguyên M'drak 10 năm trước.

15 năm trước cũng đã có lúc Y Moan định về “lập nghiệp” ca hát ở Sài Gòn. Về đôi ngày hát cho một số chương trình, các phòng trà nhưng rồi quá nhớ rừng, nhớ cái nắng cao nguyên lại nhảy xe về với Đắc Lắc.

Cho đến bây giờ, Y Moan vẫn cảm nhận mồn một được nỗi nhớ cao nguyên thê thiết ấy khi lần đầu tiên trong đời rời quê nhà để được thấy đồng bằng, để thấy được sự bao la của biển, thấy được đất nước muôn màu, đa dạng...

Đó là chuyến xuống núi tham gia Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc ở Qui Nhơn vào năm 1979. Rồi có nhiều lần làm “sứ giả văn hóa cao nguyên” trong những chuyến xuất ngoại sang diễn ở châu Âu, châu Mỹ, Úc, Nhật... nhưng chỉ càng cho anh thấy mình không thuộc về thế giới phồn hoa đô hội.

Và Moan quyết định gắn đời mình ở cao nguyên, với Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắc Lắc, cho dù mỗi đêm đi hát (và hát bao nhiêu bài đi nữa) tiền bồi dưỡng được lãnh chỉ 70.000 đồng.

Chỉ hát ở cao nguyên, Y Moan mới được gần gũi với “gái trai quê tôi, da nâu mắt sáng, vóc dáng hiền hòa!” (Ơi M’drak của Nguyễn Cường - bài hát mà có lẽ không ai ngoài Y Moan lột tả được hết vẻ đẹp và màu sắc cao nguyên của nó).

Bây giờ ở tuổi 52 với 35 năm theo nghề ca hát, Y Moan vẫn là một “ca sĩ tỉnh lẻ” dù cả nước biết đến tên anh. Nơi anh ở là một cái gara vài chục mét vuông trong khuôn viên của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắc Lắc ở TP Buôn Ma Thuột. Hằng ngày đoàn di chuyển đến buôn làng nào cũng có Y Moan theo.

Có thể nói Y Moan là “linh hồn” của đoàn từ mấy chục năm rồi - vắng anh sức hấp dẫn của đoàn mất đi nhiều lắm. Moan đi hát và vẫn đi làm rẫy. Rẫy cà phê 3 ha cách Buôn Ma Thuột chừng 45km, ở huyện Cư M’gar, là thế giới kết nối một Y Moan nông dân với một Y Moan nghệ sĩ, một Y Moan phóng khoáng với một Y Moan sâu sắc, một Y Moan của núi rừng với một Y Moan của phố thị, một Y Moan của công chúng với một Y Moan của gia đình, và nó nuôi dưỡng tâm hồn của anh. Cuộc sống của gia đình anh năm người phụ thuộc rẫy cà phê đó. 

Cuộc đi hát "thử" cả đời người

52 năm trước, có một đứa bé được sinh ra trên rẫy rồi được gói lại gùi về nhà. Về chuyện ca hát, Y Moan nhớ lại lúc còn nhỏ, lần đầu tiên xin đi theo ông Ama Nô đi hát “cho vui”.

Ama Nô là một chiến sĩ cách mạng, cũng là nhạc sĩ, người J’Rai ở Phú Bổn nhưng hoạt động ở chiến trường Đắc Lắc, người phụ trách đầu tiên của Đoàn văn công B3 của tỉnh Đắc Lắc trước 1975 - tiền thân của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắc Lắc ngày nay.

Anh vẫn nhớ lời mẹ cản ngăn, vì ca hát là nghề xa lạ với buôn làng; nhớ đôi dép cao su đầu tiên mà thầy Ama Nô cắt từ lốp xe cho anh  bước vào  con đường nghệ thuật (đi dép để ra hát trước đám đông); nhớ màu áo xanh bộ đội văn công được mặc; nhớ đi hát mà vẫn phải mang theo súng AK (vì sợ bọn Fulro phục kích vào những năm đầu giải phóng); nhớ cục lương khô được phát sau mỗi lần hát; nhớ cả lúc đang học nửa chừng ở Nhạc viện Hà Nội phải quay về chỉ vì đoàn không có người... hát, rồi không bao giờ quay lại.

Y Moan: Tiếng hát đại ngàn ảnh 3
Y Moan trong rẫy của gia đình

Âm nhạc đã dắt thằng bé chân trần của gió núi mây ngàn đi mãi cho đến ngày hôm nay, quên mất lời hứa với mẹ “đi thử với Ama Nô một thời gian rồi về thôi”.

Nhờ cuộc đi “hát thử” kéo dài cả đời người đó, hình ảnh và giọng hát Y Moan giờ đây đã lưu lại đâu đó trong các ca sĩ cao nguyên như Y Zắc (Đắc Lắc), Siu Black (Kontum), Y Yang Tuyn (Gia Lai), Cil Trinh (Bonner Trinh - Lâm Đồng), Karazan Dik, Krazan Blin (Lâm Đồng), cả Kasim Hoàng Vũ và Y Garia (đang học Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật quân đội)...

Có thể nói không quá lời rằng trong những tác phẩm viết về cao nguyên của nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng có bóng dáng tiếng ca hoang dại của kẻ hát rong Y Moan. Và Y Moan không chỉ “truyền bá” âm nhạc Nguyễn Cường mà còn thổi vào đó cái hồn Tây nguyên.

Trong căn nhà bề bộn nhạc cụ, sách, đĩa nhạc, huy chương, giấy khen, kể cả bằng chứng nhận nghệ sĩ ưu tú của Y Moan, có một đĩa nhạc được “sản xuất” rất không chuyên nghiệp, tựa Đứa con của núi rừng có in chân dung và tên Y Moan Ê Nuôl. “Có phải album cá nhân đầu tiên của Y Moan?”.

Anh chậm rãi trả lời: “Mình và thằng con trai Y Wol vừa mới làm xong (cha đàn - hát, con hòa âm, phối khí). Chị Nguyễn Thị Minh Ngẫu, vợ của Y Moan, tên Êđê là Amí Wol, cho biết: phải làm gấp một cái để lưu lại vì căn bệnh lao phổi mãn tính đang đe dọa giọng hát anh (mà hát kiểu Y Moan thì phổi nào không sứt mẻ hở trời!).

Chị Minh Ngẫu nói bác sĩ Buôn Ma Thuột, Sài Gòn đều không cho đi hát nữa nhưng Y Moan cứ bước qua lời can ngăn, chỉ vì “em ơi, không được hát anh chịu không nổi!”.

Có một lá đơn Y Moan gửi đến Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắc Lắc, bày tỏ rằng những ca khúc đầy “linh hồn” của Tây nguyên của các nhạc sĩ đã mất hay đang sống: Ama Nô, Ama Nui, Rơ Chăm Dơn, Y Sơn Nie, Kpa Ylang, Y Phôn Ksor, Y Kô, Linh Nga Nie Kdam... - những di sản âm nhạc hiện đại của người Tây nguyên cần được ghi âm, và anh sẽ tình nguyện hát không cần “nhuận ca”. “Nếu không ai làm thì mình tình nguyện, chỉ cần đầu tư cho việc ghi âm, in sang vào đĩa CD hoặc VCD, DVD”.

Trong không gian lặng im như cánh rừng buổi chiều về, bất chợt Y Moan với lấy cây đàn dựng bên góc nhà, rồi những âm thanh rất... Y Moan vang lên: “Tôi như con chim lạc bay trên đồi cao. Tôi như con thú lang thang trong rừng sâu. Tôi như giọt mưa khao khát lời!”.

Cái con chim phí của đất trời Tây nguyên, cái giọng hát đang bị bệnh tật đe dọa ấy lại vang lên say sưa, mê đắm...

MỚI - NÓNG